Covid-19: Ngành giáo dục có thể suy giảm tới 60%, phải cơ cấu lại ngành

(Dân trí) - Dịch bệnh Covid-19 đã gây khó khăn lớn cơ sở giáo dục, đặc biệt là khối trường ngoài công lập. Nếu dịch kéo dài đến tháng 6, mức suy giảm có thể lên tới 60% và phải cơ cấu ngành.

Theo báo cáo đánh giá tác động của Covid-19 đến nền kinh tế và các khuyến nghị chính sách-  Trường ĐH Kinh tế quốc dân, dịch vụ giáo dục có mức suy giảm kinh tế lớn nhất so với tất cả lĩnh vực.

 Kịch bản hết dịch tháng 4 sẽ suy giảm 35% với chuyển đổi học qua mạng. Nếu dịch kéo dài đến hết tháng 6, mức suy giảm có thể lên tới 60% (cao nhất so với các lĩnh vực) và phải cơ cấu ngành.

 Điều này cho thấy tính dễ bị tổn thương và khó phục hồi của lĩnh vực giáo dục, đòi hỏi chính sách hỗ trợ linh động, phù hợp.

Covid-19: Ngành giáo dục có thể suy giảm tới 60%, phải cơ cấu lại ngành - 1

Sản phẩm cá khô của nhà cô giáo Trần Thị Tú Điển ở Núi Thành, Quảng Nam làm thêm để bán trong mùa dịch Covid-19


Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, dịch Covid-19 kéo dài, ngành giáo dục gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khối các trường ngoài công lập.

Theo ước tính của ngành giáo dục, riêng chi phí lương cho 103.863 cán bộ quản lý, giáo viên ngoài công lập theo mức lương bình quân tối thiểu vùng là 400 tỷ/tháng; chi phí thuê mặt bằng của 3.702 cơ sở giáo dục ngoài công lập  từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT đến cao đẳng sư phạm, đại học cũng từ 450-500 tỷ đồng/tháng.

Ngoài ra, còn các chi phí cho công tác tiêu độc, khử trùng, phòng chống dịch bệnh trong nhiều tháng qua và các chi phí khác chưa thống kê hết được.

Ông Thưởng cho biết, ngành Giáo dục thống nhất chỉ đạo của Chính phủ và phương châm chung của ngành là sức khỏe, tính mạng của học sinh, giáo viên là trên hết, vì vậy toàn ngành sẽ nỗ lực vượt qua khó khăn để cùng cả nước chiến thắng đại dịch.

Trên cơ sở thống kê, rà soát những khó khăn, thiệt hại và kiến nghị, đề xuất của các cơ sở giáo dục, ngày 18/3/2020, Bộ đã có văn bản báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục quốc dân.

Cụ thể, miễn, giảm, kéo dài thời gian quyết toán, nộp các khoản thuế năm 2019 và miễn các khoản thuế phát sinh trong quý 1 và 2 năm 2020 đối với các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập.

Xem xét trợ cấp, miễn bảo hiểm xã hội, y tế,  thất nghiệp đối với toàn bộ giáo viên, giảng viên, nhân viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập đang tham gia đóng trong quý 1 và 2 năm 2020.

Đề xuất gói tín dụng cho vay ưu đãi lãi suất 0% áp dụng cho đối tượng là các cơ sở giáo dục ngoài công lập vay với mục đích duy trì hoạt động thường xuyên nhằm có nguồn vốn chi trả hoạt động và lương để người lao động yên tâm công tác, tiếp tục có động lực, niềm tin đóng góp vào sự nghiệp phát triển giáo dục của nước nhà.

Đồng thời xem xét hỗ trợ chi phí vệ sinh phòng dịch, tiêu độc, khử trùng đối với toàn bộ các cơ sở giáo dục để giảm các chi phí phát sinh trong công tác phòng, chống bệnh Covid-19 và bổ sung nguồn hỗ trợ các Sở GD&ĐT tổ chức xây dựng bài giảng điện tử, trực tuyến dùng chung.

Covid-19: Ngành giáo dục có thể suy giảm tới 60%, phải cơ cấu lại ngành - 2

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng

Về các gói hỗ trợ cho những đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh mà Chính phủ đã chỉ đạo, ông Thưởng cho hay, ngành Giáo dục cũng sẽ được xem xét, tính toán trong các gói hỗ trợ này.

Được biết, Chính phủ sẽ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020 có một số nội dung dự kiến hỗ trợ đáng chú ý như:  Hỗ trợ 1.800.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 – 6/2020 cho các đối tượng là người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp.

Các chính sách trên đang được Chính phủ xem xét phê duyệt để sớm ban hành làm căn cứ pháp lý để thực hiện. Như vậy, Chính phủ đã có những chính sách để hỗ trợ cơ sở giáo dục quốc dân khắc phục khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

“Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan để các chính sách trên sớm được ban hành, áp dụng được ngay, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục” – ông Thưởng nhấn mạnh.

43.000 trường học, miễn phí dịch vụ thuê máy chủ, dạy đào tạo từ xa

Ngành Giáo dục cũng nhận được sự đồng hành, hỗ trợ rất quan trọng của ngành Thông tin và Truyền thông. Theo đó, các doanh nghiệp và đơn vị trong ngành Thông tin và Truyền thông sẽ hỗ trợ phát sóng miễn phí các bài giảng đã được Bộ GD&ĐT thẩm định lên truyền hình; miễn phí toàn bộ cước phí truy cập dữ liệu cho học sinh, sinh viên và giáo viên liên quan đến các chương trình học từ xa của ngành GD-ĐT.

Hỗ trợ miễn phí sử dụng giải pháp phục vụ đào tạo và quản lý giáo dục cho tất cả 43.000 trường học, miễn phí dịch vụ thuê máy chủ, băng thông phục vụ đào tạo từ xa cho các trường đại học…

Gói hỗ trợ này lên tới hàng ngàn tỷ đồng mỗi tháng và giúp ngành Giáo dục triển khai tốt việc dạy học từ xa, qua Internet, trên truyền hình trong thời gian chống dịch Covid-19, thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”.

Hồng Hạnh