Khi thầy trò “đối thoại”

Nhiều học trò Trường THPT Lê Hồng Phong, TPHCM, đang kháo nhau khá tự hào: “Ban giám hiệu, thầy cô trường mình luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”. Tại sao họ nói thế? Ngày 28/10, chúng tôi đã dự một buổi sinh hoạt chủ nhiệm cuối tuần...

“Các con thoải mái chưa?”

 

“Hôm nay thầy trò chúng ta sẽ trao đổi với tinh thần dân chủ, thoải mái. Các con có khúc mắc, trúc trắc, trục trặc gì cứ thẳng thắn trình bày. Nếu được, thầy trả lời tại chỗ; còn không sẽ tìm cách giải quyết tình huống sau, được không?” - thầy Võ Anh Dũng, hiệu trưởng Trường Lê Hồng Phong, bắt đầu khá hóm hỉnh như thế khiến không khí đối thoại thầy trò trở nên thoải mái, nhẹ nhàng.

 

Anh chàng bí thư lớp 12 chuyên toán tranh thủ nêu thắc mắc của lớp mình: “Thầy ơi! Năm ngoái lớp con được học môn địa trong phòng nghe nhìn rất dễ tiếp thu kiến thức. Tại sao năm nay chúng con không được học ở đó nữa?”. Chàng chưa kịp ngồi xuống, nàng lớp trưởng 12A6 bật dậy: “Thầy ơi, nếu đề thi chưa hợp lý thì tụi con phải làm sao ạ?”... Cứ thế hàng loạt câu hỏi của đại diện từng lớp được nêu ra...

 

Nhẹ nhàng, thầy Võ Anh Dũng trả lời thắc mắc của từng bạn: “Trường ta chỉ có ba phòng nghe nhìn nhưng có tới 69 lớp và số môn cần học tại phòng này khá nhiều. Tuy nhiên, ban giám hiệu cũng đã thông báo cho thầy cô môn địa tổ chức các buổi thuyết trình, tìm cách khai thác bài giảng... Con về nói với các bạn thông cảm cho nhà trường. Phải chia nhau mà học thôi. Được chưa chàng trai? Còn chuyện đề thi chưa hợp lý, cái này có trong qui định của Bộ GD-ĐT rồi con à. Tùy trường hợp: hoặc giữ nguyên đề thi, tăng thêm thời gian làm bài; giữ nguyên không tăng thời gian nhưng cộng thêm điểm, hoặc bỏ đề thi đó, ra đề thi mới...”.

 

Không chỉ thế, thầy Dũng cũng thông báo cho học trò mình về những giải quyết của nhà trường đối với các kiến nghị, thắc mắc của HS trong buổi sinh hoạt tháng chín. Từ đèn điện, quạt, bục giảng, nhà vệ sinh... hư hỏng đã được sửa chữa đến làm việc với căngtin về việc không cho học sinh mua thức ăn từ nơi khác mang vào... “Các con thoải mái chưa hay muốn nói gì thêm?”, thầy Dũng hỏi lại học trò vẻ trìu mến.

 

Đối thoại: Kênh thông tin quan trọng

 

“Là người thầy, lại ở cương vị quản lý nên rất cần những thông tin từ nhiều hướng, nhiều luồng, từ thầy cô đến học sinh. Với những buổi như thế mới mong có thể hiểu phần nào học trò mình nghĩ gì, mong muốn gì từ nhà trường để tạo tâm lý thoải mái cho học sinh trước áp lực học tập căng thẳng. Đây là kênh thông tin vô cùng quan trọng”, thầy hiệu trưởng Võ Anh Dũng cho biết và giải thích về hoạt động mới mẻ từ đầu năm học này của nơi đây: buổi sinh hoạt chủ nhiệm cuối tuần của tuần cuối cùng trong tháng, với phân công cụ thể các thầy trong ban giám hiệu.

 

Thực tế cho thấy hoạt động này được nhiều học trò nơi đây thích thú, hưởng ứng. Bạn Trương Ngọc Anh Thy, lớp trưởng 11D3, cho biết: “Buổi sinh hoạt sắp tới đám học trò bọn mình sẽ tự thảo luận, phân tích, giải thích nguyên nhân vì sao nhiều bạn chưa nắm bắt được môn sử để có thể đưa ra đề xuất. Ban giám hiệu cũng thông báo sẽ kết hợp với Đoàn trường làm một cuộc khảo sát để cho ra đời sổ tay kiến thức của “cư dân Lê Hồng Phong”. Với hoạt động này, bọn mình chắc chắn đến trường với tâm lý thoải mái: thầy cô hiểu mình”.

 

Bà Võ Huy Hạnh (phụ huynh em Nguyễn Vũ Hoài Phương, lớp 11D3) cũng tỏ thái độ ủng hộ: “Không áp đặt suy nghĩ, tổ chức đối thoại, tạo không khí dân chủ và tâm lý thoải mái cho học trò là cách làm hay của thầy cô trong nhà trường. Điều này khiến phụ huynh chúng tôi an tâm hơn khi con ở trường”.

 

Theo Vương Hằng Sa
Tuổi Trẻ