Vì sao tổ hợp Khoa học xã hội chiếm ưu thế đăng ký thi tốt nghiệp THPT?

Huỳnh Đức

(Dân trí) - Tính đến thời điểm kết thúc đợt đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022, số thí sinh đăng ký bài thi Khoa học xã hội chiếm tỉ lệ 55%, trong khi bài thi Khoa học tự nhiên chiếm 31%.

Vì sao tổ hợp Khoa học xã hội lại chiếm ưu thế?

Vì sao tổ hợp Khoa học xã hội chiếm ưu thế đăng ký thi tốt nghiệp THPT? - 1

Nam Huân cho rằng: "Nhiều người cho rằng tổ hợp KHXH chính là "phao cứu sinh" cho những ai chỉ đăng ký xét tốt nghiệp" (Ảnh: NVCC).

Trần Nam Huân, học sinh chuyên Toán trường THPT Chuyên Sơn La chia sẻ: "Tổ hợp Khoa học xã hội (KHXH) chiếm ưu thế hơn so với tổ hợp Khoa học tự nhiên (KHTN) luôn là một vấn đề "nóng hổi" mỗi mùa tuyển sinh. Nhiều người cho rằng tổ hợp KHXH chính là "phao cứu sinh" cho những ai chỉ đăng ký xét tốt nghiệp".

Xã hội càng phát triển thì con người sẽ càng phải đối mặt với rất nhiều các vấn đề về tâm lý. Do vậy, nhu cầu chữa lành những rạn nứt trong tâm hồn sẽ ngày càng tăng cao. Có lẽ vì thế mà các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực nhân văn, xã hội sẽ "mọc lên" và dần đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của xã hội. Thị trường việc làm có thể "khát" nguồn nhân lực chất lượng cao, có thể thịnh hành về các ngành nghề liên quan đến tự động hóa, công nghệ thông tin..., nhưng giá trị của con người vẫn sẽ mãi không thể thay thế.

Cô Phạm Thị Thúy, giáo viên Lịch sử trường THPT Chuyên Sơn La, người có bề dày kinh nghiệm trong việc ôn luyện học sinh giỏi môn Lịch sử các cấp nhận định: "Mọi người thường quan niệm rằng các môn trong tổ hợp KHXH chủ yếu là học thuộc, nên người học luôn giữ một tâm thế học máy móc để có thể ghi nhớ và "nhồi nhét" càng nhiều kiến thức càng tốt. Chính những quan điểm như thế đã làm giảm hứng thú và sự sáng tạo của học sinh đối với các môn trong tổ hợp KHXH".

Vì sao tổ hợp Khoa học xã hội chiếm ưu thế đăng ký thi tốt nghiệp THPT? - 2

Cô Phạm Thúy cho rằng nhiều người học luôn giữ một tâm thế học máy móc để có thể ghi nhớ và "nhồi nhét" càng nhiều kiến thức càng tốt (Ảnh: NVCC).

Ngoài ra, theo nhận định của nhiều giáo viên dạy bộ môn KHXH, học sinh thường có xu hướng nhìn vào phổ điểm của các năm để lựa chọn tổ hợp xét tốt nghiệp. Có thể thấy, các môn trong tổ hợp KHXH thường có phổ điểm cao hơn so với những môn học khác, ngoại trừ môn Lịch sử.

Đối với Lê Văn Việt Anh (Sơn La), cậu bạn đã lựa chọn khối D (Toán, Văn, Anh) để xét tuyển vào đại học. Có lẽ, ba môn Toán, Văn, Anh đã chiếm đa phần quỹ thời gian của cậu bạn nên Việt Anh đã phải tìm kiếm một con đường an toàn hơn khi xét tốt nghiệp bằng tổ hợp KHXH.

Lúc mới đầu, cậu bạn Gen Z đã từng phân vân lựa chọn giữa tổ hợp KHXH và tổ hợp KHTN. Tuy nhiên, sau khi phân tích đề minh họa và được định hướng từ thầy cô, Việt Anh đã quyết định chọn tổ hợp KHXH để phần nào giảm bớt những áp lực".

Việt Anh nhấn mạnh rằng các môn trong tổ hợp KHXH sẽ dễ dàng đạt điểm vượt qua liệt hơn so với tổ hợp KHTN, nhưng nó không đồng nghĩa với việc chúng ta không cần phải học. Bản thân cậu bạn vẫn phải dành thời gian nghe giảng ở trên lớp và học thuộc những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa.

Chuyện "con cá leo cây" và những định kiến về tổ hợp KHXH

Nam Huân cho rằng, mỗi một môn học sẽ có một đặc thù riêng, mỗi một người sẽ có những thế mạnh, sở trường riêng. Mọi môn học là bình đẳng như nhau và mọi người đều có quyền lựa chọn các môn học. Vậy nên, không thể coi tổ hợp này "hợp thời", "xu hướng" mà đánh giá thấp tổ hợp khác.

Vì sao tổ hợp Khoa học xã hội chiếm ưu thế đăng ký thi tốt nghiệp THPT? - 3

Ngọc Diệp đã từng muốn bỏ cuộc khi vấp phải những định kiến về việc lựa chọn học môn Lịch sử (Ảnh: NVCC).

Cùng chia sẻ về vấn đề này, Nguyễn Ngọc Diệp, sinh viên khoa Đông Phương học, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn chia sẻ: "Mình là một học sinh chuyên Sử và bản thân mình đã vấp phải những định kiến này ngay từ lớp 10. Họ luôn hoài nghi về sự lựa chọn của mình, hoài nghi cả về tương lai khi họ luôn coi đó là mù mịt".

Đã có lúc cô bạn Gen Z cảm thấy vô cùng buồn chán và từng có ý định bỏ cuộc. Tuy nhiên, sau quá trình học tập tại môi trường "đậm đặc" với kiến thức Lịch sử, Ngọc Diệp mới cảm thấy đây chính là nơi mà bản thân thuộc về. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, cô bạn đã vượt qua được những định kiến và đạt được những thành công bước đầu khi đỗ vào một ngôi trường danh tiếng bằng tổ hợp KHXH.

"Nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây thì cả đời con cá đó sẽ nghĩ mình ngu ngốc", Ngọc Diệp sử dụng câu nói của nhà bác học Albert Einstein khi chia sẻ câu chuyện của mình.

Ngoài ra, Nguyễn Huy Khánh học sinh trường THPT Chuyên Sơn La còn chia sẻ rất nhiều câu chuyện về việc bạn bè của mình dù có thế mạnh ở những môn trong tổ hợp KHXH nhưng lại bị gia đình "ép" thi tổ hợp KHTN. Điều đó khiến các bạn bị tự ti về khả năng và làm kìm hãm sự phát triển bản thân. Hay đối với Việt Anh, cậu bạn Gen Z cho rằng người lớn thường hướng con trẻ đến với tổ hợp KHTN hơn vì quan niệm những ngành nghề khi xét tổ hợp đó sẽ dễ dàng kiếm việc làm hơn.

Vì sao tổ hợp Khoa học xã hội chiếm ưu thế đăng ký thi tốt nghiệp THPT? - 4

Huy Khánh bày bỏ: "Điểm số chỉ là "bề nổi của tảng băng chìm", dưới lớp băng mình đã phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều" (Ảnh: NVCC).

"Định kiến là một điều khó có thể thay đổi, điểm số chỉ là "bề nổi của tảng băng chìm", dưới lớp băng mình đã phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều. Bạn chỉ thực sự nổi trội nếu chọn đúng ngành nghề, đúng tổ hợp", Huy Khánh nói.

Có những môn chỉ cần học thuộc?

Nam Huân, học sinh trường THPT Chuyên Sơn La chia sẻ: "Tổ hợp KHXH có thể dễ dàng "kiếm" được điểm để xét tốt nghiệp, nhưng những câu ở mức độ vận dụng cao thì học thuộc thôi là chưa đủ, mà chúng ta phải học hiểu thật sự sâu bản chất của nó.

Mình thường phải vận dụng rất nhiều những kiến thức và móc xích chúng lại với nhau. Đó là một quá trình dài và bền bỉ, không phải câu chuyện của ngày một ngày hai như mọi người nghĩ".

Hay đối với Ngọc Diệp, các môn trong tổ hợp KHXH thường được coi là khá gần gũi với cuộc sống nên các bạn học sinh rất dễ có thể suy đoán ở những câu hỏi ở mức độ nhận biết.

Cả Ngọc Diệp và cô Phạm Thúy đều không đồng tình với quan điểm coi các môn trong tổ hợp KHXH chỉ đơn thuần là các môn học thuộc.

Cô Phạm Thúy bày tỏ: "Đó là cách nhìn nhận chưa thực sự đúng đắn về bộ môn Lịch sử nói riêng và các môn trong tổ hợp KHXH nói chung. "Lịch sử chính là người thầy của tương lai", việc học tốt lịch sử sẽ giúp người học phát triển được tư duy logic, tư duy biện chứng, tư duy phản biện...

Việc học các môn trong tổ hợp KHXH không đơn giản là học thuộc, học vẹt. Học mà không hiểu bản chất thì bao công sức cũng "đổ sông đổ bể", cách học sai lầm như vậy sẽ khiến các bạn học sinh bị "lạc" trong mê cung của kiến thức. Đặc biệt ở những câu hỏi trong nhóm vận dụng cao, học sinh cần phải có một tư duy tổng hợp, một phản xạ nhạy bén, một lập luận "sắc nhọn" để có thể xâu chuỗi, móc xích các vùng kiến thức lại với nhau".

Bạn nghĩ sao về vấn đề này? Hãy chia sẻ với chúng tôi trong phần bình luận bên dưới.