Đào tạo "xuất khẩu" kỹ sư theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp

(Dân trí) - Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải đang đào tạo hàng trăm kỹ sư theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài là Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc. Khi tốt nghiệp các kỹ sư này sẽ được xuất khẩu sang làm việc theo doanh nghiệp đặt hàng.

Đào tạo xuất khẩu kỹ sư theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp - 1

Tập đoàn VNPT vào tận trường phỏng vấn trực tiếp tuyển dụng sinh viên trường ĐH Công nghệ GTVT.

Hiện nay, trường ĐH Công nghệ GTVT có 8 đơn đặt hàng đào tạo kỹ sư cho doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Trong đó có nhiều đơn đặt hàng của doanh nghiệp nước ngoài là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức chiếm khoảng 20% sinh viên. 

Các ngành nghề trải rộng ở các lĩnh vực, vận tải, cơ khí, CNTT… Mỗi một khóa có 3 lớp đào tạo kỹ sư theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Với các doanh nghiệp nước ngoài, khi đào tạo xong, các kỹ sư sẽ được “xuất khẩu” đến doanh nghiệp để làm việc như Nhật Bản vì họ công nhận bằng cấp và công nhận chuẩn trình độ đào tạo của nhà trường.

PGS.TS Đào Văn Đông, hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải cho biết, để có bước tiến công nhận chất lượng đào tạo và tạo việc làm cho sinh viên sau khi ra trường, trường ĐH Công nghệ GTVT đã thay đổi định hướng đào tạo linh hoạt khác với giáo dục truyền thống.

Trước đây, nhà trường và doanh nghiệp chưa cởi mở với nhau, nhà trường chưa chủ động tìm đến doanh nghiệp; các doanh nghiệp thì đòi hỏi yêu cầu cao như kinh nghiệm với sinh viên ra trường. Hiện nay, mối quan hệ này đã cởi mở hơn, các doanh nghiệp đã tìm đến với nhà trường.  Khái niệm về kinh nghiệm làm việc đã xóa dần thay thế bằng năng lực làm việc của sinh viên.

Đào tạo xuất khẩu kỹ sư theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp - 2

Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ GTVT Đào Văn Đông

Theo hiệu trưởng ĐH Công nghệ GTVT,  3 yếu tố quan trọng để nhà trường kết hợp với doanh nghiệp là định hướng nghề nghiệp, nghiên cứu chuyển giao công nghệ, chương trình đào tạo.

Chính vì vậy, nhà trường sẵn sàng mời các kỹ sư, chuyên gia, doanh nghiệp cùng tham gia vào hội đồng hướng dẫn bảo vệ các đề tài tốt nghiệp của sinh viên để doanh nghiệp chủ động đưa các bài toán thực tế của mình cho sinh viên.

Nhà trường đã kết hợp với doanh nghiệp trong công tác đào tạo, tuyển dụng. Khi có chuẩn tuyển dụng của doanh nghiệp, nhà trường đã thường xuyên, định kỳ điều chỉnh lại chương trình đào tạo để đầu ra khớp với chuẩn tuyển dụng của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp được định hướng, đánh giá sinh viên, phù hợp với các tiêu chí tuyển dụng cho sinh viên sau khi tốt nghiệp về lại và cống hiến cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, nhà trường đã chiêu sinh, mở nhiều lớp đào tạo lớp tài năng riêng theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp để đào tạo chuyên sâu, không chỉ với chuyên môn mà còn học tập văn hoá doanh nghiệp ngay từ giảng đường. Ví dụ, doanh nghiệp đặt hàng 50 sinh viên thuộc các ngành nghề đào tạo của nhà trường, trường sẽ đào tạo 50 sinh viên đó đúng với định hướng yêu cầu của doanh nghiệp.

Ông Đông cho hay, chi phí cho lớp học này rất nhỏ vì mức chi hiện nay chu kỳ cho 1 sinh viên khoảng 100 triệu, doanh nghiệp đào tạo tốt bao nhiêu thì doanh nghiệp càng được hưởng lợi nhân lực chất lượng cao cho chiến lược phát triển của mình.

Với chiến lược đào tạo như vậy, sinh viên trường ĐH CNGTVT từ năm thứ 2 đã được thực tập tại các doanh nghiệp, các em đã làm quen khá sâu với văn hóa doanh nghiệp, nhu cầu tổ chức, hoạt động làm việc của doanh nghiệp bên cạnh kiến thức chuyên môn của mình. Do đó, không dưới 80% các em ra trường có việc làm.

Vừa qua, Tập đoàn VNPT cũng đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược tuyển dụng kỹ sư của trường Đại học Công nghệ GTVT làm việc tại Tập đoàn bưu chính viễn thông.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó Giám đốc VNPT-IT cho biết, mong muốn Tập đoàn VNPT và Trường Đại học Công nghệ sẽ đồng hành cùng nhau bắt kịp công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng và cam kết tuyển dụng các sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp ra trường.

Hồng Hạnh