Chàng sinh viên và hành trình đi bộ hơn 600km tới Nam Cực

(Dân trí) - Parker Liautaud, một sinh viên người Anh, đang chuẩn bị cho hành trình đi bộ thám hiểm Nam Cực với 640km trong vòng 22 ngày. Nếu thành công, Parker sẽ là chàng trai trẻ tuổi nhất trên thế giới thực hiện chuyến đi bộ tốc độ nhất tới nơi đây.

Parker Liautaud, một sinh viên người Anh, đang chuẩn bị cho hành trình đi bộ và trượt tuyết thám hiểm Nam Cực với 640km trong vòng 22 ngày. Nếu thành công, Parker sẽ là chàng trai trẻ tuổi nhất trên thế giới thực hiện chuyến đi bộ tốc độ nhất tới nơi đây.
 
 Parker Liautaud sẽ bắt đầu chuyến thám hiểm vào ngày 3/12
 Parker Liautaud sẽ bắt đầu chuyến thám hiểm vào ngày 3/12

Ngày 3 tháng 12 năm nay, Parker cùng bạn đồng hành là nhà thám hiểm và môi trường học Doug Stoup, sẽ bắt đầu chuyến hành trinh Willis Resillience Expedition. Theo dự kiến, họ sẽ về đích vào ngày Lễ Giáng Sinh.

Chàng sinh viên 19 tuổi cho biết điều thôi thúc cậu thực hiện hành trình từ bờ biển châu Nam Cực đến Nam Cực chính là khát khao được khám phá thêm về tự nhiên để nâng cao hiểu biết của mình về biến đổi khí hậu, chứ không phải là để rèn luyện thể chất.

“Tôi phải nỗ lực để hiểu nhiều hơn về các vấn đề môi trường, tôi muốn mình phải hiểu chúng như một chuyên gia, chứ tôi không phải là một vận động viên có tài năng bẩm sinh”, Parker chia sẻ.
 
 Parker muốn khám phá Nam Cực để hiểu thêm về biến đổi khí hậu
 Parker muốn khám phá Nam Cực để hiểu thêm về biến đổi khí hậu

Dành thời gian cho rèn luyện thể lực hay chuẩn bị những thứ cần thiết cho chuyến đi cũng ảnh hưởng đến việc học của cậu tại trường Đại học Yale. Tuy nhiên, Parker sẽ cố gắng theo các môn học về địa chất và điạ vật lý cho đến sát ngày khởi hành.

Parker đã rất tích cực tập các bài thể dục cơ bắp, chạy trên quãng đường dài, kéo bánh xe ô tô để tăng khả năng chịu đựng và sức dẻo dai của cơ thể. Thậm chí, cậu còn ngủ một đêm tại cái lán nhỏ mà cậu dựng lên gần Cầu Tháp London để thử thách khả năng chịu lạnh của mình. Túp lều nhỏ phủ đầy tuyết phía trong giống như một Nam Cực thu nhỏ.
 
 Cái lán nhỏ phủ đầy tuyết nơi Parker đã từng ngủ qua đêm
 Cái lán nhỏ phủ đầy tuyết nơi Parker đã từng ngủ qua đêm

Trong chuyến đi, Parker và người bạn đồng hành Doug Stoup sẽ thu thập các mẫu tuyết để tìm hiểu về hợp chất đồng vị Oxy ở độ sâu khác nhau để hiểu rõ hơn về vòng tuần hoàn nước cũng như tác động của biến đổi khí hậu lên vùng đất Nam Cực.

Đặc biệt, họ sẽ lập một trạm quan trắc thời tiết di động trong rất gọn nhẹ để thu thập và truyền thông tin về khí tượng. Thiết bị này lần đầu tiên được thử nghiệm tại châu Nam Cực hy vọng sẽ giúp quan trắc các hiện tượng thời tiết hiệu quả với mức chi phí hợp lý hơn.

Đồng hành cùng Parker và Doug là một chiếc xe tải có nhiệm vụ vận chuyển một số đồ dùng cần thiết cho chuyến đi và quan trọng hơn cả là như một cầu nối về thông tin cho hành trình thám hiểm. Các thiết bị hiện đại trong chiếc xe sẽ giúp ghi lại những thước phim về chuyến đi của họ và khán giả trên khắp thế giới có thể theo dõi tường thuật trực tiếp về hoạt động của hai nhà thám hiểm mỗi ngày tại trang web http://www.willisresilience.com/.
 
 Chiếc xe tải sẽ đồng hành cùng Parker
 Chiếc xe tải sẽ đồng hành cùng Parker

Không những thế, Parker còn sẽ phải kéo một chiếc xe trượt băng nặng khoảng 82kg chất đầy vật dụng mang theo như thực phẩm, quần áo, dụng cụ để căng lều và một số thiết bị viễn thông. Mỗi ngày cậu phải đi khoảng 30km trong vòng 12 giờ và sẽ tiêu tốn chừng 6,000kalo.

Parker cũng thừa nhận rằng cậu cảm thấy khá lo về chuyến đi sắp tới, tuy nhiên, theo chàng sinh viên cách tốt nhất để giảm áp lực và lo lắng là nỗ lực tập luyện hết mình và chuẩn bị thật chu đáo.

“Thú thực rằng tôi cũng rất run, nhưng điều đó không phải là tệ. Tôi nghĩ quá tự tin không hẳn đã là tốt để thực hiện một hành trình nhiều thử thách tới một nơi như Nam Cực,” Parker bày tỏ.
 
 Parker sẽ phải kéo một chiếc xe trượt tuyết nặng 82kg
 Parker sẽ phải kéo một chiếc xe trượt tuyết nặng 82kg

Những thí nghiệm trong chuyến đi của Parker cũng sẽ giúp Tập đoàn Willis, một trong những nhà tài trợ chính cho chuyến đi, có thêm cơ sở khoa học để xây dựng những giải pháp và chiến lược về quản lý rủi ro giúp khách hàng của họ vượt qua tác động của biến đổi khí hậu.

Vào năm 2011, một người phụ nữ gốc Na Uy đã thành công trong hành trình thám hiểm từ bờ biển châu Nam Cực đến Nam Cực với chặng đường dài hơn của Parker trong vòng 24 ngày, 1 giờ 13 phút ở tốc độ trung bình mỗi ngày.
 
Parker, sinh viên năm thứ hai của trường Đại học Yale, đã tham gia nhiều buổi diễn thuyết về các vấn đề môi trường ở các sự kiện lớn. Cậu cũng đã tới Bắc Cực ba lần và thực hiện một số nghiên cứu khoa học cho Cơ quan Nguyên tử Quốc tế và Trường Đại học Alberta, Canada.
 

Nam Hằng
(Theo Telegraph & Willisresilience)