Học cho đến lúc còn có thể

Bất chấp tật nguyền vì di chứng chất độc da cam, Nguyễn Thị Phương Thảo, cô học sinh trường THPT số 1 Bố Trạch, Quảng Bình vẫn tràn đầy nghị lực và khát vọng cháy bỏng.

Một chiếc xe lăn đang đi ra khỏi cửa lớp, ngồi lọt thỏm trong đó là một cô bé với bộ đồng phục học sinh. Đến cửa phòng đợi, cô bé nhoài mình, nghiêng người chống tay xuống đất. Cô Phan Thị Hồng Tứ - Bí thư Đoàn trường THPT số 1 Bố Trạch, Quảng Bình định đưa tay ra giúp, tôi nghe một câu rất khẽ: “Cô cứ để em...”. Và trên đôi bàn tay ấy, Nguyễn Thị Phương Thảo đi vào phòng, tì người, vịn tay ngồi lên ghế.

Thảo nói ngay với tôi: “Em có gì đặc biệt đâu, có bao nhiêu người hoàn cảnh còn nghiệt ngã hơn em, họ cũng đang vượt lên số phận  đó thôi!...”. Đôi mắt Thảo mở to, rắn rỏi đầy nghị lực. Câu chuyện của Thảo nghe hồn nhiên, trong trẻo lạ.

Mẹ em bảo, khi sinh ra em, mẹ em đã phải khóc nhiều lắm. Đỏ hỏn, nhỏ tí teo và một đôi chân còng queo bất động. Nhà em nghèo lắm. Bố mẹ em thương tật, nghỉ mất sức nên đau ốm luôn. Tuổi thơ của em là lết từ góc nhà này đến góc nhà khác.

Đứa em gái của em kém em 2 tuổi, nó hiếu động lắm. 6 tuổi nó vào học lớp 1, tiếng là trường làng nhưng cũng cách nhà mấy cây số. Em nhìn nó ê a thèm lắm. Nó học được cái gì về nhà nó bày lại cho em. Bày cho vui chứ lúc đó làm sao em có thể hình dung mình bò vài cây số để đến lớp được. Em cứ học với em của em như thế cho đến hết lớp 1.

Sang lớp 2, em muốn cùng em của em đến trường. Bố mẹ em suy nghĩ lung lắm. Ai là người thường xuyên đưa em đến trường? Thế là em của em tập xe đạp và nó quyết tâm sẽ là người chở em đi đi, về về. Em được đặc cách học chung lớp với em của em, nghĩa là bỏ qua lớp 1, vào học ngay lớp 2. Hai chị em bé như hai cái kẹo, cứ loằng ngoằng trên chiếc xe đạp người lớn, nắng cũng như mưa “tha” nhau đến trường. Nhìn con khổ quá, nhiều khi bố mẹ em khuyên em nên ở nhà...

Bao lần như thế em khóc hết nước mắt. Đến mãi bây giờ em vẫn còn nhớ như in lời của bác bảo vệ trường tiểu học hồi đó khi thấy em bền bỉ lê lết vào lớp đã đến xoa đầu em và bảo, cháu đừng bao giờ để ai nhìn mình là người tàn tật... Cứ thế, qua được một lớp em thấy mình tự tin và vững vàng hơn.

Đến khi tốt nghiệp phổ thông cơ sở cũng là lúc gia đình em gặp bao chuyện khó khăn. Bố mẹ thường xuyên đi nằm viện điều trị. 3 sào ruộng vùng cát khó chu cấp đủ cho cuộc sống hàng ngày,  chứ chưa nói đến chuyện học, chuyện viện phí. Lại nữa, trường làng, trường xã còn gần, chứ ra học trường huyện phải đi thăm thẳm gần 10 cây số, liệu em có đủ sức?...

May mắn thay, trong kỳ nghỉ hè năm đó, Hội Chữ thập đỏ của tỉnh có chương trình tặng xe lăn cho đối tượng bị nhiễm chất độc da cam và em có được chiếc xe lăn này... Tôi nhìn ra chiếc xe lăn mà Thảo đang đi. Đã 3 năm rồi cùng Thảo vượt qua nắng mưa, gió bão, giờ nó sần sùi với nhiều vết han gỉ. Thảo bảo, đó là đôi cánh, là bùa hộ mệnh của em đấy!…

Từ khi có xe, em tự lập chương trình cho mình. Nếu học sáng, em đi từ 5 giờ. Còn học chiều, em xuất phát từ nhà lúc 11 giờ... Mãi đến gần đây, khi chương trình lớp cuối cấp nặng lên, em mới ra thị trấn Hoàn Lão ở trọ nhà bà con. Thảo nhoẻn miệng cười: Chuyện của em chỉ rứa, có chi mô!…

Tôi theo Thảo về nhà ở mãi Đại Trạch (Bố Trạch). Một ngôi nhà nhỏ trong lối ngõ quanh co. Ông Nguyễn Công An, bố Thảo, người chằng chịt vết thương của một thời trận mạc, già hơn rất nhiều so với cái tuổi ngoài 60, nghèn nghẹn: Nó học ở lớp chuyên Văn của trường, gia đình cũng tự hào về nghị lực của con, nhưng những khó khăn phía trước không biết nó có lường và vượt qua được không. Chúng tôi già và yếu quá rồi, thấy con càng  quyết tâm thì mình cứ như có dao cứa trong lòng...

Cô Tứ nói thêm: Thảo “tham lam” lắm. Sức khỏe không được tốt, lại là năm cuối cấp, thế mà theo học thêm tin học, Anh văn, còn nghiền cờ vua nữa chứ! Thảo khoe, em đã từng vô địch cờ vua cấp tiểu học của huyện. Phía trước của em ư? Em chẳng dám ước gì nhiều. Em phải học đến lúc nào không thể học được nữa thì thôi. Và lúc đó tìm một công việc có ích, phù hợp với sức khỏe và hoàn cảnh của mình...

Một cuốn nhật ký, một cuốn thơ, Thảo bí mật lắm, chẳng chịu cho ai xem. Thảo bảo, em tập làm thơ và ghi nhật ký từ hồi PTCS,  chủ yếu là để luyện viết, luyện văn, chỉ thế... Tôi không tin chỉ có thế. Tôi cứ nghĩ đó là cả một thế giới nội tâm, là những suy tư, trăn trở và những  khát vọng cháy bỏng từ quyết tâm và nghị lực của cô bé tật nguyền Nguyễn Thị Phương Thảo... 

Theo Minh Toản
Tiền Phong