Không thể “xóa” nhóm lớp mầm non độc lập tư thục

(Dân trí) - Khó giám sát, quản lý các nhóm lớp mầm non độc lập tự thục là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ bạo hành trẻ gần đây. Vậy có nên duy trì các nhóm lớp này? Đây là một trong những vấn đề được Bộ GD-ĐT bàn thảo ngày 6/3.

Ngày 6/3, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội thảo “Quản lý nhóm lớp mầm non độc lập tự thục” để tập trung giải quyết các vấn đề mà xã hội đang đặc biệt quan tâm. Cụ thể, hội thảo nhằm đánh giá thực trạng về nhu cầu gửi trẻ (chủ yếu là trẻ có độ tuổi dưới 36 tháng), mạng lưới trường, lớp mầm non (MN) và công tác quản lý nhóm lớp độc tập tại các địa phương đông dân cư, đặc biệt là ở các thành phố có nhiều công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất…; Cơ chế, chính sách của các địa phương trong việc đầu từ phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục MN…

Quy mô phát triển chóng mặt

Vụ trưởng Vụ Giáo dục MN (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Bá Minh cho biết: Theo báo cáo của 50 tỉnh thành phố, đến tháng 2/2014 có 1.475 trường MN tư thục, trong đó có 112 trường tại các khu công nghiệp. Tỉ lệ trẻ nhà trẻ đến trường MN tư thục chiếm khoảng 13% so với tổng số trẻ nhà trẻ đến trường, đối với trẻ mẫu giáo khoảng 9,2%. Trong khi đó, số nhóm lớp độc lập tư thục là 16.365. Tỉ lệ trẻ nhà trẻ đến các nhóm lớp này chiếm khoảng 31% so với trẻ nhà trẻ đến trường.

Quang cảnh buổi Hội thảo.
Quang cảnh buổi Hội thảo.

Tuy nhiên thực tế cho thấy còn nhiều bất cập, đặc biệt là ở các nhóm lớp độc lập tư thục chưa được cấp phép. Do nhu cầu gửi con ở độ tuổi nhà trẻ (dưới 36 tháng tuổi) của những người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị ở một số tỉnh/thành phố, nơi có tình trạng tăng dân số cơ học cao là rất lớn. Các trường MN công lập, kể cả trường MN tư thục tuy tăng về số lượng hàng năm nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu gửi con ở độ tuổi nhà trẻ nên các nhóm lớp tự phát vẫn còn tồn tại.

Báo cao của 50 tỉnh/thành phố cho thấy, hiện có 5.590 nhóm trẻ chưa được cấp phép, nhiều nơi cao như Bắc Ninh: 1.190, Hải Phòng: 416, Hải Dương 132…

Ông Minh cũng cho rằng, quy mô trường, lớp MN tư thục phát triển nhanh, góp phần giảm bớt gánh nặng và tình trạng quá tải cho các trường MN công lập, đáp ứng nhu cầu đưa trẻ tới trường.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Trương Thị Phương Dung, Trưởng phòng Giáo dục MN, Sở GD-ĐT Hải Phòng đã “ví von” việc phát triển các nhóm lớp độc lập tư thục (ĐLTT) trên địa bàn như “nấm sau mưa, như cỏ dại”.

“Đa số các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục nhỏ lẻ, tự phát chưa được cấp phép không thực hiện nghiêm túc chế độ chăm sóc giáo dục trẻ theo yêu cầu. Phần lớn người trông giữ trẻ không có chuyên môn nghiệp vụ sư phạm MN mà là những ông, bà già, những người phụ nữ không có việc làm trông giữ từ 3-20 trẻ. Đây là những nơi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất lớn” - bà Phương Dung cho biết.

Nên tồn tại hay xóa sổ?

Trước hàng loạt bất cập trên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đặt vấn đề có nên xem xét giảm dần tiến tới xóa hết các nhóm lớp MN độc tập tư thục trong tương lai.

Bà Nguyễn Thị Vân Hà - Phó Chủ tịch thường trực UBND TX Từ Sơn (Bắc Ninh) cho biết hiện tại địa phương nhiều xã, phường không quan tâm tới công tác quản lí dẫn tới nhiều nhóm lớp mọc lên, khó kiểm soát. Tuy nhiên, nhu cầu của phụ huynh, nhất là công nhân ở các khu công nghiệp ngày càng lớn nên không thể đóng cửa các nhóm lớp này.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đăng Hưng - Trưởng phòng Giáo dục MN quận Hải Châu (Đà Nẵng) cho rằng: “Chúng ta không thể xóa hết các nhóm lớp mà cần tạo điều kiện để họ phát triển. Giáo viên chưa đủ trình độ thì ta mở lớp dạy cho đạt trình độ. Quận chúng tôi ưu đãi nhóm trẻ thiếu điều kiện bằng cách tham mưu cho vay vốn xóa đói giảm nghèo đầu tư cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, ngành có đường dây nóng phản ánh các sai phạm để kịp thời xử lí”.

Bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa - Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Ta nghĩ đóng cửa thì dễ nhưng trẻ sẽ gửi ở đâu. Cần có biện pháp để những người có điều kiện cho con ra ngoài công lập đi đôi với việc phát triển trường ngoài công lập chất lượng cao”.

Bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa-Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng 
Bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa-Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội.

Ông Lê Khánh Tuấn - Phó Vụ trưởng, Vụ kế hoạch Tài chính (Bộ GD-ĐT) phân tích: Hiện tại chủ trương của Nhà nước là đang đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục vì thế không thể đóng cửa các nhóm lớp MN độc lập tư thục. Trước đây khi phê duyệt đề án phổ cập MN cho trẻ 5 tuổi thì chúng ta đã có chủ trường đưa các trường bán công thành trường công lập hoặc tư thục nhưng trên thực tế phần lớn đều chuyển thành công lập, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện công tác xã hội hóa.

“Ở các thành phố lớn thì việc xây dựng một cơ sở MN đảm bảo chất lượng thì rất khó. Vì vậy có nên chăng thí điểm ngành xây dựng cơ sở vật chất để cho tổ chức, cá nhân thuê để làm công tác giáo dục” - ông Tuấn đề xuất.

Cần có cơ chế để cơ sở ngoài công lập phát triển

Nhiều đại biểu tham gia hội thảo đều cho rằng, việc Bộ GD-ĐT đưa ra các quy định “khắt khe” áp đặt cho cả trường công và tư khiến cho các cơ sở MN tư thục gặp nhiều khó khăn. Việc yêu cầu những nhóm lớp chỉ 10 cháu trở xuống nhưng lại yêu cầu giáo viên có bằng trung cấp sư phạm không khác gì là “đánh đố”.

Phân tích bất cập này, đại diện một số địa phương như Bắc Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng cho biết: “Ngay như ở hệ thống trường công đang còn thiếu giáo viên đáp ứng được yêu cầu thì làm sao để các sơ sở MN tư thục nhỏ lẻ đáp ứng được. Chính vì thế cần phải xem xét lại điều chỉnh một cách hợp lý”.
 
Ông Lê Tuyển Cử - phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và đầu tư) phân tích: Trong khi hệ thống trường công được nhà trường hộ trợ ngân sách rất nhiều thì trường tư thì lại phải tự thân vận động. Chính vì thế muốn phát triển bậc giáo dục MN không thể phân biệt trường công trường tư.

Ông Cử ví von: “Rõ ràng chúng ta đang có sự phân biệt đối xử giữa đứa con đẻ và đứa con nuôi. Trong khi đứa con đẻ thì được chăm chút mọi thứ thì đứa con nuôi lại để tự bơi. Lẽ ra, con nuôi phải được đối tốt hơn con đẻ mới phải”.

Ông Lê Tuyển Cử - phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế.
Ông Lê Tuyển Cử - phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế.

Đồng quan điểm, bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa - Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Trẻ trường công được hỗ trợ 3,4 triệu đồng/tháng như Hà Nội đã làm thì trẻ ngoài công lập được 1-2 triệu đồng/tháng không? Chính sách với cô nuôi ở các trường không thu hút gì, không đảm bảo quyền lợi, hợp đồng cho họ. Nên chăng cần có chính sách cho vay tín dụng ưu đãi với các nhóm lớp để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Họ cũng cần được mua đất sạch, giá gốc để kéo học phí xuống từ đó sẽ thu hút học sinh trường công vào, giảm áp lực trường lớp cho trường công”.

Cũng theo bà Minh, việc hỗ trợ đầu trẻ cho trường tư nên xuất phát dưới góc độ thực hiện cho những trường đạt chuẩn, chất lượng cao. Khi trường tư đạt chất lượng cao nhưng mức học phí vừa phải sẽ kéo được các gia đình có điều kiện cho con theo học.

“Một mình Bộ GD-ĐT không thể tháo gỡ được mà các bộ ngành như tài chính, kế hoạch đầu tư cũng phải tham gia” - bà Minh nhấn mạnh.

Bà Phan Thanh Hảo - Trưởng phòng Giáo dục MN TP.Hải Dương cho rằng địa phương rất muốn hỗ trợ các nhóm lớp này nhưng hiện không có hành lang pháp lý cũng như cơ chế, nếu hỗ trợ e lại bị “tuýt còi”.

Phó Chủ tịch Vân Hà cũng đề nghị Bộ GD-ĐT cùng các bộ ngành liên quan nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ về cho thuê đất, vay vốn cho các nhóm lớp độc lập tư thục. Phó GĐ Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga kiến nghị nên giãn thời gian miễn thuế từ 5 năm lên 10 năm cho các cơ sở giáo dục MN ngoài công lập, tạo điều kiện cao nhất cho giáo viên các nhóm lớp được đóng bảo hiểm và công khai chất lượng, uy tín của các cơ sở này.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, tất cả những ý kiến đóng góp sẽ được tổng hợp phân tích. Trên cơ sở đó Bộ GD-ĐT sẽ rà soát, chỉnh sửa các văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo đề xuất Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách đối với việc chăm sóc, giáo dục trẻ độ tuổi nhà trẻ.

Nguyễn Hùng