DMagazine

Không có học sinh "dốt", hướng nghiệp phải có đạo đức!

(Dân trí) - "Đằng sau điểm số của học sinh có cả thể diện của cha mẹ, uy tín của giáo viên và thành tích của nhà trường. Như vậy làm sao không có "bệnh" thành tích cho được?!".

Phóng viên Dân trí phỏng vấn PGS.TS Trần Thành Nam (Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, trường Đại học Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội) về những vấn đề giáo dục liên quan tới vụ việc phụ huynh tố trường học ở Hà Nội ép học sinh không thi vào lớp 10 đang gây bức xúc trong dư luận.

Không có học sinh dốt

Thưa ông, qua theo dõi vụ việc phụ huynh tố cáo giáo viên gây áp lực buộc học sinh không thi vào lớp 10 và phản ứng của dư luận, ông có nhận định ra sao?

- Mặc dù thông tin vụ việc chưa được xác thực, nhà trường khẳng định không tư vấn cho học sinh bỏ thi vào lớp 10; Phòng GD-ĐT cho rằng có thể do phụ huynh hiểu nhầm dẫn tới thông tin chưa chính xác; nhưng nhiều người cũng đã bức xúc lên tiếng rằng thực tế con của họ bị đối xử không công bằng vì những áp lực thành tích trong giáo dục.

Tôi cho rằng, việc phân loại, "dán nhãn" học sinh giỏi - khá - trung bình - kém để làm tiêu chí đánh giá tại các cơ sở giáo dục có lẽ không còn phù hợp nữa.

Chúng ta thường chia sẻ về bài học là nếu đánh giá năng lực một con cá bằng khả năng leo cây thì con cá sẽ sống cả đời với niềm tin chúng là kẻ đần độn và kém cỏi. Nhưng có lẽ trong cuộc sống thực tế, chúng ta lại vô tình quên mất bài học này khi ứng xử với những đứa trẻ trong đời sống học đường. Chúng ta vẫn đang đánh giá "giỏi - dốt" theo những tiêu chuẩn áp đặt của người lớn với các em.

Dưới góc nhìn của tôi, việc đưa ra nhận định "dán nhãn" một học sinh "học dốt" là phi nhân văn.

Vì sao việc "dán nhãn" học sinh bằng cách xếp loại học lực mà ngành giáo dục đã thực hiện bao nhiêu năm qua lại không còn phù hợp? Và vì sao nói học sinh "dốt" là phi nhân văn, thưa ông?

- Với tôi, sẽ không có học sinh nào "dốt".

Bản thân từ "dốt" đã mang hàm ý thiếu tôn trọng và phân biệt đối xử không nên xuất hiện trong vốn từ vựng của nhà giáo dục.

Các nhà giáo dục theo quan điểm nhân văn và "đa trí thông minh" luôn quan niệm rằng mỗi học sinh đều có những thế mạnh riêng (kể cả thế mạnh về phẩm chất, về năng lực thể chất bên cạnh các năng lực học tập chuyên biệt). Mỗi học sinh đều ẩn chứa những hạt mầm tài năng độc đáo và duy nhất đang chờ được các nhà giáo dục tưới tắm bằng cơn mưa của sự tôn trọng và ánh nắng của tình yêu thương.

Không có học sinh dốt, hướng nghiệp phải có đạo đức! - 1
Mỗi em đều ẩn chứa những hạt mầm tài năng độc đáo và duy nhất đang chờ được các nhà giáo dục tưới tắm bằng cơn mưa của sự tôn trọng và ánh nắng của tình yêu thương.
PGS.TS Trần Thành Nam Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, trường ĐH  Giáo dục - ĐHQG Hà Nội

Và quá trình giáo dục không chỉ là truyền thụ kiến thức, mà chủ yếu là làm thay đổi, hoặc phát triển các quan niệm của người học; qua đó, người học kiến tạo kiến thức mới, đồng thời phát triển trí tuệ và nhân cách của mình.

Sẽ không có học sinh nào học "dốt" nếu các em được giáo viên trao trách nhiệm trở thành chủ thể tích cực trong tiến trình xây dựng kiến thức cho bản thân, được giáo viên khuyến khích tự khám phá, tự phát hiện và giải quyết vấn đề theo từng bước vừa sức.

Giáo viên cần phải làm cho việc đánh giá và các bài kiểm tra không còn trở thành một tình huống mang tính đe dọa, thậm chí giúp cho học sinh dần hình thành kỹ năng tự đánh giá và chịu trách nhiệm về những tiến bộ của mình.

Vậy thì chúng ta cần phải đánh giá năng lực của học sinh dựa trên những thành tố nào mới đảm bảo sự chính xác và công bằng?

- Cách đánh giá năng lực của học sinh cần liên tục qua thời gian và so sánh với sự phát triển của chính cá nhân đó trong từng lĩnh vực như học tập, năng lực, kỹ năng, phẩm chất và hành vi ứng xử. Cách đánh giá như thế sẽ định hướng sự tập trung của giáo viên, phụ huynh và chính học sinh vào những gì đã đạt được, đã tiến bộ trong suốt tiến trình học tập.

Việc đánh giá tố chất, năng lực của học sinh cần dựa trên nhiều nguồn thông tin khách quan từ quan sát của cha mẹ và thầy cô, hoạt động sở thích trong thời gian rảnh rỗi, các môn học và hoạt động có thành tích cao nhất trong hồ sơ học tập của học sinh.

Bên cạnh đó, cũng cần sử dụng các bộ công cụ đánh giá năng lực nhận thức, đánh giá trí tuệ, trí tuệ cảm xúc có độ tin cậy và độ hiệu lực đã được thích ứng với văn hóa Việt Nam như một số liệu khách quan để đưa ra những khuyến nghị về định hướng học tập cũng như định hướng nghề nghiệp cho các em.

Như vậy làm sao không có "bệnh" thành tích cho được?!

Để thay đổi cách đánh giá năng lực học sinh như ông nêu ra, hẳn các giáo viên, nhà trường và thậm chí là cả hệ thống quản lý giáo dục cần phải thay đổi rất nhiều. Sự thay đổi này có phải là yêu cầu bức thiết ở thời điểm hiện tại hay là một lựa chọn có thể xảy ra hoặc không?

- Chúng ta dẫu có tuyên chiến với bệnh thành tích mạnh mẽ thế nào đi nữa thì cũng không thể triệt để được nếu vẫn giữ những quan niệm đánh giá học sinh như cũ.

Trong nhiều năm, một cách chính thức hay phi chính thức, ngành giáo dục vẫn lấy kết quả thi vào lớp 10 trung học phổ thông để đánh giá thi đua các trường, cân nhắc tiêu chí cho việc ưu tiên đầu tư, cất nhắc lãnh đạo. Chính vì vậy, những trường tốt trong top đầu cũng sẽ luôn cố gắng giành lấy những học sinh giỏi nhất và loại trừ những học sinh không phù hợp với tiêu chí của trường.

Chúng ta vẫn lấy kết quả điểm thi đầu vào lớp 10 để đánh giá thi đua đối với giáo viên. Nếu một giáo viên dạy lớp 9 mà tỷ lệ đỗ tốt nghiệp và thi vào lớp 10 không cao thì có lẽ chính phụ huynh cũng không gửi gắm nhà trường để xin cho con vào lớp đó. Tất nhiên, nhà trường cũng không phân giáo viên đó dạy lớp 9 nếu thành tích điểm số thi vào 10 trên thực tế không cao.

Nhìn thẳng vào quy trình như vậy để thấy rằng, đằng sau điểm số của học sinh có cả thể diện của cha mẹ, uy tín của giáo viên và thành tích của nhà trường. Như vậy làm sao không có "bệnh" thành tích cho được?!

Theo ông, đâu là giải pháp để hạn chế, tiến tới là loại bỏ "bệnh" thành tích trong giáo dục phổ thông?

- Để hạn chế và tiến tới loại bỏ "bệnh" thành tích trong giáo dục phổ thông, trước tiên cần có những cơ chế chính sách phù hợp để đánh giá hiệu quả giáo dục của nhà trường và năng lực giáo dục của học sinh. Thay vì vẫn sử dụng điểm thành tích của học sinh để đánh giá các trường và đánh giá giáo viên dạy giỏi thì hãy đo hiệu quả giáo dục của các nhà trường thể hiện qua sự tiến bộ liên tục của trẻ về các mặt kiến thức, kỹ năng và đạo đức qua từng học kỳ và năm học.

Có nghĩa là thành tích của nhà trường được đánh giá qua giá trị thặng dư sự chênh lệch giữa năng lực, kiến thức bộ môn, phẩm chất, thái độ hành vi của học sinh từ khi vào trường đến khi ra trường.

Tương tự, đánh giá giáo viên không phải chỉ ở việc luyện ra được bao nhiêu học sinh giỏi trong số các em chăm ngoan có ý thức. Các thầy cô cần được đánh giá ở khía cạnh một giáo viên đã chuyển hóa được bao nhiêu học sinh mất động lực hứng thú học tập; gặp khó khăn trong phương pháp học tập bộ môn có lại niềm tin, có lại động lực, xác định lại được con đường tương lai của mình.

Không có học sinh dốt, hướng nghiệp phải có đạo đức! - 2
Trường tốt không phải chỉ là trường "luyện" ra những học sinh thành tích cao mà là nơi học sinh được khai phá đam mê và phát triển toàn diện.

Chúng ta cũng cần truyền thông để cộng đồng thay đổi nhận thức về trường tốt. Trường tốt không phải chỉ là những trường "luyện" ra những học sinh thành tích cao mà là nơi học sinh được khai phá đam mê và phát triển toàn diện.

Và như vậy, ngôi trường nào cũng là ngôi trường tốt nếu triết lý giáo dục của nhà trường hướng đến phát triển người học cả ở kỹ năng mềm (EQ) và kiến thức cứng (IQ), giữa sức khỏe thể chất và tinh thần. Mối quan hệ của thầy - trò hạnh phúc hơn là sự nghiêm khắc, ép học theo tiến độ.

Những ngôi trường cần có nhiều chương trình dạy học cá nhân hóa cho người học hơn là một chương trình đồng phục và ngôi trường truyền được cảm hứng học tập, khám phá đam mê, hướng đến các kỹ năng của công dân thế kỷ 21.

Hướng nghiệp phải có đạo đức

Liên quan đến việc hướng nghiệp cho học sinh, trong vụ việc này, giáo viên bị chỉ trích vì đã "định hướng" cho học sinh không thi vào lớp 10 mà nên học nghề, ông có nhìn nhận, đánh giá thế nào?

- Nhìn chung, giáo viên cần hiểu rõ hướng nghiệp không phải là một công việc đơn giản và chỉ cần làm vào thời điểm cuối lớp 9 khi các em phải chọn lựa con đường học cấp 3 hay học nghề, mà nó phải được tiến hành trong cả quá trình khi học sinh học tập, sinh hoạt tại trường trung học cơ sở.

Hướng nghiệp của các giáo viên chỉ là phân tích một cách khách quan từ những bằng chứng thực tế qua quan sát, qua đánh giá kết quả học tập, qua phân tích yêu cầu nghề nghiệp và nhu cầu, xu hướng xã hội cần thiết cho một nghề nghiệp tương lai để các em có thể hiểu mình, hiểu nghề, hiểu các con đường đi tới thành công. Sau đó, học sinh tự quyết định, tự chịu trách nhiệm về kế hoạch, con đường của bản thân mình.

Chính vì vậy, tư vấn hướng nghiệp phải tuân theo các nguyên tắc đạo đức, dựa trên cơ sở lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của học sinh và gia đình.

Nói một cách nôm na, người tư vấn không thể chỉ vì suy nghĩ chủ quan, hay vì bức xúc với tình huống nào đó mà khuyên học sinh một cách đại khái. Vì người tư vấn là người ngoài cuộc, nói xong rồi thôi, còn hậu quả ra sao người trong cuộc phải chịu.

Ông có đề cập tới nguyên tắc đạo đức khi hướng nghiệp cho học sinh, vậy cụ thể những nguyên tắc đó là gì?

- Những người làm công tác tư vấn tâm lý học đường hay hướng nghiệp học đường thường chia sẻ những giá trị chung cơ bản. Các giá trị đó được thể hiện trong các nguyên tắc như:

+ Thiện tâm và không gây hại: Người tư vấn phải đấu tranh để đem lại quyền lợi và cẩn trọng để không làm điều gì tổn hại cho học sinh cả trong hiện tại và tương lai

+ Tin cậy và trách nhiệm: Người tư vấn phải thiết lập mối quan hệ trung thực và tin cậy với học sinh, luôn nhắc nhở mình ý thức về trách nhiệm nghề nghiệp và dựa trên bằng chứng khoa học, số liệu khách quan khi đưa ra những tư vấn.

+ Chính trực: Người tư vấn luôn tìm cách để tăng cường sự chính xác, trung thực và tin cậy trong lĩnh vực chuyên môn, cũng như việc ứng xử với các bên liên quan. Đảm bảo không bị tác động bởi bất kỳ yếu tố nào trong quá trình tư vấn.

+ Công bằng: Người tư vấn phải luôn đảm bảo sự công bằng cho tất cả mọi người trong việc tiếp cận với các lợi ích của công việc tư vấn và phải được hưởng chất lượng phục vụ, quy trình, thủ tục như nhau không phân biệt đối xử dựa trên ngoại hình, năng lực, thành tích.

+ Tôn trọng con người: Người tư vấn luôn tôn trọng các giá trị của từng học sinh cũng như quyền riêng tư, quyền tự quyết của họ trong quá trình tư vấn.

Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

|Thực hiện và thiết kế: Mai Châm