Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc tưng bừng trước ngày khai hội

(Dân trí) - Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương) năm nay sẽ có nhiều nét với với kế hoạch "3 không": không hành khất, không hàng quán trong khu nội tự và không ăn cắp, ăn trộm. Hàng vạn du khách đã đổ về Côn Sơn - Kiếp Bạc trước ngày khai hội.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Khắc Minh - Trưởng ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết: Đã thành truyền thống, vào các ngày 16/8 đến 18/8 âm lịch hằng năm, lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc lại được tổ chức. Lễ hội năm nay có ý nghĩa quan trọng vì kết hợp với các sự kiện lớn: đón bằng công nhận Côn Sơn - Kiếp Bạc là di tích quốc gia đặc biệt, tưởng niệm 712  năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, 570 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. 

Càng gần đến ngày khai hội, di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc càng trở nên tưng bừng, náo nhiệt. Trước ngày khai hội, trung bình mỗi ngày có từ 5 đến 7 nghìn du khách về trảy hội.

Thời gian qua, Ban Tổ chức Lễ đón Bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt và Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc đã chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương chuẩn bị với phương châm tiếp tục hoàn thiện việc nâng cấp lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc thành lễ hội cấp quốc gia. Đồng thời, hoàn thiện, bổ sung các nghi lễ truyền thống vốn có.

Hàng vạn du khách để đổ về khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc trước ngày khai hội.
Hàng vạn du khách để đổ về khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc trước ngày khai hội.

Năm nay, lễ hội có quy mô lớn hơn năm trước. Lễ hội tập trung vào các hoạt động quan trọng như: Lễ tưởng niệm 570 năm ngày mất của Nguyễn Trãi, đêm thơ Côn Sơn và Tết Trung thu, lễ khai ấn, liên hoan diễn xướng hầu thánh, lễ cầu an, lễ hội quân, hội hoa đăng và trọng tâm là lễ đón Bằng công nhận di tích đặc biệt được tổ chức vào tối 1/10 (tức ngày 16/8 âm lịch). Phần hội diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi.

Ban Tổ chức huy động hàng nghìn người thuộc xã Hưng Đạo, Lê Lợi, phường Cộng Hòa (Chí Linh), lực lượng vũ trang, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, tăng ni tích cực luyện tập các nghi lễ, tiết mục văn hóa, nghệ thuật, thể thao, trò chơi dân gian. Xây dựng sân khấu rộng khoảng 20 nghìn m2 trên đê sông Thương trước cửa đền Kiếp Bạc, chuẩn bị 5.000 hoa đăng, gần 40 thuyền của ngư dân trong và ngoài tỉnh, các đoàn võ Nhất Nam, đội múa rồng, đánh thó của Gia Lộc… phục vụ cho các hoạt động của lễ hội.

Thời gian qua, Ban Tổ chức lễ hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá cho Côn Sơn - Kiếp Bạc như: lựa chọn lô-gô của lễ hội để tuyên truyền thống nhất trên các ấn phẩm, phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức họp báo; xây dựng kế hoạch truyền thông, sản xuất tờ gấp... Tại khu vực Côn Sơn - Kiếp Bạc đã lắp đặt 6 bảng trưng bày các hình ảnh về di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc; cắm 2.000 lá cờ trong khu vực diễn ra lễ hội, tập trung trên đê và hai bờ sông Thương.

Những nghi lễ truyền thống sẽ được tái hiện một cách trang trọng.
Những nghi lễ truyền thống sẽ được tái hiện một cách trang trọng.

Vào những ngày chính hội, khu vực từ cổng đền ra đê sẽ trở nên lung linh hơn khi được trang trí thêm 500 chiếc đèn lồng và hệ thống đèn nháy. Phát hành khoảng 50 nghìn tờ gấp, 1.000 đĩa VCD giới thiệu về di tích, chương trình lễ hội, phù ấn Đức Thánh Trần và thân thế, sự nghiệp của Nguyễn Trãi... 

Nhằm tạo nên không gian văn hóa lành mạnh cho lễ hội, Ban Tổ chức thực hiện kế hoạch "3 không": không hành khất, không hàng quán trong khu nội tự và không ăn cắp, ăn trộm. Để thực hiện tốt công tác trên, thị xã Chí Linh đã chỉ đạo các xã Hưng Đạo, Lê Lợi và phường Cộng Hòa giải tỏa mặt bằng, hàng quán, các tụ điểm xe ôm, người hành khất. Các địa phương tổ chức cho các hộ kinh doanh ký cam kết không lấn chiếm không gian, không gây mất an ninh, trật tự, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong thời gian trước, trong và sau lễ hội.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Trưởng Công an thị xã Chí Linh cho biết: Công an thị xã đã bố trí 20 cán bộ, chiến sĩ tuần tra, kiểm soát trên các trục đường vào di tích. Trong những ngày diễn ra lễ hội, Công an thị xã phối hợp với 120 cán bộ, chiến sĩ của Công an tỉnh trực 24/24 giờ tại các vị trí trọng yếu, phòng, chống nạn trộm cắp, chèo kéo khách, ngăn, phân luồng đường thủy phục vụ lễ hội quân và giải đua thuyền. Bố trí lực lượng dẫn đường cho các đoàn khách quốc tế và lãnh đạo Trung ương về dự. Để tránh ùn tắc, Ban Tổ chức cải tạo đoạn đường phía sau đền Kiếp Bạc phục vụ việc đi lại của các tiểu ban và lối ra cho du khách. 

Thế Cường - Danh Trung