Cha mẹ cần trở thành… huấn luyện viên khi trẻ lớp 1 học trực tuyến

Kiều Phương

(Dân trí) - Vì trong lớp học online, cô giáo không thể đến từng bàn học để kiểm tra và hỗ trợ từng học sinh nên cha mẹ cũng cần xác định vai trò mình là một giáo viên/ huấn luyện viên hiện trường.

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều tỉnh thành đang lên kịch bản cho học sinh học trực tuyến để chống dịch. Tuy nhiên, với học sinh lớp 1, việc học trực tuyến gặp rất nhiều khó khăn khi trẻ chưa biết đọc, biết viết. Điều này khiến nhiều giáo viên, phụ huynh tỏ ra vô cùng lo lắng.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã có một số quan điểm riêng.

Cha mẹ cần trở thành… huấn luyện viên khi trẻ lớp 1 học trực tuyến - 1
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Phóng viên: Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng, nhiều tỉnh thành đang lên kịch bản cho học sinh học trực tuyến, trong đó có học sinh lớp 1. Theo PGS, việc áp dụng hình thức học trực tuyến với trẻ lớp 1 có thực sự đem lại hiệu quả hay không, nhất là đối tượng học sinh này đang được áp dụng chương trình và sách giáo khoa mới?

PGS.TS Trần Thành Nam: Hiện tại, toàn ngành đang cố gắng hết sức để các em học sinh trong bối cảnh bất khả kháng tạm dừng đến trường nhưng không phải dừng học. Vì vậy, kịch bản học trực tuyến là phương thức khả thi nhất trong bối cảnh hiện nay.

Tất nhiên, tôi cũng hiểu sẽ có rất nhiều quan ngại đối với dạy trực tuyến cho trẻ lớp 1 khi các em chưa biết đọc biết viết, bởi ngay cả đối với học sinh lớn hơn, dạy học trực tuyến vốn được xem như một phương án bổ sung cho dạy trực tiếp.

Theo các số liệu khảo sát từ hãng bảo mật Kaspersky, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đã có đến 55% trẻ em phải chuyển sang hình thức học trực tuyến vì ảnh hưởng của đại dịch trong năm qua.

Báo cáo cũng cho thấy 74% học sinh cảm thấy không thoải mái với hình thức này do phải dành quá nhiều thời gian ngồi trước màn hình, 57% học sinh báo cáo bài giảng của giáo viên khó hiểu hơn so với bài học trên lớp.

Ngoài ra, học sinh báo cáo các vấn đề kỹ thuật gây khó khăn tập trung và giảm hứng thú học tập đến 60%. Một số nghiên cứu khác cũng báo cáo học sinh than phiền vấn đề về mắt, mất ngủ, mất các hoạt động vận động giải tỏa căng thẳng.

Về mặt tâm lý, 6 tuổi là độ tuổi rất háo hức khám phá nên dễ bị xao nhãng bởi bất kỳ một kích thích nào xung quanh. Đây cũng là độ tuổi hiếu động và ồn ào nên rất khó khăn khi phải ngồi vào một chỗ trong thời gian dài. Các em không thể thực hiện nhiều thao tác cùng lúc như không thể vừa nghe, vừa nhìn, vừa thao tác tay (do các kỹ năng vận động tinh tế, thính giác và thị giác vẫn đang phát triển)...

Điều quan trọng là tâm lý rất dễ tổn thương, sự háo hức học tập sẽ bị đè bẹp ngay khi gặp lúng túng với công nghệ, khi không nhận được sự phản hồi kịp thời của cô, khi lỡ không nghe thấy cô đang nói nhưng không thể nghiêng người sang hỏi bạn bên cạnh như ở lớp học trực tiếp, hay một cái lên giọng, khó chịu vì sự mất tập trung của giáo viên.

Tất cả đều khiến các em quá tải, thất vọng và chán nản với việc học. Những buổi học sau, các em sẽ không muốn học nữa. Vì vậy, muốn dạy học trực tuyến hiệu quả thì phải hiểu tâm lý trẻ và giúp trẻ vượt qua được những khó khăn trở ngại này.

Cha mẹ cần trở thành… huấn luyện viên khi trẻ lớp 1 học trực tuyến - 2
Muốn dạy học trực tuyến hiệu quả thì phải hiểu tâm lý trẻ và giúp trẻ vượt qua được những khó khăn trong thời điểm này.

Phóng viên: Nếu trẻ lớp 1 phải học trực tuyến ngay từ những buổi đầu tiên, theo ông, cha mẹ cần làm gì để cùng con vững tâm lý, sẵn sàng cho năm học mới đầy thách thức này?

PGS.TS Trần Thành Nam: Tôi nhớ đến câu hát "lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo" mà chúng tôi hay hát khi xưa. Để giúp cho con vững tâm lý, sẵn sàng cho năm học mới thì cái quan trọng nhất là tạo cho con một tâm thế háo hức đối với việc học trực tuyến như một điều rất thú vị cần khám phá. Cha mẹ cũng có thể ngồi xuống nói chuyện với con về ý nghĩa của việc đi học, chuẩn bị cho trẻ biết trước về những gì sẽ xảy ra khi học trực tuyến.

Để con có thể học trực tuyến một cách tập trung hơn thì cha mẹ cũng cần tạo một không gian học tập cố định và có quy tắc. Nó có thể là một góc bàn nếu không gian gia đình không lớn nhưng phải yên tĩnh, được thu xếp gọn gàng, đầy đủ đồ dùng học tập để với lấy dễ dàng.

Tất cả những đồ vật gây xao nhãng như ti vi, đồ chơi, vật nuôi… cần loại bỏ hết ra khỏi tầm mắt của trẻ. Nếu không thể cách ly tiếng ồn trong nhà thì hãy mua cho trẻ một tai nghe trùm tai để đeo.

Vì trong lớp học online, cô giáo không thể đến từng bàn học để kiểm tra và hỗ trợ từng học sinh nên cha mẹ cũng cần xác định vai trò mình là một giáo viên/ huấn luyện viên hiện trường để điều hướng các thiết bị công nghệ, định hướng sự chú ý của con cũng như nhắc nhở và hỗ trợ kịp thời để con có thể thành công trong các nhiệm vụ học tập; đồng thời tiếp tục duy trì được tâm thế háo hức với việc học.

Cụ thể phụ huynh cần ở bên cạnh các con, giúp các con chuẩn bị các thiết bị học tập, kiểm tra đường truyền và nhắc nhở các con vào học đúng giờ. Phụ huynh cũng cần phải hướng dẫn hỗ trợ các con các thao tác như là tắt mic, mở mic, gõ thông tin ngắn trong ô chat hay là ấn nút giơ tay.

Cha mẹ cũng cần tự nâng cấp năng lực công nghệ thông tin của bản thân, tìm hiểu thêm về phương pháp sư phạm, cách quản lý cảm xúc và kỷ luật tích cực mà giáo viên vận dụng khi tương tác với con trẻ.

Cha mẹ cũng hãy xem đây như là một cơ hội để có thể tìm hiểu được về triết lý, chương trình, phương pháp tiếp cận của chương trình giáo dục phổ thông mới để đồng hành với con lâu dài.

Nếu dịch bệnh còn diễn tiến và học online trở nên lâu dài, chúng ta sẽ cần chính thức hóa hình thức "học cặp đôi". Có nghĩa là phụ huynh cam kết sẽ luôn có một người cùng con tham gia lớp học phải trở thành một tiêu chuẩn.

Phóng viên: Bên cạnh sự đồng hành của phụ huynh, theo PGS, đội ngũ giáo viên - cụ thể ở đây là những thầy cô trực tiếp tham gia giảng dạy trẻ, cần xây dựng giải pháp nào để "hút" các con ngồi vào bàn tham gia học trực tuyến?

PGS.TS Trần Thành Nam: Để có thể "hút" các con ngồi vào bàn tham gia học trực tuyến, giáo viên trước hết cần xây dựng được mối quan hệ với cha mẹ và bản thân học sinh càng nhiều càng tốt.

Ngay bây giờ, giáo viên hãy xây dựng các nhóm trực tuyến để hướng dẫn cha mẹ về công nghệ, nội quy lớp học trực tuyến, phương pháp sư phạm trong dạy con, hướng dẫn cha mẹ nhận diện sớm về những cách học những khó khăn học tập của con (ví dụ như khó khăn về xử lý thông tin thị giác hay thính giác hoặc các rối loạn học tập khác).

Giáo viên cũng cần hỗ trợ cha mẹ tiếp cận với sách giáo khoa số, các nguồn học liệu ảo dưới dạng game liên quan đến bài học. Đôi khi, vì một vài lý do, nhiều gia đình không thể cùng con ngồi vào bàn học đúng giờ; vì vậy, giáo viên cần phải ghi lại những bài giảng và gửi vào nhóm phụ huynh để họ giúp con xem lại khi cần.

Bên cạnh đó, cần phải hiểu trí não của đứa trẻ hoạt động như thế nào. Ví dụ dựa trên đặc điểm tâm lý và sự chú ý của các em. Tiết học nên bắt đầu bằng những hoạt động khởi động thật vui mà giáo viên có thể sử dụng rất nhiều từ nguồn tài nguyên số trên mạng.

Căn cứ vào khoảng chú ý của các con, tổng thời gian học trực tuyến nên giới hạn trong khoảng 2-3 tiếng/ ngày chia thành một số phiên học. Trong mỗi phiên học, từng phần học phải nhìn màn hình chỉ nên kéo dài 10 phút sau đó là các hoạt động để các bạn có thể thực hiện dưới sự hướng dẫn của cha mẹ. Thậm chí, giáo viên có thể hướng dẫn cha mẹ thực hiện một số hoạt động học tập ở nhà dựa trên sách hướng dẫn giáo viên cho từng môn học.

Giáo viên cần nhớ, học online khó khăn hơn nên việc hướng dẫn học sinh cần chậm hơn. Thầy cô nên tránh việc vô ý tạo ra áp lực thời gian cho học sinh vì nó sẽ làm triệt tiêu hứng thú học tập. Cũng cần chú ý học trực tuyến khiến các em mất rất nhiều cơ hội chơi, vận động, chạy nhảy với bạn bè nên phải thường xuyên đưa những bài hướng dẫn vận động được ghi hình sẵn để phát trong những khoảng thời gian cô chuyển hoạt động, giúp các con thư giãn trước khi bước vào một phiên học kế tiếp.

Để giúp các con cuốn hút vào bài học, giáo viên cần game hóa các hoạt động, từ những trò chơi để các con có thể tương tác trên màn hình của cô cũng như các trò chơi các con thực hiện cùng cha mẹ tại nhà như giải đố chữ, múa, hát, vẽ, đóng kịch hoặc các sản phẩm thủ công mà sau đó có thể đóng góp giúp đỡ các thành viên cộng đồng.

Cuối cùng, để "hút" các con trên bài giảng trực tuyến, giáo viên cần rất sáng tạo trong các hình thức ghi nhận, khen thưởng. Giáo viên cần chuẩn bị các hình dán ngôi sao, trái tim, bông hoa cùng lời khen để tặng các con một cách hào phóng và thường xuyên trong các tiết học.

Giáo viên có thể thỏa thuận với phụ huynh để quy đổi những bông hoa, ngôi sao, trái tim trở thành những phần thưởng hữu hình cho chính bố mẹ trao thưởng. Điều này rất quan trọng để duy trì mối quan hệ ấm áp giữa cô - trò - phụ huynh và là dưỡng chất để tạo động lực cho con học tập trực tuyến.

Và trong bối cảnh hiện tại, vai trò chuyên môn của các Trường Sư phạm trọng điểm rất quan trọng trong việc thiết lập các kênh hỗ trợ cho các giáo viên (về phương pháp khai thác công nghệ, kỹ thuật dạy học trực tuyến, cách thiết kế bài học môn học); kênh hỗ trợ phụ huynh đồng hành với con (tư vấn xây dựng môi trường học tập tại nhà, hướng dẫn sử dụng công nghệ trong tương tác với nhà trường, cách tiếp cận với kho sách giáo khoa số, giúp con thực hiện các hoạt động ở nhà) và các kênh hỗ trợ cho học sinh (gồm kho game liên quan đến các bài học trong chương trình, các mẫu bài tập thực hành kiểm tra).

Chúng ta cũng cần có sự chung tay của các tổ chức như các NXB trong việc hỗ trợ cung cấp sách giáo khoa số, sách hướng dẫn giáo viên và sách bài tập số. Sự tham gia của các công ty công nghệ giáo dục trong việc thiết kế các game bài học theo chương trình mới.

Chúng ta cũng cần nhiều diễn đàn trao đổi mở để các giáo viên truyền cảm hứng giảng dạy và sáng tạo cho nhau. Khi giáo đã viên sẵn sàng, cha mẹ sẵn sàng, con trẻ sẵn sàng, chúng ta sẽ thành công.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!