Giao lưu với nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân tại “Nems và Hoàng Hà cafe”
(Dân trí) - Buổi gặp gỡ giao lưu với nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt nam, được Hội Văn học Nghệ thuật VN tại Liên bang Nga tổ chức tối 12/12 tại nhà hàng “Nems và Hoàng Hà cafe” tọa lạc ở ga xe điện ngầm (metro) Yugo Zapaznaya, Mátxcơva.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (trước, giữa) trong buổi giao lưu tại Nems & Hoàng Hà cafe.
Được biết chuyến đi sang Nga dự Đại hội Nhạc sĩ toàn Nga lần thứ X này của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân là theo lời mời của Nghệ sĩ Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Nga Vladislav Kazenhin.
Đến chung vui tại buổi gặp gỡ giao lưu còn có đại diện của Đại sứ quán VN tại Nga, Hội người Việt tại Nga, Hội người Việt định cư, Hội Khoa học kĩ thuật và các phóng viên báo chí. Giáo sư tiến sĩ nghệ thuật Nguyễn Lân Tuất, nghệ sĩ Công huân Liên bang Nga “Vinh danh nước Việt” 2005 cũng có mặt.
Phát biểu tại cuộc gặp gỡ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã tâm sự về những kỉ niệm của người cha đã quá cố: nhạc sĩ Đỗ Nhuận, một trong những bậc tiền bối của nền âm nhạc cách mạng Việt nam; về tình hình thời sự âm nhạc trong nước và thế giới với cả những khó khăn và thuận lợi.
Thay mặt Hội Văn học nghệ thuật VN tại Nga, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng đã có lời cám ơn nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, đồng thời cũng mong muốn sự phát triển âm nhạc nước nhà cần có những bước khởi sắc hơn nữa.
Giáo sư Nguyễn Lân Tuất, người đã có thâm niên hơn 50 năm sinh sống tại Nga, cũng có những lời tâm sự tâm huyết. Ông nhấn mạnh: nền âm nhạc của chúng ta còn nghèo nàn và không đồng nhất so với sự phát triển của âm nhạc trên thế giới, do vậy rất cần phải phổ cập âm nhạc đến toàn dân. Muốn thế phải đưa âm nhạc vào chương trình giáo dục phổ thông. Có như vậy chúng ta mới có thể nghe và hiểu được giao hưởng là gì, chứ không chỉ đơn thuần ở những ca khúc.
Nhạc sĩ Phạm Hồng Hà, hội viên Hội nhạc sĩ Việt nam (và cũng là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật VN tại Nga) nói lên những trăn trở với sự nghiệp sáng tác và phong trào phát triển âm nhạc ở nước ngoài cũng như sự cần thiết giúp đỡ của Hội Nhạc sĩ trong nước.
Đa số anh chị em cũng đều nhất trí về sự cần thiết giáo dục cho học sinh biết cảm thụ âm nhạc từ hệ phổ thông cấp một trở đi. Nghĩa là từ bé khoảng 7, 8 tuổi đã phải làm quen với “đồ rê mi pha son…”. Có như vậy con em chúng ta mới có những hiểu biết sơ đẳng về âm nhạc để khỏi tụt hậu so với mặt bằng âm nhạc chung của thế giới, mới có được những nhân tài thực sự về âm nhạc cho đất nước trong tương lai.
…Mặc dù đêm Mátxcơva lạnh tới âm 10 độ C, nhưng buổi gặp gỡ giao lưu đã diễn ra trong không khí hết sức thân mật qua những lời phát biểu tâm sự chân tình và cả những bài thơ, tiếng hát của anh chị em có mặt.
Võ Hoài Nam (từ Mátxcơva)