Kon Tum:

Thầy trò nơm nớp lo động đất xảy ra liên tiếp trước ngày khai giảng

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Nhiều đợt rung chấn liên tiếp do động đất gần đây khiến thầy và trò ở huyện Kon Plông, Kon Tum không khỏi lo lắng trước ngày khai giảng.

Trước thềm khai giảng năm học mới, tại trường PTDT BT THCS xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông, Kon Tum), hầu hết giáo viên và học sinh đã có mặt ở trường để chuẩn bị cho ngày "toàn dân đưa trẻ đến trường"

Trò chuyện với chúng tôi, các thầy cô giáo và học sinh vẫn không giấu được chút lo lắng khi động đất liên tục xảy ra trên địa bàn huyện Kon Plông trong thời gian qua.

Thầy trò nơm nớp lo động đất xảy ra liên tiếp trước ngày khai giảng - 1

Thầy và trò vùng tâm chấn luôn trong cảnh lo sợ vì động đất liên tiếp xảy ra trong thời gian qua (Ảnh: Phạm Hoàng).

Cô Nguyễn Thị Tú - Giáo viên Trường PTDTBT THCS xã Đăk Tăng - bộc bạch: "Trong gần 2 năm qua, trên địa bàn xã liên tục xảy ra các trận động đất. Trong đó, có 2 trận động đất có lớn 4,5-4,7 độ richter khiến cả vùng rung chuyển.

Khi nghe động đất, cô trò đều kêu lớn và không biết phản ứng như thế nào. Tần suất liên tục tăng nên chính quyền địa phương đã tập huấn, hướng dẫn đến giáo viên, người dân trên địa bàn biết cách ứng phó".

Thầy trò nơm nớp lo động đất xảy ra liên tiếp trước ngày khai giảng - 2

Trước việc động đất liên tiếp xảy ra, nhà trường đã chủ động hướng dẫn học sinh ứng phó trong dịp đầu năm học mới (Ảnh: Phạm Hoàng).

"Chúng tôi tập trung học sinh đến trường sớm hơn để hướng dẫn trước kỹ năng ứng phó khi có động đất, nhất là ở trường học. Tôi mong muốn cơ quan chức năng cần cung cấp thêm nhiều thông tin và tập huấn kỹ để cô trò biết cách ứng phó, tạm trú ẩn khi xảy ra các trận động đất mạnh", cô Tú cho biết thêm.

Thầy trò nơm nớp lo động đất xảy ra liên tiếp trước ngày khai giảng - 3

Các học sinh ở vùng tâm chấn, nơi luôn hứng chịu các trận động đất mỗi ngày (Ảnh: Phạm Hoàng).

Em A Diệm (học sinh lớp 9) cho biết: "Khi đến trường, cô giáo đã hướng dẫn cho chúng em khi ngủ mà cảm thấy động đất phải lập tức leo xuống giường tìm nơi ẩn nấp. Tránh xa các vật trên cao, tủ đứng đề phòng nhà bị sập hoặc đồ đạc rơi xuống gây thương tích.

Khi động đất xảy ra mà các em ở một mình thì không được trú ẩn ở chỗ tạm bợ, phải chạy đến khu vực trống, tránh xa cây cối và trụ điện.

Trong trường hợp động đất mạnh, nếu chúng em bị mắc kẹt, phải la lớn để nhờ sự giúp đỡ của giáo viên. Sau khi động đất xảy ra, nếu phát hiện các bạn bị thương, phải tìm đến thầy, cô hoặc người lớn để nhờ trợ giúp.

Thầy trò nơm nớp lo động đất xảy ra liên tiếp trước ngày khai giảng - 4

Những ngôi trường nằm ở vùng tâm chấn huyện Kon Plông (Ảnh: Phạm Hoàng).

Trong năm học 2022 - 2023, Trường PTDTBT THCS xã Đăk Tăng có khoảng 162 em học sinh, trong đó có 82 em là ở bán trú tại trường.

Hầu hết học sinh trên địa bàn đều là người đồng bào dân tộc Xơ Đăng. Trong dịp hè, các em thường theo bố mẹ lên nương rẫy nên việc được hướng dẫn về cách thức ứng phó với động đất còn rất hạn chế.

Trong khi đó, các xã Đăk Tăng, Măng Bút, Đăk Ring (huyện Kon Plông) đều nằm vùng tâm chấn, liên tục xảy ra động đất hàng ngày, hàng giờ. Mỗi khi nghe rung chấn, các em và người dân trên địa bàn thường có tâm lý hoang mang, hoảng sợ. Việc tập huấn kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra là điều hết sức cần thiết.

Thầy trò nơm nớp lo động đất xảy ra liên tiếp trước ngày khai giảng - 5

Để người dân tránh tâm lý hoang mang, chính quyền địa phương đã tăng cường nhiều giải pháp tuyên truyền khi có động đất xảy ra (Ảnh: Phạm Hoàng).

Ông Nguyễn Minh Cường - Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Kon Plông - cho biết: "Hiện chưa có một văn bản về việc ứng phó với động đất ở trường học. Tuy nhiên, dựa vào hướng dẫn của huyện và tỉnh, ngành giáo dục huyện chỉ đạo các trường chủ động hướng dẫn cho học sinh những kỹ năng ứng phó khi gặp động đất trước ngày khai giảng năm học mới. Đồng thời, khi giảng dạy, cũng sẽ lồng ghép kiến thức để tuyên truyền cho học sinh.

Ngày 4/9, theo ghi nhận từ Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu, một trận động đất có độ lớn  2,7 độ richter  xảy ra tại huyện Kon Plông (Kon Tum), độ sâu chấn tiêu khoảng 8,2km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.

Trong ngày 3/9, trên địa bàn huyện Kon Plông cũng ghi nhận một trận động đất mạnh 2,9 độ richter.