Câu cá ở biển Hòn Mun

Cái thú đi theo các thuyền câu trong vịnh Nha Trang là một cảm giác rong chơi...

Câu cá ở biển Hòn Mun


 

Vịnh Nha Trang với Khu vực Bảo tồn biển Hòn Mun ra đời năm 2001, sau đổi thành Khu bảo tồn vịnh Nha Trang, rộng160km2, trong đó 122km2 là diện tích mặt biển, 38km2 là tổng diện tích của các hòn đảo, chỉ cách cảng Cầu Đá chừng 20 phút chạy ca nô là vùng biển quy hoạch không được đánh bắt cá. Hệ sinh thái động, thực vật biển ở đây vô cùng phong phú. Theo thống kê, trên thế giới có khoảng 2.000 loài san hô và sinh vật biển thì ở Hòn Mun đã có tới 1.500 loài.

 

Việc bảo vệ các loài sinh vật biển ở khu bảo tồn biển rất nghiêm ngặt, việc khai thác du lịch lặn biển ở độ sâu 10m cũng không được đánh bắt, hủy diệt các loại san hô, sinh vật ở đây mà chỉ được ngắm nhìn, các tàu thuyền khi đến khu vực phải neo đậu theo hướng dẫn bằng các neo nỗi được lắp đặt.

 

Đối với các ngư dân sống quanh vùng biển này như Bãi Trũ, Hòn Một, Trí Nguyên thì việc đánh bắt bằng lưới tại đây hoàn toàn bị nghiêm cấm, nhưng câu cá thì được phép.

 

Cá vào trong vùng bảo tồn biển có nhiều loại, ở đây có dòng hải lưu ngầm đưa các loại cá như cá thu, cá chấm, cá mú, mực, ghe… đến tạm trú tại đây, mà ngư dân gọi là cá vãng lai. Còn đối với du khách, việc đi ra biển, tận mắt chứng kiến cách câu cá của ngư dân, rồi mua trực tiếp các loại hải sản về chế biến thì luôn có một cảm giác rất ngon.

 

Còn chúng tôi, đã thực hiện chuyến lang thang trên biển, tới vùng ngư dân câu cá vào một buổi sáng đẹp trời.

 

Buổi sáng của một ngày nắng, biển êm đến lạ. Chúng tôi gọi điện đến anh Tuấn, chủ nhà hàng Làng Chài, nằm trên đảo Trí Nguyên. Anh Tuấn điều một chiếc ca nô do em anh là anh Trí làm chủ cập cảng đón chúng tôi. Đích thân anh Tuấn theo chúng tôi cùng vượt sóng ra biển.

 

Vịnh Nha Trang vô cùng lộng lẫy trong buổi sáng, nước trong xanh và gió thổi nhẹ. Anh Trí cho chúng tôi biết là vào tháng 3 cho đến tháng 9, biển khá êm nên ca nô có thể lướt ra ngoài khu vực ngoài đảo Hòn Tre, bởi ở nơi này giống như cửa biển, có khi sóng rất to. Anh cho tàu chạy một vòng ngắm nhìn Hòn Tằm, rồi vượt ra xa, cho thấy những hang yến gần ở phía nam đảo Hòn Tằm hiện rõ.

 

Trong vùng, chúng tôi thấy rất nhiều thuyền gỗ của ngư dân đang câu. Họ dùng dây cước, nối vài chiếc cần câu rồi cho thuyền nổ máy chạy rê theo con sóng, chứ không đứng một chỗ. Một chiếc thuyền đang rẽ nước, chúng tôi hỏi thăm, thì là thuyền của anh Bảo. Chúng tôi bắc tay làm loa gọi: “Có gì bán không?”. Đó là câu hỏi của các thuyền du lịch hỏi thăm các thuyền đi câu, nhất là các thuyền tham quan bốn đảo lênh đênh trong vùng biển. Anh Bảo chỉ cho chúng tôi thấy khoảng gần 10 con ghẹ anh vừa câu được, anh bỏ vào trong vợt lưới, cột bên mạn thuyền, ngập trong nước: “Hôm nay ít ghẹ quá”. Khi biết chúng tôi đi thuyền anh Trí, anh bảo cứ đi dạo một vòng biển đi, rồi anh sẽ đem tới lồng cá trên biển ở Làng Chài rộng lại cho.

 

Câu cá trong vịnh Nha Trang là công việc kiếm sống đơn giản, trông vào may rủi của một số ngư dân. Ngày trung bình câu được vài con cá thu, cá mú, kiếm vài trăm ngàn tạm đủ sống. Nhưng có khi tốn công sức, tốn xăng chỉ câu được chừng một con cá, bán chừng trăm ngàn.

 

Nhưng cái thú đi theo các thuyền câu trong vịnh Nha Trang là một cảm giác rong chơi. Chúng tôi đã mua một con cá thu của một ngư dân đang rê câu trên biển với giá 100 ngàn. So với giá trên bờ thì cũng không gọi là rẻ, nhưng được cái là cá vừa câu rất tươi. Một thuyền câu khác quy mô hơn với nhiều loại câu có cả một thùng lớn rộng cá. Trong đó những con cá mú biển còn sống đang bơi.

 

Tất cả cá mua được chúng tôi đem về Làng Chài. Những món ăn chế biến từ lộc biển này rất ngon. Có lẽ bởi cái ngon được nhân lên bởi cảm giác chính mình lênh đênh trên biển để mua con cá ngon, cảm giác khác là ngồi ăn ở không gian muối mặn của biển.

 

Theo Khuê Việt Trường

Báo Du Lịch