Thí sinh đánh mất định hướng trong "ma trận" phương thức xét tuyển đại học

Huỳnh Đức

(Dân trí) - "Hiện tại bản thân mình đang vô cùng mông lung và mất định hướng giữa "ma trận" của các sự lựa chọn phương thức xét tuyển ", Vân Anh nói.

Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH,CĐ năm 2022 với nhiều thay đổi về kỹ thuật. Các trường đại học cũng đã công bố phương thức tuyển sinh năm 2022. Điều đó đã làm gia tăng thêm sức nóng cho kỳ tuyển sinh năm nay.

Theo thống kê từ Bộ GD-ĐT, năm 2022 có 20 phương thức xét tuyển đại học, cao đẳng. Đa dạng các phương thức xét tuyển liệu rằng có phải là một cách tốt để sàng lọc và chọn lựa những thí sinh tiềm năng hay nó chính là một "con dao hai lưỡi" làm gia tăng thêm áp lực cho học sinh?

Hãy cùng Dân trí tìm hiểu về vấn đề này.

Mất định hướng giữa "ma trận" của phương thức xét tuyển

Nguyễn Vân Anh - một thí sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 chia sẻ: "Khi có quá nhiều các phương thức xét tuyển thì việc lo lắng và hoang mang là tình hình chung của các bạn học sinh sinh năm 2004".

"Trong kỳ thi năm nay, mình đã chọn được ba phương thức xét tuyển đó là học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều đó khiến mình an tâm hơn phần nào khi đăng ký xét tuyển vào các trường đại học.

Tuy nhiên, mình thấy vô cùng phân vân liệu rằng có nên đăng ký thêm kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) của Đại học Quốc gia Hà Nội nữa hay không? Hiện tại bản thân mình đang vô cùng mông lung và mất định hướng giữa "ma trận" của các sự lựa chọn phương thức xét tuyển", Vân Anh nói.

Thí sinh đánh mất định hướng trong ma trận phương thức xét tuyển đại học - 1
Áp lực trở thành một sinh viên trường "top" là một cái bóng quá lớn khiến Quang Huy cảm thấy bản thân bị "nuốt chửng". (Ảnh: NVCC)

Bạn Đặng Quang Huy, học sinh lớp 12 trường THPT Chuyên Sơn La đã chia sẻ về quyết định lựa chọn đăng ký thêm hình thức thi ĐGNL của mình: "Các trường đang thu hẹp chỉ tiêu cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vì thế, nếu mình chỉ xét tuyển vào đại học bằng phương thức truyền thống thì sẽ không đảm bảo được cơ hội để có thể vào được các trường "top" hay các ngành mình yêu thích.

Áp lực trở thành một sinh viên trường "top" là một cái bóng quá lớn khiến mình bị "nuốt chửng" trong đó. Mình phải dành nhiều thời gian hơn đi học thêm để có thể bổ sung và hoàn thiện những kiến thức còn đang thiếu".

Cùng chia sẻ về vấn đề này, thầy Mai Văn Hoàng, giám đốc một trung tâm luyện thi tại Sơn La cho rằng, việc đổi mới và đa dạng các phương thức xét tuyển là một điều cần thiết trong tiến trình phát triển của xã hội: "Đưa ra nhiều phương thức là phù hợp với thực tiễn của yêu cầu tự chủ trong tuyển sinh đại học. Nó cho thấy một hướng đi mới trong việc tiếp cận với một nền giáo dục hiện đại".

Thầy Hoàng cho rằng, đa dạng các phương thức xét tuyển giống như việc có thêm nhiều cánh cửa cho chúng ta lựa chọn. Tuy nhiên, mỗi cánh cửa đều có những cơ hội và thách thức khác nhau buộc chúng ta phải lựa chọn một cánh cửa tốt nhất. Tuy nhiên, nó không phải là một điều dễ dàng vì đòi hỏi mỗi thí sinh phải tự tìm tòi và nghiên cứu.

Kiệt sức vì luyện thi quá nhiều

Các bạn học sinh kiệt sức hơn khi phải xoay sở trước nhiều cơ hội. "Mình cảm vô cùng mệt mỏi khi ra sức ôn luyện. Quỹ thời gian trong ngày của mình dường như chỉ xoay quanh việc học tập và mình thiếu đi khoảng thời gian để nghỉ ngơi", Đoàn Thị Huyền Minh, học sinh THPT Chuyên Sơn La chia sẻ.

Thí sinh đánh mất định hướng trong ma trận phương thức xét tuyển đại học - 2

Huyền Minh luôn cảm thấy mệt mỏi khi phải tăng cường ôn luyện cho kỳ thi sắp tới. (Ảnh: NVCC)

Tuy nhiên, Huyền Minh không phải là người duy nhất chịu những áp lực thi cử. Bạn H.C, một thí sinh tự do bày tỏ: "Nếu như các bạn học sinh 2004 áp lực một thì với thí sinh tự do thậm chí còn áp lực hơn rất nhiều lần. Bởi lẽ, chỉ tiêu của các trường dành cho hình thức thi truyền thống ngày càng thu hẹp lại, đề thi thì kém phân hóa hơn dẫn đến việc "lạm phát" điểm. Điều đó, khiến cho con đường bước vào cánh cổng đại học của mình thêm phần khó khăn".

"Ai biết được rằng trong lần vượt vũ môn này mình có thất bại nữa hay không?", bạn H.C giãi bày.

Bày tỏ lo lắng khi thấy học sinh ngày càng trở nên kiệt sức khi kỳ thi đang đến gần, thầy Mai Văn Hoàng nói riêng cùng với những thầy cô khác nói chung không khỏi lo lắng khi phải "loay hoay" đổi mới các phương pháp dạy học để có thể truyền đạt được kiến thức đồng đều cho học sinh ở mọi phương thức khác nhau.

"Kỳ thi ĐGNL bao trùm kiến thức ở mức độ toàn diện và chạm đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Đó vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho giáo viên. Các thầy cô sẽ phải phân bổ thời gian để sát sao với các em học sinh hơn và tăng cường việc tìm kiếm tài liệu để các em có thể làm quen với cấu trúc đề thi", thầy Mai Văn Hoàng chia sẻ.

Cơ hội hay thách thức?

Chia sẻ về quan điểm này, thầy Mai Văn Hoàng nhận định: "Đa dạng các phương thức xét tuyển sẽ là cơ hội để các em học sinh có thể lựa chọn được những phương thức phù hợp đối với năng lực và khả năng của mình.

Tuy nhiên, điều quan trọng là các bạn học sinh phải có định hướng rõ ràng ngay từ đầu để tránh lạc vào "ma trận" của phương thức xét tuyển. Từ đó, lên kế hoạch để ôn thi một cách hiệu quả, nhất quán theo định hướng ban đầu".

Ngoài ra, thầy Hoàng còn nhấn mạnh vào tính công bằng khi có những bài thi như trong kỳ thi ĐGNL được thiết kế ra để xóa bỏ việc học lệch, học tủ của học sinh; đồng thời đánh giá học sinh theo một cách bao quát và toàn diện - một xu thế trong tương lai. Việc đa dạng các phương thức xét tuyển sẽ mở rộng thêm nhiều cơ hội cho thí sinh để có thể đỗ vào các trường "top" hay ngành nghề mình yêu thích.

Nguyễn Vân Anh chia sẻ: "Với việc đầu tư nghiêm túc vào việc học chứng chỉ ngoại ngữ từ đầu năm lớp 12, nên mình đã sở hữu một chứng chỉ IELTS để có thể nộp đơn xét tuyển thẳng vào các trường đại học. Tuy nhiên, IELTS là một bài thi khó và đòi hỏi phải đầu tư rất nhiều thời gian và tiền bạc. Do đó, không phải ai cũng có thể đáp ứng được tất cả những yêu cầu để học chứng chỉ này".

Cùng chia sẻ về vấn đề này, Huyền Minh bày tỏ: "Mình đã chọn phương thức xét tuyển bằng học bạ trong kỳ thi năm nay. Vì mình là một học sinh trường chuyên trong hệ thống THPT  trên toàn quốc, thế nên nhiều trường đại học đã có những chính sách ưu tiên xét tuyển hơn đối với đối tượng này. Chính điều đó, đã mở rộng thêm những cơ hội để mình có thể bước chân vào cánh cổng đại học.

Mình tập trung vào việc học đều tất cả các môn và hoàn thành tốt các bài thi trên lớp để sở hữu cho mình một hồ sơ học bạ "đẹp". Không giống như bạn bè của mình chỉ tập trung ôn thi vào những môn trong tổ hợp xét tuyển, mình đã chọn cách an toàn hơn".

Đừng trở thành người "đẽo cày giữa đường"

Quang Huy cho rằng việc chọn lựa một phương thức xét tuyển phù hợp với bản thân sẽ tối ưu hóa khả năng trúng tuyển vào các trường đại học, cậu học trò GenZ nhấn mạnh: "Đừng trở thành một người "đẽo cày giữa đường" vì nó sẽ khiến các bạn lún sâu hơn vào sự lo lắng, đừng thấy người khác đăng ký hình thức xét tuyển này mà cũng đăng ký theo. Mỗi người sẽ có một thế mạnh khác nhau, mỗi phương thức xét tuyển sẽ phù hợp với một nhóm đối tượng khác nhau. Thế nên, việc thấu hiểu năng lực, sở trường của bản thân là một điều thiết yếu".

Ngoài ra, việc quá tải thông tin đã dẫn đến việc nhiều thí sinh không tiếp cận được đầy đủ và nhất quán với các phương thức xét tuyển là điều mà Quang Huy quan tâm. "Rất dễ có thể bỏ lỡ cơ hội nếu không nắm bắt được đầy đủ tất cả các nguồn thông tuyển sinh. Thế nên, mình nghĩ rằng cần phải "quy hoạch" lại những thông tin để mọi người có thể tiếp cận một cách đầy đủ và chính thống nhất", Huy nói.

Trả lời Dân trí về vấn đề này trong chương trình tọa đàm Chọn trường "top" hay ngành yêu thích?, PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay: "Con số 20 có thể làm cho các bạn thấy lo lắng nhưng thực ra mỗi trường không sử dụng nhiều phương thức xét tuyển tới như vậy. Mỗi trường sẽ sử dụng phương thức xét tuyển phù hợp với mình thôi, không nhiều phương thức như vậy. Tất nhiên có những trường hợp đặc biệt như các trường khối nghệ thuật, năng khiếu nên sẽ có những phương thức riêng. Hay những trường thuộc khối công an, quân đội sẽ có những điều kiện sơ tuyển khác biệt với đại đa số".

"Các em cứ yên tâm, đến bước cần thiết, các em sẽ được hướng dẫn đầy đủ nhất. Khi đã có hướng dẫn rồi, các em nên thực hiện đúng, đủ quy trình. Tôi lưu ý các em là khi chọn trường, cần căn cứ vào năng lực, sở trường, điều kiện của gia đình… để có sự lựa chọn đúng đắn nhất", bà Thủy nói.

Bạn có ý kiến ra sao về vấn đề này, hãy bày tỏ cùng chúng tôi ở phần bình luận!