Phi công thường làm gì khi đang bay?
(Dân trí) - Bước vào khoang lái, các phi công phải tuân thủ rất nhiều quy định nghiêm ngặt, bao gồm cả việc ăn uống và nghỉ ngơi.
Khi ngồi trong buồng lái, không phải lúc nào phi công cũng luôn lái máy bay. Các máy bay hiện đại ngày nay luôn có chế độ lái tự động. Bởi vậy, phi công chỉ cần can thiệp vào những thời điểm quan trọng nhất như cất cánh, hạ cánh, trừ trường hợp gặp sự cố. Vậy, phi công thường làm gì khi đang bay?
Không lái máy bay
Dù không phải liên tục lái máy bay nhưng các phi công vẫn túc trực bên trong buồng lái đảm bảo chuyến bay an toàn. Một số nhiệm vụ khác bao gồm giám sát radar thời tiết để đánh giá các điều kiện trước mắt, điền giấy tờ, liên lạc qua radio với bộ phận điều khiển không lưu, thay đổi độ cao và đường bay theo hướng dẫn.
Đọc báo nhưng không đọc sách, truyện hay tiểu thuyết
Tùy thuộc từng hãng hàng không, nhưng hầu hết các phi công đều có thể đọc báo trong suốt hành trình bay để giải trí. Tuy nhiên, sách truyện hay tiểu thuyết là những thứ bị cấm mang vào buồng lái bởi phi công có thể bị cuốn theo nội dung bên trong và ảnh hưởng tới sự tập trung khi lái.
Một số hãng hàng không như hãng Delta của Mỹ quy định rất rõ, phi công không làm gì khác ngoài những hành vi liên quan tới chuyến bay.
Cấm nói chuyện khi bay
Một quy định khác được kiểm soát rất nghiêm ngặt trong buồng lái đó là “Sterile Cockpit Rule”. Cụ thể, theo quy định từ Cục Hàng không Liêng bang Mỹ (FAA), các phi công buộc phải kiềm chế mọi hoạt động không cần thiết vào thời điểm quan trọng nhất của chuyến bay, thường diễn ra ở giai đoạn khi bay dưới 3000m.
Nguyên tắc “Sterile Cockpit Rule” được áp dụng từ năm 1981 tới nay. Theo đó, các phi công gần như hạn chế trò chuyện ở mức tối đa khi bay ở độ cao dưới 3000m, trong cả quá trình cất cánh và hạ cánh để đảm bảo an toàn bay. Điều này giúp phi công tránh những “cuộc đàm thoại không cần thiết”, đồng nghĩa với việc hạn chế tiếp viên liên lạc với phi công.
Nghỉ ngơi
Kể cả khi đang bay, các phi công vẫn được quyền nghỉ ngơi trong thời gian ngắn, dù là chuyến bay nội địa ngắn. Tuy nhiên điều này cũng phụ thuộc vào từng hãng hàng không. Tại Mỹ, các phi công chỉ được làm 8 giờ liên tiếp. Sau đó họ cần được nghỉ ngơi. Khi rời khỏi buồng lái, phi công phải báo cáo với cơ trưởng.
Với các chuyến bay dài, phi công và tiếp viên phi hành đoàn được nghỉ ngơi luân phiên. Trên những máy bay cỡ lớn có thiết kế chỗ ngủ cho đội ngũ phi công và tiếp viên. Họ sẽ sắp xếp thời gian nghỉ ngơi cho hợp lý. Với phi công, họ có thể thông báo bằng miệng với phi hành đoàn để nghỉ ngơi, trong trường hợp phi công còn lại đảm bảo sức khỏe và tỉnh táo.
Không ăn giống nhau
Một số hãng hàng không quy định rất rõ, các phi công trong cùng một chuyến bay không được ăn các suất giống nhau để tránh trường hợp cả hai cùng bị ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên đây là điều khá hãn hữu xảy ra.
Hoàng Hà
Theo News, WK