Vĩnh Long:

Chung tay tương trợ gia đình giáo viên qua đời

(Dân trí) - Từ những hình ảnh khốn khó của người thân ở lại khi một giáo viên, công nhân viên nào đó qua đời, ngành giáo dục Vĩnh Long đã chung tay tương trợ, góp phần chia sẻ phần nào khó khăn với gia đình các giáo viên đã khuất.

Chúng tôi được thầy Phạm Văn Báo - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Vĩnh Long cho biết, ở Vĩnh Long từ nhiều năm nay có một nguồn góp tương trợ quý báu dành cho những cán bộ, giáo viên (GV), công nhân viên trong ngành rất có ý nghĩa đó là “tương trợ giáo viên qua đời”.

Thầy Phạm Văn Báo (
Thầy Phạm Văn Báo (ngoài cùng bên phải) cùng công đoàn ngành giáo dục Vĩnh Long trong một lần trao nguồn tương trợ cho đồng nghiệp.

Từ tương trợ gia đình các giáo viên qua đời…

Nói về xuất phát ý tưởng ra đời nguồn tương trợ này, thầy Báo kể lại, hồi năm 1992, khi đó thầy là Chủ tịch Công đoàn cơ sở một trường THPT ở Tam Bình, trong lần đi dự đám tang một GV chẳng may bị bệnh qua đời, thầy thấy hoàn cảnh của GV này hết sức khó khăn. Người GV ra đi để lại vợ con sống trong cảnh túng thiếu, nghèo khổ nên ai cũng xót xa. Lúc đó, bản thân thầy Báo rất cảm thương cho hoàn cảnh của người thân của đồng nghiệp và thầy còn cho biết, vào thời điểm đó có rất nhiều hoàn cảnh tương tự như thế.

Từ những hình ảnh mà thầy Báo tận mắt chứng kiến tại các đám tang của đồng nghiệp, trong đầu thầy Báo nảy sinh ý nghĩ: đồng lương GV đã ít ỏi, vì một lý do nào đó mà một thầy giáo là trụ cột gia đình mất đi thì vợ con của họ sẽ sống thế nào hoặc một cô giáo mất đi thì cuộc sống của chồng con cũng sẽ lắm khó khăn. Thầy Báo cho biết, sau một thời gian suy nghĩ, thầy thấy rằng nếu có sự tương trợ của các đồng nghiệp biết đâu sẽ đỡ đần được những đồng nghiệp có hoàn cảnh không may.

Theo thầy Báo, hồi những năm 1993- 1994, toàn ngành giáo dục Vĩnh Long có khoảng 7.000 cán bộ, GV, công nhân viên, nếu mỗi người góp 1.000 - 2.000 đồng thì sẽ được một khoản tiền không nhỏ để có thể hỗ trợ cho các gia đình đồng nghiệp phần nào đó trong cuộc sống. Ý tưởng này của thầy Báo được lãnh đạo cũng như thành viên trong Công đoàn ngành nhiệt tình tán thành.

Thế rồi, một văn bản “tương trợ giáo viên qua đời” chính thức được Công đoàn ngành Giáo dục Vĩnh Long cho “ra đời” vào năm 1994 với nội dung chủ yếu là khi có một cán bộ, GV, công nhân viên trong ngành qua đời thì tất cả những đồng nghiệp còn lại sẽ góp 1% lương tối thiếu (khoảng 1.200 đồng) gọi là phúng điếu. Toàn bộ số tiền này là sự đóng góp tự nguyện và sẽ được gửi đến gia đình có GV qua đời.

Cho chúng tôi biết thêm, thầy Báo nhớ lại, cô giáo N.T.H (GV một trường tiểu học ở huyện Trà Ôn) là GV được nhận sự tương trợ đầu tiên trong ngành. Sau khi nhận được thông tin cô H. bị bệnh ung thư qua đời, ngành GD đã góp được khoảng 7,8 triệu đồng. Sau đó, có trường hợp thầy giáo N.A.D (lãnh đạo một trường tiểu học ở huyện Tam Bình) mất do bệnh teo cơ, ngành hỗ trợ được 8,2 triệu đồng. “Nhờ số tiền của ngành hỗ trợ mà người thân của cô H., thầy D. đỡ đần được chi phí mai táng, chuộc lại đất cầm cố và lo thêm cho con cái ăn học”, thầy Báo cho biết.

Từ những năm 1994 trở đi, nguồn “tương trợ giáo viên qua đời” ngày càng được tăng lên theo thời gian. Thầy Báo cho hay, ban đầu các GV góp 1.200 đồng, sau đó tăng dần và đến nay là chừng 2.500 đồng, với tổng số tiền hỗ trợ hiện nay khoảng 43 triệu đồng/người. Một con số hỗ trợ không nhỏ bởi từ 7.000 cán bộ, GV, công nhân viên thì đến nay toàn tỉnh đã có trên 17.000 người tham gia. Theo thầy Báo, 18 năm qua, nguồn tương trợ đã chia sẻ đến khoảng 300 gia đình các GV qua đời, với số tiền gần 10 tỷ đồng.

….Đến tương trợ GV mắc bệnh hiểm nghèo

Sau khi nguồn “tương trợ giáo viên qua đời” thể hiện được tinh thần lá lành đùm lá rách, nhận được nhiều nghĩa cử cao đẹp của cán bộ, GV, công nhân viên trong ngành, thầy Báo cho biết vào năm 2010, Công đoàn ngành tiếp tục triển khai phát động “tương trợ giáo viên bệnh hiểm nghèo”.

Theo thầy Báo, khi có thông tin từ công đoàn cơ sở báo lên về trường hợp GV, công nhân viên nào đó mắc bệnh thì công đoàn tỉnh sẽ cử người xuống tận nơi để thăm hỏi, xem xét. Sau đó, tùy vào mức độ bệnh mà ngành có quyết định hỗ trợ để đồng nghiệp của mình đi chữa trị. Mặc dù hiện nay đời sống GV, công nhân viên ngành giáo dục có ổn định hơn trước nhưng vẫn còn nhiều trường hợp khó khăn. Bên cạnh đó, các căn bệnh hiểm nghèo thường có chi phí điều trị rất cao nên toàn ngành hỗ trợ được phần nào đó cũng nhằm mang đến cho đồng nghiệp thêm tinh thần vượt qua bệnh tật.

Hiện nguồn tương trợ này đã vận động được trên 400 triệu đồng, hỗ trợ cho trên 20 trường hợp GV, công nhân viên bị bệnh, có người thân bị bệnh ở trong tỉnh Vĩnh Long. Như một giáo viên ở TP.Vĩnh Long đã nhận được nguồn hỗ trợ này là cô N.T.T.N, bị bệnh ung thư tủy cấp tính. Hiện cô N. đã thực hiện thành công ca ghép tủy và sức khỏe ổn định. Và còn nhiều GV khác trong tỉnh Vĩnh Long đã vượt qua nhưng cơn nguy hiểm khác như bệnh suy thận, ung thư, tim mạch... khi có sự hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần của đồng nghiệp.

Nhiều GV chia sẻ với chúng tôi rằng, dù nguồn hỗ trợ tuy không lớn về vật chất nhưng lại rất lớn về tinh thần. Bởi người bệnh họ thường rất cần, rất quý sự chia sẻ tinh thần của người thân, của bạn bè đồng nghiệp. Nhiều GV cũng cho biết, các nguồn tương trợ cần được thực hiện lâu dài để san sẻ sự quan tâm lẫn nhau của những đồng nghiệp trong ngành và không chỉ ngành giáo dục mà có thể lan rộng qua nhiều ngành nghề khác.

Huỳnh Hải