Chủ động tránh "cám dỗ" trên mạng, học sinh lớp 12 miệt mài ôn trực tuyến

Văn Hiền

(Dân trí) - Không trực tiếp đến trường để ôn luyện, không đi học thêm, không tới được các trung tâm luyện thi, các em học sinh lớp 12 đang nỗ lực vượt khó, miệt mài ôn tập để đạt kết quả tốt cho kỳ thi sắp tới.

Từ kinh nghiệm của những lần tổ chức dạy - học trực tuyến ứng phó với dịch Covid-19 trước đây, lần này cả giáo viên và học sinh đã được chuẩn bị tâm thế, năng lực, học liệu… nên việc chuyển trạng thái sang dạy học trực tuyến không gặp nhiều khó khăn.

Chủ động trong  dạy và học

Thầy Nguyễn Văn Đức, giáo viên dạy Toán, trường THPT Phan Đình Phùng chia sẻ: "Ngay sau khi có thông báo của Sở giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho học sinh các cấp tạm dừng đến trường, việc tổ chức dạy học trực tuyến cho các em học sinh 12 nhanh chóng được triển khai nhằm giúp các em không bị lỡ cường độ ôn tập, cũng như tiến trình luyện thi. Dù phải nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19, tuy nhiên các em vẫn tích cực, tự giác, hăng hái học tập".

Chủ động tránh cám dỗ trên mạng, học sinh lớp 12 miệt mài ôn trực tuyến - 1

Một buổi học trực tuyến môn Toán của thầy Đức.

 Thầy Đức cho hay, trong lần học trực tuyến này các em đã chủ động hơn trước, không còn hoang mang hay gặp khó khăn.

Việc chăm chú nghe giảng được biểu hiện rõ rệt khi lúc nào thầy gọi học sinh cũng trả lời ngay lập tức. Trong cái rủi lại có cái may, bởi trong quá trình ôn thi phần hình học không gian, muốn cho học sinh hiểu rõ thì chỉ có sử dụng phần mềm hỗ trợ học trên thì sẽ giúp cho học sinh hình dung rõ hơn.

Tuy nhiên, thầy Đức vẫn muốn học trực tiếp trên lớp hơn bởi có sự trao đổi trực tiếp giữa thầy và trò, có thể đánh giá chất lượng học sinh qua buổi học chứ học trực tuyến thì không thể đánh giá học sinh được.

Chủ động tránh cám dỗ trên mạng, học sinh lớp 12 miệt mài ôn trực tuyến - 2

Bài giảng hình học không gian của thầy Đức cho các em học sinh lớp 12.

 Trước đó, thầy Nguyễn Đức Toàn, Phó Hiệu trưởng trường THPT Hiệp Hòa 3 ( Hiệp Hòa, Bắc Giang) cho biết: "Tổng số thí sinh tham gia dự thi năm nay là 486 học sinh. Như mọi khi thì nhà trường chúng tôi đều đã phân luồng học sinh theo các khối thi khác nhau để có thể học trực tuyến một cách hiệu quả nhất. Theo đó, sắp xếp học sinh theo năng lực khá, giỏi, trung bình.

Đồng thời, tập hợp các em học sinh có nguyện vọng thi tốt nghiệp vào một lớp. Nhà trường chúng tôi đã có kế hoạch ôn thi ngay từ đầu năm học trong đó có kế hoạch triển khai ôn thi trực tuyến nếu dịch có bùng phát trở lại, được triển khai đến các giáo viên, phụ huynh và học sinh. Do đó, việc học trực tuyến của các em học sinh 12 tại nhà là điều hết sức bình thường, các em cũng đã quen với việc học trực tuyến này".

Có thể thấy rằng môi trường học tập trực tuyến giúp học sinh tự do trao đổi bài vở, nêu lên những vướng mắc trong quá trình ôn tập. Và cùng một lúc có thể tương tác với nhiều giáo viên, bạn học về cùng một vấn đề, khi vấn đề được giải quyết thì lượng kiến thức tích lũy của bạn cũng tăng lên. Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì phương pháp này càng tối ưu hơn bao giờ hết.

Chủ động để không bị cám dỗ

Mặc dù tận dụng việc học trực tuyến vào ôn thi THPT mang đến nhiều tiện ích nhưng vấn đề đặt ra là làm sao để không bị sa đà vào game hoặc mạng xã hội, cũng như làm cách nào để học trực tuyến thật sự có hiệu quả để không phải tốn công vô ích, nhất là đối với các em học sinh lớp 12 thì lại là một bài toán khó.

Em Nguyễn Thanh  Xuân, học sinh lớp 12, Trường THPT Hiệp Hòa số 3 (tỉnh Bắc Giang), chia sẻ: "Những năm trước, thời gian này, học sinh lớp 12 đã hoàn thành hết việc đăng ký hồ sơ dự thi, tập trung tăng tốc ôn luyện. Tuy nhiên năm nay, do dịch bệnh nên các kế hoạch cho kỳ thi bị đảo lộn. Nghỉ học ở nhà, em chủ yếu tự học và học trực tuyến theo lịch của các thầy cô giáo.

Với những học sinh lớp 12 như em, kiến thức cơ bản gần như đã nắm được. Điều quan trọng ở giai đoạn này là ôn tập, luyện thật nhiều dạng bài. Tuy nhiên, việc học tại nhà không tránh khỏi sự lơ là do không được thầy cô nhắc nhở, răn đe. Nề nếp học tập không được duy trì do có nhiều lúc không tự giác. Bên cạnh đó, việc học trực tuyến còn hạn chế do lớp học đông học sinh nên ít có sự tương tác giữa giáo viên và học sinh".

Có con đang trong giai đoạn gấp rút ôn thi, anh Trần Mạnh Tiến (Quận Cầu Giấy,  Hà Nội) lại cho biết: "Dù cho con tự quyền sử dụng laptop để học trực tuyến nhưng tôi vẫn phải thường xuyên kiểm tra xem con có học hay không. Điều tôi sợ nhất là khi mình đi làm, con ở nhà lại đắm chìm vào game không để tâm đến việc học hành, đây là giai đoạn nước rút của con nên tôi không muốn con bị chi phối bởi bất kỳ thứ gì hết".

Một chuyên gia tâm lý chia sẻ: "Các phụ huynh không nên phó mặc cho con  học ra sao trên mạng. Ví dụ khi tự mình tìm kiếm thêm những thông tin cho bài đang học, khi đó các em dễ bị phân tâm, đi lan man sang những trang tin chứa các nội dung mà ở độ tuổi của mình các em vẫn chưa thể thẩm định tính chính xác, điều đúng - sai dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc hoặc tệ hơn là bị lôi cuốn theo những người có ý đồ xấu.

Phải luôn kiểm soát việc học trực tuyến của con, phối hợp giữa gia đình và nhà trường thì việc học trực tuyến mới hiệu quả cho các con".