Lãnh đạo siêu thị phải xin lỗi nữ sinh bị ép đeo biển “ăn trộm”

(Dân trí) - “Mặc dù hành động của nữ học sinh là sai nhưng nhân viên siêu thị, lãnh đạo siêu thị phải xin lỗi cháu, thậm chí xin lỗi cả gia đình cháu vì đã có những hành vi ứng xử không chấp nhận được…”.

GS.TS Nguyễn Ngọc Phú - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam, bức xúc cho biết như vậy khi đọc thông tin vụ nữ sinh đeo biển “ăn trộm” trên báo Dân trí.

GS Phú cho biết: “Tôi đọc báo thấy hành động của nhân viên siêu thị Vĩ Yên, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, Gia Lai đối với em học sinh THCS như vậy không thể chấp nhận được. Báo chí phải lên án xử lý siêu thị này. Lãnh đạo siêu thị từ chối không gặp báo chí cũng phải lên án. Đối với người bảo vệ siêu thị trực tiếp làm việc này phải xử lý thích đáng để có bài học và làm gương cho người khác”.

Phân tích về hành động của nhân viên siêu thị và lãnh đạo siêu thị, GS Nguyễn Ngọc Phú cho rằng, người vi phạm ở đây là vị thành niên mà đã là vị thành viên thì phải xử lý khác với người thành niên. Theo luật, vị thành viên có người giám hộ, nếu như trẻ em sai thì phải xử lý qua người giám hộ theo điều 65 của Luật Dân sự, trước hết là bố mẹ. Nếu cháu có hành động sai, người lớn xử lý phải cân nhắc và xử lý qua người giám hộ. Nếu xử lý không cẩn thận đối với trẻ vị thành viên sẽ dẫn tới hậu quả rất xấu cho trẻ sau này. Cụ thể, là trường hợp của em nữ học sinh trên đã thấy rõ, sau khi em bị nhân viên siêu thị trói tay, đeo biểu “Tôi là người ăn trộm”, gây cho em tâm lý, sợ hãi, trầm cảm.

Về biện pháp giải quyết tâm lý hiện nay cho nữ học sinh này, GS Phú cho biết: “Lãnh đạo siêu thị phải chính thức công khai xin lỗi em học sinh về việc ứng xử khi học sinh phạm tội, mặc dù đúng là cháu sai nhưng chỉ nên nhắc nhở, giáo dục, giảng giải cho cháu về hành vi cháu làm chứ ứng xử với cháu như vậy là không được bởi trẻ em phạm tội là chuyện bình thường. Phải tôn trọng đạo lý, lẽ phải và truyền thống đối nhân xử thế của người Việt Nam là nhắc nhở các em học sinh”.
 

Việc ứng xử của nhân viên siêu thị, lãnh đạo siêu thị với nữ học sinh trên, nhiều ý kiến bức xúc cho rằng đạo đức kém, cần phải lên án thích đáng. Phân tích về giáo dục đạo đức con người hiện nay, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: Giáo dục đạo đức trong gia đình hay trong giáo dục xã hội và giáo dục học đường đều tập trung vào nhận thức để phân biệt cái Thiện với cái Ác. Làm điều Tốt là thiện, làm điều Phải là thiện, làm điều Đúng là thiện, ngược lại, làm điều Xấu là ác, làm điều Trái là ác, làm điều Sai là ác.

Đạo đức của con người là những phẩm chất nhân cách luôn biểu hiện trong những quan hệ xã hội bằng những hành động, hành vi rất cụ thể. Mọi lời nói đạo đức mà không đi với hành động, không thể hiện ở hành động thì đều không có giá trị, bởi đó chỉ là kiểu đạo đức “đãi bôi”, đạo đức “cửa miệng”, “đạo đức giả”. Nói rằng “tôi thương người nghèo” thì chí ít, tôi chia sẻ cho người đang đói một miếng bánh mì, dù là nhỏ, còn hơn xuýt xoa “tôi thương ông (bà) quá” rồi bỏ đi. Do vậy, giáo dục đạo đức là phải giáo dục thông qua những hành động cụ thể và yêu cầu thực hành đạo đức phải ở những hành động cụ thể.

Trong xã hội ta, những cán bộ, công chức, nhân viên đang hoạt động với những cương vị khác nhau, cần phải trau dồi đạo đức cách mạng. Còn với thế hệ trẻ, phải tổ chức giáo dục đạo đức công dân trong các nhà trường, và khi các em chuyển sang các trường chuyên nghiệp thì nhất thiết phải được giáo dục đạo đức nghề nghiệp.

Trong giáo dục đạo đức công dân, theo chúng tôi, những tri thức không thể thiếu được là: Tri thức về luân thường đạo lý của dân tộc mà đến nay vẫn còn nguyên những giá trị; Tri thức về nghĩa vụ và trách nhiệm công dân; Tri thức về lao động - nghề nghiệp; Tri thức về thuần phong mỹ tục.

Hồng Hạnh