Chợ phiên Lũng Vân

Chuyện ở phiên chợ vùng cao, nhưng hình như không chỉ là chuyện về chợ…

Từ thành phố Hòa Bình đi chừng 30 km đến chợ Lồ rồi rẽ trái đi Mường Bi, một trong bốn Mường lớn nhất các xứ Mường xưa (Bi, Vang, Thàng, Động). Mường Bi huyện Tân Lạc, nằm trong thung lũng, dưới chân một quả núi lớn trên đỉnh có đường đi sang huyện Bá Thước của Thanh Hóa. Từ chân núi lên đỉnh núi có nhiều bản Mường thưa thớt dân cư, đường đi dốc đứng, lên đỉnh là Mường Chậm, cũng đúng như tên của nó, ở đây thời gian như ngưng lại, mấy trăm năm trôi qua mà cảnh vật cũng không thay đổi nhiều.
Chợ phiên Lũng Vân
Một sạp bán hàng tạp hóa trong chợ Lũng Vân. Đồ dùng dưới xuôi và Trung Quốc giờ đây tràn ngập các chợ và cửa hàng đồ gia dụng miền núi, được người dân bản địa ưa dùng bởi giá rẻ, và họ cũng không quan tâm nhiều tới chất lượng và sự an toàn của món đồ đó.
 
Trung tâm của vùng này chính là Lũng Vân, có một chợ lớn cho toàn quả núi lớn với nhiều xã của cả hai tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa. Đỉnh núi là chợ Lũng Vân họp phiên ngày thứ ba trong tuần, chân núi đi ra quốc lộ 6 là chợ Lồ, họp vào hai ngày thứ tư và năm trong tuần. Ngày thứ tư gọi là chợ Sép (tức là chợ họp trước một ngày, chợ tạm ) vì xưa kia nhiều bản Mường xa xôi đi chợ Lồ phải đi mất một ngày, chập tối mới đến nơi, nên thêm ra ngày nữa để đợi người nơi xa.

Đường đi hiểm trở đèo dốc, nếu không có phương tiện cơ giới, thì người ta chỉ có cách thồ hàng bằng gùi, không được bao nhiêu, ít người xuôi lên đây buôn bán, nên thuần hàng địa phương. Vải vóc, thổ cẩm, đồ đan, rau cỏ, củ quả, hoa trái, chim thú rừng…Đi chợ có lẽ là đi chơi, trao đổi hàng hóa nhiều hơn. Vùng này cho đến ngày nay, người ta rất ít tiền, thậm chí nhiều người không có tiền.

Chợ phiên Lũng Vân

Khu bán gia súc và gia cầm chợ Lũng Vân. Phần lớn nguồn thực phẩm thịt lợn, gà, vịt giờ đây được chuyển từ dưới xuôi lên, rất hiếm thứ được nuôi và cung cấp tại chỗ.
 

Tháng 8 năm nay chúng tôi đi chợ Lũng Vân, thì thấy mọi chuyện khác hẳn. Chợ họp từ sớm, từ 6 – 8 giờ sáng là tan chợ, nên trước đó nhiều xe máy, ô tô tải nhỏ chở hàng vượt núi từ tờ mờ sáng. Toàn bộ chợ hầu như không có một sản phẩm địa phương nào, trừ mấy người đem gùi thồ đan tre ra bán. Tất cả quần áo, đồ điện tử, thịt cá, hoa quả, bánh kẹo, đồ gia dụng, thậm chí cả rau cỏ cũng mang từ dưới lên. Nghĩa là vùng này không có một hàng hóa địa phương nào, người dân đến đây là mua chứ không có gì để bán.

Đây là một báo động về suy thoái kinh tế, một sự trống rỗng hoàn toàn về vật chất của đời sống dân cư. Nếu đi sâu vào trong các làng bản, dù có đất, nhiều nhà cũng không trồng rau cỏ gì, mà hái lượm rau cỏ từ bìa rừng, nấu ăn qua quýt. Người dân hầu như không có tiền, không có thu nhập gì ngoài ít ngô, các sản phẩm địa phương khác như tre, nứa thì do điều kiện chuyên chở rất khó khăn tốn kém, nên người ta không lên đây thu mua. Thú rừng không còn, rừng già cũng ít, cây cối không được phép chặt tùy tiện để bảo vệ rừng, xây dựng cũng hết sức hạn chế, trừ vài ngôi nhà công cộng của nhà nước. Cả phiên chợ không có một hàng nước chè nào, trừ vài ngôi nhà bán cháo lòng, tiết canh, vài người bán bánh rán, bánh bao đun nấu tại chỗ, vài hiệu tạp hóa lưu cữu. Chất lượng hàng hóa và thực phẩm đều rất thấp, vì người dân chỉ có thể mua đồ rẻ tiền.

Chợ phiên Lũng Vân
                                                                                                                              Quang cảnh chợ Lũng Vân.

Tôi mua hai chiếc bánh bao chay có 7 ngàn, hai chiếc bánh rán đường 5 ngàn, ăn cũng ngao ngán vì chế biến rất xoàng, rồi phải chạy vào một nhà văn hóa cộng đồng gần đó xin uống nước chè nhờ mấy anh cán bộ. Nếu ra xem một quầy bán điện thoại di động thì ta có cảm tưởng đó là đồ chơi bằng nhựa cho trẻ con, đồ thổ cẩm thì hoàn toàn là in dệt sẵn của Trung Quốc và toàn bằng sợi hóa học. Tôi đã ăn nhiều bữa trong các bản, thì thấy người dân ăn uống rất đạm bạc, hơn cả chay, chỉ một Cạp rá cơm ( đồ đựng đan bằng tre như cái rá có chân ) gạo nương cho cả nhà, ít rau rừng luộc, nếu bạn mua một con gà thì gia chủ cũng chỉ đơn giản luộc lên rồi chặt ra một cái khay đan lót lá.

Bản tính của người Mường là không thích làm ăn tranh giành gì, không cố gắng, không tích lũy và làm giàu, trong hoàn cảnh địa lý khó khăn, dù cảnh vật rất đẹp, khí hậu trong lành. Mặt khác thì nó cho thấy sự suy thoái dần dần của cư dân bản địa. Trong xã hội hiện tại không có thu nhập gì, mà sống ở những vùng cô lập, thì cũng có nghĩa là thanh thiếu niên không có tiền đi học nơi xa và trưởng thành với những ngành nghề hiện đại. Một người lớn tuổi nói với tôi, người dân miền núi thì thọ đấy, nhưng trăm năm ở đây chỉ bằng một năm dưới xuôi. Câu nói này bao hàm chất lượng và thông tin sống mà đời người được hưởng.

Theo TT&VH Cuối tuần