Giếng đá cổ độc đáo ở Phú Yên
Từ xa xưa, giếng nước đã hình thành ở nhiều làng quê Phú Yên. Đáng chú ý là những giếng đá cổ ở xóm Vườn; Khu giếng đá cổ ở Hòa An; đã trở thành một loại hình di sản văn hóa đá khá độc đáo trong kho tàng di sản văn hóa đá Phú Yên.
Giếng đá thôn Hòa An, xã Xuân Hòa, Sông Cầu đa dạng về kiểu dáng
Khu giếng đá cổ xóm Vườn thuộc thôn Xuân Dục, xã An Phú, TP. Tuy Hòa, nằm trong khu vực có vết tích cư trú lâu đời. Và nằm về phía Đông núi Đồng Nai (núi Thơm), phía Bắc có lạch Bầu Ngòi bắt nguồn từ khu vực núi Đồng Nai và núi Hùng chảy về hướng Đông, thông ra biển tại Long Thủy, phía Đông có núi Hòn Tháp, nơi đã phát hiện dấu tích gạch Chăm. Đất đai ở đây thuộc loại đất cát được phủ một lớp phù sa mỏng trên mặt, với địa hình khá bằng phẳng. Do đặc điểm thổ nhưỡng nơi đây có khả năng giữ nước thấp nên người xưa đã đào rất nhiều giếng. Hiện khảo sát trên những khu vườn tại đây cho thấy mật độ giếng khá dày đặc. Trong một khoảnh vườn rộng 2000m2 có đến 10 giếng. Thống kê trong toàn khu vực xóm Vườn có trên 30 giếng. Trong đó có những giếng hiện nay đã được sửa sang và đang được các hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt. Nếu tính cả những giếng hiện đã bị vùi lấp, sụp lở thì số lượng còn nhiều hơn.
Đặc điểm của hệ thống giếng cổ ở đây là dạng giếng tròn, có độ sâu từ 3m - 4m, đường kính miệng giếng dao động từ 0,9m đến 1,8m, bên trên miệng giếng thường không làm bọng (trừ một số giếng cung cấp nước sinh hoạt trong các gia đình hiện nay đã được làm bọng bằng vật liệu hiện đại). Những giếng cổ ở đây thường chỉ được xếp đá một đoạn từ khoảng giữa độ sâu của giếng lên đến miệng giếng. Khi khảo sát, chúng tôi nhận thấy phần dưới là một loại đất cát màu trắng đục pha nhiều sạn nhỏ. Đây là loại đất rất cứng và có độ ổn định cao. Do vậy, khi đào giếng đến lớp đất này người ta không cần dùng đá để kè thành giếng mà vẫn đảm bảo thành giếng không bị sụp lở. Nhiều giếng được đào mở rộng ra xung quanh, mạch ngầm rất mạnh, là sáng tạo trong kỹ thuật đào giếng của người xưa, nước giếng rất trong và quanh năm không đứt mạch.
Trước kia xóm Vườn trồng nhiều trầu cau và một số cây như bồ kết, mãng cầu, dừa... Sau năm 1975, dân trồng dừa thay thế trầu cau, vì vào thời điểm này trầu cau không còn là hàng hóa được tiêu thụ mạnh như trước. Do đây là khu đất trồng, để có được những vườn cây xanh tốt, nhất thiết phải đảm bảo lượng nước tưới. Chính vì thế mà người xưa đã đào rất nhiều giếng với mật độ dày để cung cấp đủ lượng nước, phục vụ trồng hoa màu.
Khu giếng đá cổ Hòa An
Khu giếng đá cổ Hòa An thuộc thôn Hòa An, xã Xuân Hòa, thị xã Sông Cầu. Thôn Hòa An (tức làng Vũng Mú trước đây) có địa hình bán đảo. Làng được xây dựng trên những động cát trải dài từ tây sang đông, sát bờ biển, phía đông có núi Cấm, ở chân núi phía biển có nhiều bãi đá, bên dưới có hang đá tự nhiên từng là căn cứ cách mạng của địa phương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Do địa hình bãi cát, lại nằm sát biển nên trước kia việc đào giếng để tìm nguồn nước ngọt là hết sức khó khăn. Để làm được công việc đó thường phải huy động cả cộng đồng tham gia. Có lẽ vì đặc điểm đó mà ở vùng này số lượng giếng rất ít. Trải dọc theo chiều dài của làng chỉ có 3 giếng đá cổ. Người địa phương quen gọi là giếng động trên, giếng động giữa và giếng động dưới. Giếng động giữa là dạng giếng vuông, độ dài mỗi cạnh là 1,5m, giếng sâu 5,5m, mực nước hiện tại cao 1m. Thành giếng được kè bằng đá ong từ đáy lên miệng, bên trên có tạo bọng giếng cao 0,6m (nguyên trước bọng giếng cũng được xây bằng đá ong nhưng hiện nay đã trát phủ xi măng). Xen giữa những lớp đá ong ở thành giếng có dấu vết những mạch liên kết bằng vôi cát. Nét đặc sắc của giếng này là kiểu giếng hình vuông. Đây là hình thức đào giếng khá độc đáo, ít thấy xuất hiện trong kỹ thuật đào giếng của người Việt ở Phú Yên.
Giếng động trên là giếng tròn, đường kính miệng giếng 1m, độ sâu từ miệng giếng xuống đáy là 5m, mực nước hiện tại cao 2m, được xếp đá ong hoàn toàn từ đáy lên miệng, bên trên có bọng giếng (hiện tại đã được thay bằng vật liệu gạch, xi măng cao 1m). Giếng động dưới cũng thuộc dạng giếng tròn, có đường kính miệng 1,4m, độ sâu của giếng 4,3m, mực nước hiện tại cao 1,5m, được xếp đá ong từ đáy lên miệng, bên trên có bọng (hiện đã xây lại bằng vật liệu gạch, xi măng, cao 1,6m). Những người cao tuổi ở địa phương cho biết khi đào những giếng này người ta đã lót ở đáy giếng một lớp gỗ, loại gỗ xuân (còn gọi là gỗ sao, loại gỗ thường dùng để đóng ghe thuyền) không bị mục trong môi trường nước. Cho đến nay, lớp gỗ đó vẫn còn tồn tại với tác dụng ngăn cách và giữ ổn định lớp cát ở đáy giếng để thành giếng không bị sụt lún hư hỏng.
Một số cụ già trong làng giải thích cổ nhân xưa tạo giếng hình vuông tượng trưng cho đất mẹ; giếng hình tròn tượng trưng cho hình mặt trời. Hoà khí của âm dương cho con người được hạnh phúc. Một làng có ba cái giếng là biểu tượng cho: Thiên - Địa – Nhân. Cách tạo ba cái giếng ở Hòa An có nhiều điểm tương đồng với giếng cổ làng Việt ở làng Thượng Hội (xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Điểm khác là giếng ở Hòa An hẹp đường kích chỉ từ 1 - 1,5m, còn giếng ở làng Thượng Hội rộng đến 30m. Rõ ràng quan niệm âm - dương lưỡng hợp mang tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp lúa nước được phản ánh trong tư duy của người xưa rất sâu sắc. Nguồn nước duy trì sự sống, tạo cho con người, cảnh vật sinh sôi, nảy nở và phát triển dài lâu.
ThS. Nguyễn Hoài Sơn
Theo Báo Du Lịch