Bà giáo nghèo và lớp học tình thương

Ngày mới mở lớp, không ít người bảo bà là "lẩm cẩm", "vô công rồi nghề". Nhưng với niềm say mê nghề và hơn hết là luôn day dứt với những đứa trẻ không được đến trường, lang thang trong khu phố, bà đã dùng những đồng lương hưu ít ỏi của mình để mở lớp dạy học cho con em của người lao động nhập cư, tha hương cầu thực...

Bà giáo Năm dạy các em tập đọc.
Bà giáo Năm dạy các em tập đọc.
 
Lũ trẻ gọi bà là bà Năm (tên thật Nguyễn Thị Lan), năm nay đã tròn 60 tuổi. Sức khỏe đã yếu đi nhiều, những nếp nhăn xô vào nhau trên khuôn mặt đã nhiều hơn, nhưng hơn ba năm nay, bà vẫn tới dạy chữ cho các em nghèo ở lớp học do bà lập ra ở khu phố 4, phường Tân Phú (Q.7, TPHCM). Tôi đến thăm lớp học đặc biệt của bà giáo Năm khi bà cùng lũ trẻ tíu tít chuẩn bị cho buổi học. Ấn tượng đậm nhất là những cử chỉ điềm đạm, lời nói dịu dàng, thân mật của bà. Chắc chắn không chỉ riêng tôi, mà bất kỳ ai khi gặp và tiếp xúc với bà đều sẽ khâm phục và cảm động vì những gì bà đã làm. Lớp học của bà cũng rất đặc biệt, vì học sinh theo học không đồng đều, đứa lớn, đứa nhỏ, em nào cũng đầu tóc lem luốc.

Khu phố 4 nơi bà sinh sống cho đến bây giờ vẫn còn là một vùng sình lầy nước ngập, có đông lao động nghèo nhập cư và trẻ em mù chữ. Ngày ngày nhìn thấy cảnh những đứa trẻ phải lang thang, không được đến trường, người giáo viên mầm non về hưu này cảm thấy thương lũ nhỏ và thương cả cha mẹ chúng. Một lần, bà được nghe cô hàng xóm tâm sự: Nhà có bốn người con, hai cô con gái đầu, một đứa đi phụ hồ, một đứa đi giúp việc, còn hai đứa trẻ sau thì bị "nhốt" trong nhà do không có tiền để tới lớp. Nghe xong chuyện, bà Năm chạnh lòng.

Rồi cô hàng xóm đó dẫn hai đứa trẻ đến nhờ bà giáo về hưu "dạy được chữ nào hay chữ đó". Dù tuổi đã cao, gầy yếu, lại đang nuôi cháu nội một tuổi, nhưng vốn là một cô giáo cho nên bà không nỡ từ chối. Tiếng lành đồn xa, chỉ mấy ngày sau đã có vài chục đứa trẻ đến đứng đợi ngoài cửa để được bà dạy chữ. "Lớp học" vỡ lòng tại nhà bà Năm nhanh chóng quá tải bởi những đứa học sinh lem luốc, đầu tóc bù xù kéo đến học ngày càng nhiều. Chẳng còn cách nào khác, thương lũ trẻ, bà Năm đành trích tiền lương dành dụm bao nhiêu năm đi thuê một vỉa hè với giá 500 nghìn đồng/ tháng để dạy. Trẻ đông, ồn ào, ảnh hưởng đến mọi người, bà lại tiếp tục đi tìm phòng để thuê với giá 600 nghìn đồng, rồi cứ thế, chuyển nơi này qua nơi khác.

Ban chấp hành Đoàn phường Tân Phú biết chuyện, đã đưa các em về phòng họp của tổ 27 (Khu phố 4) làm điểm lớp để bà yên tâm dạy các cháu.

Đến nay, số học sinh của "cô giáo Năm" đã lên tới hơn 45 em với các lớp 1, 2, 3. Học sinh của bà theo học không chỉ ở tổ 27 này mà còn đến từ mấy tổ dân cư khác trong phường. Bà Năm cho biết: "Các cháu học ở đây đều là con em trong phố, chỉ số ít các em là người ngoại tỉnh.

Ba mẹ các cháu, người thì làm thợ hồ, người thì lượm ve chai, người thì quét dọn, không có tiền cho con đến trường". Bây giờ, lớp học của bà cũng nhận được một vài sự giúp đỡ của các tổ chức từ thiện thông qua lực lượng thanh niên tình nguyện ở địa phương. Bút, vở, sách giáo khoa đều đi xin từ các gia đình và các trường trong vùng.

Học sinh của bà thuộc mọi lứa tuổi và các trình độ khác nhau,... chính vì vậy, trước khi dạy, bà phải tìm hiểu xem tính tình em đó thế nào, bao nhiêu tuổi và quan trọng đã từng được dạy chữ chưa, từ đó bà "phân loại" từng em để có cách dạy phù hợp, giúp các em tiếp thu được bài. Bởi thế, khi nhắc đến những đứa học trò đen nhẻm của mình, bà giáo nghèo biết rõ từng tính nết đến sở thích, cả những ước mơ của từng em.

Bà Năm cho biết: "Độ tuổi các em không đồng đều, do vậy việc tiếp thu bài của các cháu cũng không như nhau, cho nên phải kèm cặp từng đứa một, có em tiếp thu bài nhanh nhưng cũng có em tiếp thu bài rất chậm.

Nhờ sự dạy dỗ, chỉ bảo tận tình của bà Năm mà các em đã có nhiều tiến bộ, như em Lê Thị Na, Nguyễn Thi Gấm ở khu vực cầu Rạch Tỉa giờ đã biết đọc lưu loát, viết chữ đẹp. Với bà, có thêm một đứa trẻ biết đọc, biết viết, biết phân biệt cái tốt, cái xấu... là thêm một niềm vui, một niềm hạnh phúc. Bà Năm nhớ lại: Hơn một năm về trước, hai cô học trò của bà sau khi "tốt nghiệp lớp học" về nhà không có gì làm, bà mua hai chiếc máy may rồi cho đi học may, sau đó hai cô học trò không phụ lòng bà đã chăm chỉ học và tìm được việc trong một công ty. Bây giờ thỉnh thoảng lại về mua hoa đến thăm bà.

C Ó lẽ vì thế mà hơn ba năm gắn bó với lớp học, niềm vui của bà là mỗi cái ôm chầm của học trò mỗi khi vừa bước vào lớp hay những bông hoa nhỏ của các em tặng nhân ngày 20/11, ngày 20/10,... Nhưng niềm vui lớn nhất của bà vẫn là sự tiến bộ của các em qua từng tuần, từng tháng. Nhắc tới tương lai của lớp học, khuôn mặt phúc hậu của bà thoáng buồn. Bà tâm sự: "Tuổi mình lớn rồi, không may có chuyện gì mà không giúp được các cháu nữa, thì các cháu sẽ ra sao đây ?". Rồi bà cũng lo lắng và mong muốn các nhà hảo tâm quan tâm, giúp đỡ các em nhiều hơn để các em có thể vượt qua những mặc cảm sống vui vẻ...
 
Theo Thanh Hải
Báo Nhân Dân