Động đất ở Lai Châu, một số học sinh mầm non bị thương, hoảng loạn

(Dân trí) - Trận động đất ngày 16/6 tại Lai Châu làm trần thạch cao tại điểm trường mầm non Bản Giẳng (xã Mường Tè, huyện Mường Tè) rơi trúng học sinh đang nghỉ trưa, khiến một số em bị thương, hoảng loạn.

Trao đổi với PV Dân trí chiều 17/6, một đại diện của Sở GD&ĐT Lai Châu cho hay, đến chiều qua (16/6), có 4 em học sinh của điểm trường này bị xây xát nhẹ phần mềm và đang được theo dõi tại trung tâm y tế xã.

Sở GD&ĐT Lai Châu đã có công văn hướng dẫn tuyên truyền khắc phục hậu quả và vào tận nơi để thăm hỏi các học sinh bị thương.

Ông Trương Quốc Hoàn, Phó Phòng GD&ĐT huyện Mường Tè cho biết, đơn vị này cũng đã tổ chức thăm hỏi học sinh bị thương và ổn định tinh thần cho các cháu.

“Địa phương luôn cảnh báo các nhà trường đề phòng lũ lụt thiên tai hàng năm. Do các cháu bị thương lần này đang ở độ tuổi mầm non nên chúng tôi lưu ý cần chăm sóc đặc biệt”, ông Hoàn cho hay.

Cũng trong chiều nay (17/6), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có công điện gửi Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu về việc chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả của trận động đất.

Động đất ở Lai Châu, một số học sinh mầm non bị thương, hoảng loạn - 1

Hiện trường sau động đất tại điểm Trường mầm non bản Giẳng, xã Mường Tè. (Ảnh: Báo Lai Châu). 

Theo đó, vào lúc 13h12 ngày 16/6/2020, đã xảy ra một trận động đất 4,9 độ richter tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu (tọa độ 22.563 độ vĩ Bắc, 102.655 độ kinh Đông), độ sâu chấn khoảng 12,6 km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 quanh khu vực tâm chấn và cấp 3 ở khu vực lân cận.

Trận động đất đã làm nhiều nhà dân, công trình bị nứt, gãy. Đặc biệt tại điểm trường mầm non Bản Giẳng, xã Mường Tè, huyện Mường Tè, trần thạch cao đã rơi trúng học sinh đang nghỉ trưa, nhiều em bị thương, hoảng loạn. Có 4 học sinh đang được theo dõi sức khỏe tại Trung tâm Y tế xã.

Để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả của trận động đất, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu chỉ đạo lực lượng phòng chống thiên tai thuộc Sở và các đơn vị liên quan rà soát, kiểm tra sỹ số học sinh, giáo viên của tất cả các cơ sở giáo dục trong địa bàn, trường hợp phát hiện thiếu phải liên hệ ngay với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (Ban Chỉ huy) các cấp đề nghị hỗ trợ tìm kiếm.

Kiểm tra, rà soát ảnh hưởng của trận động đất đến các công trình trường học trong khu vực bị ảnh hưởng để kịp thời có phương án ứng phó; Thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến động đất; thông tin, thông báo kịp thời với Ban Chỉ huy các cấp để chủ động ứng phó.

Tổ chức trực ban 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Bộ GD&ĐT, Ban Chỉ huy các cấp; Chủ động tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ chăm sóc các em học sinh bị thương đang theo dõi tại Trung tâm Y tế.

Tổng hợp thiệt hại (nếu có) và phương án xử lý báo cáo UBND tỉnh để có phương án khắc phục, đồng thời báo cáo về Bộ GD&ĐT.

Mỹ Hà