Nghệ An: Phát hiện nhiều sai phạm tại các đơn vị tư vấn du học

(Dân trí) - Trong quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An phát hiện nhiều sai phạm của các đơn vị tư vấn du học trên địa bàn tỉnh. Sở GD&ĐT Nghệ An đã đình chỉ hoạt động của 13 trung tâm tư vấn du học do có nhiều vi phạm trong quá trình hoạt động

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 58 đơn vị đã được Sở GD&ĐT Nghệ An cấp giấy chứng nhận hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học. Trong đó, các đơn vị này chủ yếu tư vấn du học Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Canada, Đức. Năm 2017 có gần 1.000 người được tư vấn, tuyển sinh du học các nước, chủ yếu theo hình thức tự túc (chỉ có 81 người du học theo hình thức học bổng).

Tại thời điểm kiểm tra, Công ty Kokono (TP Vinh, Nghệ An) chưa đăng kí và chưa được Sở GD&ĐT Nghệ an cấp phép hoạt động.
Tại thời điểm kiểm tra, Công ty Kokono (TP Vinh, Nghệ An) chưa đăng kí và chưa được Sở GD&ĐT Nghệ an cấp phép hoạt động.

Quá trình kiểm tra, Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An phát hiện có nhiều sai phạm trong hoạt động của các đơn vị tư vấn du học trên địa bàn tỉnh. Trong đó có đơn vị chưa đăng ký và chưa được Sở GD&ĐT Nghệ An cấp phép vẫn hoạt động như Công ty Kokono Vinh Nghệ An (TP Vinh), Công ty cổ phần giáo dục Thiên Bảo (huyện Diễn Châu); tư vấn không trung thực, đưa ra các thông tin không rõ ràng về các khoản tài chính, mục đích của đi du học, thu nhập, thời gian làm thêm (Chi nhánh Công ty cổ phần công nghệ G-GATE).

Tại các đơn vị này chỉ có từ 1-2 nhân viên có chứng chỉ tư vấn du học; hầu hết các đơn vị chưa nắm được quy định, do đó chưa thực hiện báo cáo, cung cấp thông tin vào Hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử quản lý lưu học sinh; chưa thực hiện đôn đốc học sinh do mình quản lý, cử, gửi ra nước ngoài học tập thực hiện việc đăng ký thông tin lưu học sinh vào Hệ thống cơ sở dữ liệu; nhiều đơn vị không lưu hồ sơ pháp lý, hợp đồng tại đơn vị…

- Tình trạng hợp đồng giữa 2 bên (bên tư vấn du học và bên đi du học) không rõ ràng, chặt chẽ dẫn đến quyền lợi của du học sinh không được đảm bảo và xảy ra tranh chấp hợp đồng (Công ty cổ phần ngoại ngữ du học SEOUL, Công ty cổ phần hợp tác quốc tế JASA); thu nhiều khoản phí khác nhau, không thống nhất giữa các đơn vị tư vấn du học. Đặc biệt, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An phát hiện Công ty cổ phần ngoại ngữ du học SEOUL (TP Vinh) đặt ra một số khoản thu, giấy tờ trái quy định như ký quỹ 200 triệu đồng, thu giấy cấp quyền sử dụng đất để chống bỏ trốn.

Cơ quan chức năng phát hiện Công ty cổ phần ngoại ngữ du học SEOUL (TP Vinh) đặt ra một số khoản thu, giấy tờ trái quy định như ký quỹ 200 triệu đồng, thu giấy cấp quyền sử dụng đất để chống bỏ trốn.
Cơ quan chức năng phát hiện Công ty cổ phần ngoại ngữ du học SEOUL (TP Vinh) đặt ra một số khoản thu, giấy tờ trái quy định như ký quỹ 200 triệu đồng, thu giấy cấp quyền sử dụng đất để chống bỏ trốn.

Nhiều đơn vị tư vấn du học hoạt động không hiệu quả. Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Nghệ An thì trong có 58 đơn vị có 18 đơn vị hoạt động không hiệu quả, có 13 đơn vị bị thu hồi giấy chứng nhận tư vấn du học do tự giải thể, không hoạt động trên 6 tháng, không tồn tại địa chỉ đăng ký.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nghệ An cũng phát hiện Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An còn nhiều thiếu sót trong công tác quản lý các đơn vị tư vấn du học trên địa bàn. Cụ thể, Sử GD&ĐT chưa niêm yết công khai danh tính, số điện thoại của người đứng đầu đơn vị, địa chỉ giao dịch, ngày được cấp phép... tạo kênh thông tin hữu ích cho phụ huynh, học sinh khi có nguyện vọng sử dụng dịch vụ tư vấn du học. Mặt khác, Sở chưa phối hợp được với các cơ quan, ban, ngành liên quan để kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của các đơn vị tư vấn du học.

Hoàng Lam