Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Kiên quyết đóng cửa trường đại học yếu kém kéo dài”

(Dân trí) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GD&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ đóng cửa một số cơ sở giáo dục đại học yếu kém chất lượng kéo dài; kiểm tra xử lý nghiêm các trường đại học “hữu danh vô thực”, kiểm tra và dừng đào tạo các ngành đào tạo kém chất lượng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chấn chỉnh.

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết năm học 2018 - 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 trực tuyến 64 đầu cầu cả nước diễn ra sáng nay 6/8.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những nhận định cụ thể về kết quả ngành Giáo dục đạt được trong năm học vừa qua, cũng như vấn đề còn tồn đọng, hạn chế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo nhiệm vụ năm học 2018- 2019 (Ảnh: Hà Cường)

Ngành Giáo dục có những điểm nhấn đáng khích lệ

Năm học 2018-2019 đánh dấu sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, chúng ta còn không ít thách thức nhưng điều đáng mừng là ngành Giáo dục đào tạo đã đạt nhiều kết quả tích cực; nhất là kỳ thi THPT quốc gia gần đây được tổ chức nề nếp hơn, chất lượng hơn, tạo được niềm tin trong toàn xã hội.

Với quyết tâm của Chính phủ, sự ủng hộ của Quốc hội, chúng ta đã tạo ra được hành lang pháp lý khá tốt cho ngành Giáo dục, đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục (năm 2019) đã được thông qua.

Thông tin cũng rất đáng mừng là Việt Nam đã phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt con số khiến thế giới ngạc nhiên, đó là 99,98% số tẻ em 5 tuổi đã đến trường.

Chất lượng đại trà và mũi nhọn của ngành Giáo dục đều tăng. Báo cáo đánh giá thường niên về chỉ số phát triển bền vững do Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc và Quỹ nghiên cứu phát triển của Đức (Bertelsmann Stiftung) công bố: Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á về chỉ số phát triển bền vững; trong 5 chỉ số thì giáo dục đứng thứ 2 với 91/100 điểm.

Về giáo dục ĐH, chúng ta đã có 2 ĐH được vào top 1.000 ĐH hàng đầu thế giới; 7 ĐH được vào top các trường ĐH hàng đầu châu Á. Theo Thủ tướng, đó là một cố gắng lớn.

Thủ tướng nhấn mạnh, lịch sử các nước trên thế giới đều cho thấy không có kỳ tích, nhảy vọt xã hội nào mà không gắn với giáo dục đào tạo. Muốn phát triển đất nước bền vững thì giáo dục là quốc sách. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương toàn bộ nỗ lực thành quả của ngành Giáo dục trong thời gian qua với những điểm nhấn đáng khích lệ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Kiên quyết đóng cửa trường đại học yếu kém kéo dài” - 1

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh: Hà Cường)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn chỉ ra những tồn tại của ngành Giáo dục hiện nay như thiếu trường lớp, công tác sắp xếp các trường sư phạm còn chậm làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo giáo viên; thiếu nhiều ngành đào tạo mũi nhọn; nhiều địa phương chưa quan tâm đến quỹ đất để làm thiết chế trường học, nhất là trường mầm non trong khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất; tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, nhất là ở bậc mầm non…

Giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh chưa đúng mức và giáo dục kỹ năng mềm, kỹ năng thực hành còn hạn chế. “Dạy chữ được quốc tế đánh giá cơ bản là tốt nhưng day đạo đức, dạy làm người còn bất cập và chưa dành thời gian, giáo trình, chương trình, thời lượng cần thiết việc giáo dục đạo đức lối sống cho lớp trẻ. Dẫn đến, một số bộ phận học sinh, sinh viên vi phạm đạo đức lối sống gây bức xúc xã hội, ảnh hưởng thuần phong mỹ tục của người Việt”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thêm nữa, một bộ phận giáo viên sa sút đạo đức nghề giáo gây bức xúc dư luận xã hội như một số giáo viên thông đồng nâng điểm hay ngược đãi học sinh. Đó là điều ngành Giáo dục phải quan tâm lưu ý.

Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp nhưng lại thiếu trong các ngành mũi nhọn của đất nước. Các ngành du lịch, công nghệ thông tin, nông nghiệp hữu cơ chất lượng cao, nông nghiệp thông minh… rất cần nhưng đào tạo chưa đáp ứng được một phần do cơ cấu ngành học trong nhiều trường của chúng ta chưa phù hợp, chưa đủ cơ sở vật chất, điều kiện đáp ứng quá trình phát triển đất nước gắn với hội nhập sâu rộng.

Tóm lại, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phấn khởi, có đánh giá đúng mức sự phát triển đúng hướng của nguồn nhân lực Việt Nam nhưng còn nhiều bức xúc trong giáo dục, nhiều việc chúng ta chưa làm xong, chưa làm tốt cần đẩy mạnh hơn nữa ở các cấp Sở, Phòng, lãnh đạo, hội đồng nhà trường.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Kiên quyết đóng cửa trường đại học yếu kém kéo dài” - 2

Hội nghị được trực tuyến 64 đầu cầu cả nước. (Ảnh: Hà Cường)

Không chấp nhận chất lượng đào tạo quá thấp của một số trường đại học

Nêu ra các giải pháp lớn cho ngành Giáo dục, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương rà soát mạng lưới quy hoạch trường lớp, nhất là hệ thống mầm non, phổ thông phù hợp, tạo điều kiện cho con em và người dân. Một nền giáo dục hướng đến toàn dân, nâng cao dân trí phải có hệ thống mạng lưới cần thiết ở các bậc học.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương bố trí đủ quỹ đất để xây dựng hệ thống trường học, nhất là trường mầm non; giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường lớp mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất. Đồng thời, đẩy mạnh sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm, đầu tư chú trọng các trường sư phạm trọng điểm, các trường sư phạm phải gắn kết chặt chẽ với đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu rà soát sắp xếp các cơ sở giáo dục một cách mạnh mẽ hơn đảm bảo chất lượng, điều kiện phát triển gắn với trách nhiệm tự chủ, năng lực giải trình.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Kiên quyết đóng cửa trường đại học yếu kém kéo dài” - 3

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống trong trường học, ban hành trước năm học mới. (Ảnh: Hà Cường)

“Chúng ta bình tĩnh nhìn nhận vấn đề này. Trong khối trường đại học, nhiều trường hiện nay không đảm bảo điều kiện chất lượng. Việc hạ điểm chuẩn, vơ vét học sinh đầu vào với điểm chuẩn rất thấp, mượn giáo viên cơ hữu, điều kiện phòng học, thư viện, thí nghiệm không đủ… vẫn thành một trường. Chúng ta phải kiên quyết nhìn nhận, giải quyết thẳng thắn, không chấp nhận thực trạng chất lượng đào tạo quá thấp của một số trường. Chúng ta phải nhìn thẳng vấn đề này để tránh mang tiếng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhân dịp tổng kết năm học cũ và triển khai nhiệm vụ năm học mới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GD&ĐT kiểm tra xử lý nghiêm các trường đại học “hữu danh vô thực”, nhất là những nơi tìm kiếm đầu vào quá thấp để kinh doanh. Xã hội hoá là cần thiết, có tiền là cần thiết nhưng chất lượng giáo dục rất quan trọng.

“Tôi yêu cầu các đồng chí trình ra Thủ tướng Chính phủ đóng cửa một số cơ sở giáo dục đại học kém chất lượng kéo dài để cải cách chứ không phải cho thời gian vô cùng để tiến bộ mà không tiến bộ được. Tôi cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục kiểm tra và dừng các ngành đào tạo có chất lượng kém, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chấn chỉnh”.

Thủ tướng lưu ý Bộ GD&ĐT chỉ đạo toàn diện trong dạy và học cả nước, tập trung cho các trường đại học vùng, 2 đại học quốc gia, củng cố sắp xếp các trường đại học yếu kém như đã nêu trên.

Ngoài ra, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tự chủ, tự trang trải kinh phí của các cấp học, từ đại học phổ thông đến mầm non.

Đối với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, phải sắp xếp lại đội ngũ giáo viên để khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Đồng thời, có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho giáo viên để đáp ứng yêu cầu giáo trình đào tạo mới; tiếp tục rà soát lại đội ngũ phục vụ như: văn thư, y tế, bảo vệ… trong ngành giáo dục.

“Năm học mới 2019-2020 sẽ tạo ra chuyển biến, thay đổi căn bản giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên. Trước hết, đội ngũ giáo viên phải gương mẫu trong thực hiện tốt đạo đức, lối sống để làm gương cho học sinh, sinh viên. Việc giáo dục đạo đức cho học sinh sinh viên là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó nhà trường đóng vai trò trung tâm”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống trong trường học, ban hành trước năm học mới.

Lệ Thu (ghi)