Độc đáo làng chuồn chuồn tre giữa lòng Hà Nội

(Dân trí) - Từ nguyên liệu chính là cây tre, với bàn tay khéo léo của người thợ tạo ra những chú chuồn chuồn xinh xắn, sống động, đưa sản phẩm của làng nghề bay xa. Từ đây, cái tên “làng chuồn chuồn” - xã Thạch Xá (huyện Thạch Thất, Hà Nội) được nhiều người biết đến!

Lớn lên tại một vùng quê thuần nông, tuổi thơ của tôi gắn liền với hình ảnh con diều no gió, cùng những chú chuồn chuồn bay lượn. Ngày nay, trong nhịp sống hối hả, thật khó có thể bắt gặp những chú chuồn chuồn mắt tròn, cánh mỏng, bay lượn trên khắp mặt ao.

 Những chú chuồn chuồn tre đẹp mắt với nhiều màu sắc khác nhau.
 Những chú chuồn chuồn tre đẹp mắt với nhiều màu sắc khác nhau.
 Những chú chuồn chuồn tre đẹp mắt với nhiều màu sắc khác nhau.

Tìm về xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất (Hà Nội) - nơi nổi tiếng với sản phẩm chuồn chuồn tre - nhờ sự khéo léo của những người thợ, tôi đã được chứng kiến hàng trăm, hàng nghìn con chuồn chuồn tre muôn màu sắc.

Người nghệ nhân say mê với từng công đoạn của việc làm chuồn chuồn tre.
Người nghệ nhân say mê với từng công đoạn của việc làm chuồn chuồn tre.
Người nghệ nhân say mê với từng công đoạn của việc làm chuồn chuồn tre.

Để có được những con chuồn chuồn tre, đòi hỏi người thợ trải qua hơn 10 công đoạn khác nhau. Bước đầu tiên người thợ làm chính là chặt tre để tạo thân chuồn chuồn, sau đó khoan hai lỗ nhỏ bên thân, vuốt đuôi, và hơ mỏ để tạo hình cong của đầu chuồn chuồn. Tiếp tục vót cánh, mài đầu và lắp ghép thành 1 con chuồn chuồn mộc. Sau đó, chuồn chuồn được đặt lên một chiếc que nhỏ, người thợ lại tiếp tục căn chỉnh thăng bằng và dính keo cố định các vị trí trên thân.

Để tạo thêm sự đẹp mắt, hấp dẫn, những con chuồn chuồn được sơn và trang trí lên rất nhiều hoa văn, họa tiết khác nhau. Điều đặc biệt là các hoa văn, họa tiết đều được những người thợ tại địa phương tự sáng tạo ra, do đó chuồn chuồn tại Thạch Xá luôn có sự thu hút, hấp dẫn riêng biệt.

Những chú chuồn chuồn được sơn trang trí họa tiết và phơi khô.
Những chú chuồn chuồn được sơn trang trí họa tiết và phơi khô.
Những chú chuồn chuồn được sơn trang trí họa tiết và phơi khô.

Hỏi thăm vào nhà nghệ nhân Đỗ Văn Liên với hơn 20 năm gắn bó với nghề, gia đình ông có gần chục thợ, làm đều đặn tất cả các ngày trong tuần, trung bình một ngày làm ra 250 – 300 trăm con chuồn chuồn. Với giá bán từ 2.000 tới 4.000 đồng/con (tùy vào kích cỡ khác nhau), mang lại thu nhập lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Liên cho biết thêm: “Trước kia, ngoài việc làm nông nghiệp, gia đình tôi còn bán đồ lưu niệm tại chùa Tây Phương. Trong các mặt hàng giao bán, chuồn chuồn tre là loại được ưu chuộng nhất. Do gia đình cũng từng làm nghề mây tre đan nên tôi và vợ đã quyết định đi học hỏi để về làm nghề và phát triển cho tới nay”.

Những chú chuồn chuồn được sơn trang trí họa tiết và phơi khô.
Những chú chuồn chuồn này không những tạo ra công ăn, việc làm cho người dân xã Thạch Xá, mà còn giúp họ làm giàu

Có rất nhiều loại kích cỡ chuồn chuồn tre khác nhau, loại nhỏ nhất dài 7cm, lớn là 15cm, nhưng được đặt hàng và bán chạy nhất là chuồn chuồn dài 10cm. Nhờ sự cân bằng của đôi cánh mà những con chuồn chuồn có thể tự đậu trên nhiều mỏ nhọn hay đầu ngon tay mà không sợ đổ.

Hiện nay, ngoài việc làm chuồn chuồn tre, người dân xã Thạch Xá còn khéo léo tạo ra những con bướm, con chim đầy đủ kích cỡ, màu sắc khác nhau, tạo thêm sự đa dạng trong các mặt hàng.

Nếu trước kia các hộ gia đình làm chuồn chuồn tại xã Thạch Xá phải tự đi tìm đầu ra để giao bán, thì giờ đây, sau hơn 30 năm phát triển đã có rất nhiều cơ sở thu mua đến đạt hàng lên tới hàng trăm nghìn con chuồn chuồn.

Không chỉ được giao bán tại các lễ hội truyền thống hay nhiều cửa hàng lưu niệm, hiện nay chuồn chuồn tre tại xã Thạch Xá còn được xuất sang các thị trường nước ngoài lớn như Mỹ, Nhật Bản, Pháp… Nhờ đó, mà nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam được thể hiện trên những con chuồn chuồn tre một lần nữa được bạn bè quốc tế biết đến.

Bài và ảnh: Nhữ Trang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm