Những công trình độc đáo từ bàn tay con người
(Dân trí) - Không chỉ thiên nhiên mới có thể tạo ra những kỳ quan thế giới, con người với sức sáng tạo không mệt mỏi cũng đã tạo ra những công trình độc đáo có một không hai.
1. Những ngôi nhà băng ở Iran
Người ta phát hiện ra rằng những ngôi nhà băng (trữ đá lạnh) đã xuất hiện ở Iran từ đầu thế kỷ XVII trước Công nguyên. Với đặc điểm địa hình phần lớn là sa mạc, khí hậu nắng nóng vào ban ngày, người dân Iran đã sớm nghĩ ra cách trữ đá lạnh để sử dụng cho mùa hè là tạo nên những ngôi nhà băng.
Người ta xây những ngôi nhà trữ đá ở gần những nơi có nước đóng băng vào mùa đông, ví dụ như các sông, hồ, kênh nước ngọt. Vào mùa đông, đá và tuyết sẽ được vận chuyển vào những ngôi nhà băng có mái vòm rộng lớn, đá được gói ghém cẩn thận bằng những vật liệu cách nhiệt, ví dụ như rơm rạ hoặc mùn cưa. Những ngôi nhà băng sẽ giúp đá không bị tan chảy trong nhiều tháng, thậm chí để được đến tận mùa đông năm sau. Người dân Iran sẽ có đá để sử dụng vào mùa hè nóng nực.
Người ta tìm thấy hơn một trăm nhà băng trên khắp đất nước Iran, nhưng rất ít công trình còn giữ được nguyên vẹn hình thức ban đầu.
2. Nhà bùn ở Tiébélé, Burkina Faso
Nằm tại miền Nam Burkina Faso, một vùng đất ở Tây Phi gần biên giới Ghana, ngôi làng Tiébélé nổi tiếng bởi kiến trúc độc đáo có tên là Gourounsi với những ngôi nhà bằng bùn được trang trí một cách công phu, tỉ mỉ.
Những người phụ nữ thường được giao nhiệm vụ trang trí tường nhà bằng bùn tẩm màu hoặc phấn trắng. Họ thường vẽ lên tường hình ảnh về đời sống sinh hoạt hoặc các biểu tượng tôn giáo của người Kassena. Sau khi tường được trang trí xong, ngôi nhà được quét lại bằng một loại sơn mài tự nhiên được làm từ đậu Néré luộc kết hợp với cây keo gai châu Phi.
3. Đồi Thánh giá ở Lithuania
Ngọn đồi Thánh giá có vẻ ngoài cổ quái nhưng đây thực sự là tác phẩm được tạo nên một cách tự nhiên từ con người.
Lithuania là đất nước chịu ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo. Người ta cho rằng, những cây thánh giá đầu tiên bắt đầu có mặt ở khu ngoại ô này vào khoảng năm 1831 khi ngọn đồi trở thành địa điểm đấu tranh chính trị và tôn giáo của Lithuania. Những cây thánh giá đặt ở đây để tưởng nhớ người chết và mất tích trong giai đoạn lịch sử này. Và ngày nay con số này đã lên đến hơn 100.000 cây thánh giá và ngọn đồi Thánh giá đã trở thành một điểm hành hương nổi tiếng ở phía Bắc Lithuania.
4. Tòa nhà Casa Milà, Barcelona, Tây Ban Nha
Đây là một trong những ngôi nhà được đánh giá độc đáo nhất châu Âu. Thoạt nhìn, nhiều người sẽ lầm tưởng ngôi nhà là một tác phẩm của kiến trúc hiện đại, song không phải. Đây là biểu tượng nghệ thuật cuối những năm 1990 của thành phố Barcelona do kiến trúc sư nổi tiếng người Tây Ban Nha Antoni Gaudi thiết kế từ cách đây hơn một thế kỷ, vào khoảng thời gian giữa năm 1906 và 1912.
Nằm ngay góc phố Passeig de Gracia và Provencia, tòa nhà Casa Milà với mặt tiền đá vôi cùng các ban công cầu kỳ phá cách trông như được cắt ra từ một hang động đá trắng thực thụ. Đó cũng chính là lý do nơi đây được đặt tên La Pedrera (có nghĩa là mỏ đá) trong quá trình xây dựng. Sau này, cái tên La Pedrera thực sự được biết đến rộng rãi hơn chính cái tên gốc của mình. Với tầm nhìn đi trước thời đại, Gaudi đã thiết kế Casa Mila thành một tòa nhà với thiết kế các khung cửa và mái vòm theo các hình dáng khác lạ để tạo thành một thiết kế có các đường cong mềm mại uyển chuyển như núi chập chờn chìm ẩn trong mây, nhấp nhô như sóng lượn.
Ngày nay, Casa Milà đã trở thành trụ sở của Tổ chức văn hóa Fundació Catalunya-La Pedrera và là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa ở thành phố Barcelona của Tây Ban Nha. Vào năm 1984, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) đã phong tặng Casa Milà danh hiệu Di sản thế giới.
5. Cây cầu “Nowhere to walk”, New Zealand
Đó là cây cầu bê tông bị bỏ hoang bắc qua dòng sông Mangapurua nằm sâu trong Công viên quốc gia Whanganui, New Zealand. Có một câu chuyện thú vị đằng sau cây cầu này.
Người ta kể rằng cây cầu được vào năm 1917 với mục đích làm lối dẫn vào khu vực khai hoang cho những người nông dân tiên phong vốn là những người lính trở về từ Thế chiến New Zealand để làm nông nghiệp.
Một chiếc cầu bằng gỗ đã được xây dựng để dẫn đường cho ngựa chở đồ vào thung lũng phục vụ những người nông dân tiên phong đó. Sau nhiều năm vận động của cộng đồng địa phương, một cầu đường bộ mạnh mẽ hơn bằng bê tông đã được xây dựng vào năm 1936. Tuy nhiên cây cầu chỉ được sử dụng trong vòng sáu năm. Những người lính trở về từ Thế chiến thứ nhất đã phải chịu thua sức mạnh của thiên nhiên sau khi những nỗ lực của họ không thể cải tạo đất đai cằn cỗi của thung lũng này. Họ đã buộc phải rời khỏi vùng đất này vào năm 1942 sau nhiều thập kỷ khai hoang không thành. Rừng đã mọc trở lại, phá hủy tất cả dấu ấn cư trú từng có của con người nơi đây, ngoại trừ cây cầu.
Ngày nay, cách duy nhất để du khách tiếp cận cây cầu là đi xuồng máy hoặc thuyền kayak vì không có con đường nào dẫn đến nó.