Người lao động ở Hà Nội muốn có nhiều quyền, tại TP.HCM muốn tìm cảm hứng

Kết quả khảo sát trên 5.000 nhân viên tại TP.HCM và Hà Nội do Anphabe.com thực hiện từ ngày 30/10/2013 đến hết ngày 30/11/2013 về 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam đã đưa ra những góc nhìn thú vị sự khác biệt trong kỳ vọng về các tiêu chí của người đi làm giữa hai miền.

Cụ thể, trong 7 yếu tố nhân viên kỳ vọng vào sếp của mình thì hai tiêu chí có sự khác biệt rõ rệt giữa nhân viên miền Bắc (HN) và miền Nam (TP.HCM) là “Tầm nhìn gây cảm hứng và chiến lược rõ ràng”, TP.HCM cao hơn hẳn, trong khi yếu tố “Phát triển nhân tài và trao quyền” Hà Nội cao hơn.

Nguyên nhân của sự khác biệt này đã được các diễn giả đang là lãnh đạo doanh nghiệp của hai miền có mặt tại Tọa đàm “Phong cách lãnh đạo: Sếp Bắc - Sếp Nam” do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư phối hợp cùng thương hiệu Royal Salute tổ chức khi công bố giải thưởng “50 Nhà Lãnh Đạo Doanh Nghiệp – Mark of Respect” tại Hà Nội mới đây phân tích kỹ.

Người lao động ở Hà Nội muốn có nhiều quyền, tại TP.HCM muốn tìm cảm hứng

Theo họ, hai điểm khác biệt trên có thể xuất phát từ những tính cách của ông chủ doanh nghiệp đó. Bởi thường vai trò thủ lĩnh của người lãnh đạo có tốt hay không phản ánh qua cách người đó dẫn dắt doanh nghiệp của mình, đặc biệt là trong những giai đoạn khó khăn.

Ông Lê Bá Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP TTT, vai trò thủ lĩnh của lãnh đạo miền Bắc tốt hơn miền Nam. Cách giao tiếp thân tình, suồng sã của sếp miền Nam với nhân viên nhiều khi giết chết vai trò thủ lĩnh của người lãnh đạo. Vì vậy, bản thân ông luôn mong muốn có thể dung hòa giữa tính thủ lĩnh chính trị ở miền Bắc và tinh thần “Lương Sơn Bạc” ở miền Nam. Riêng về con đường trở thành thủ lĩnh của hai miền, ông Thông cho rằng, yếu tố kỳ vọng thăng tiến của nhân viên cả hai miền đều có mức quan tâm như nhau, chỉ khác thời gian nhanh hay chậm và cách họ quan tâm về cái đích của con đường thăng tiến đó.

Người lao động ở Hà Nội muốn có nhiều quyền, tại TP.HCM muốn tìm cảm hứng

“Thông thường với nhân viên phía Bắc con đường thăng tiến của họ hướng đến vị trí lãnh đạo cấp cao, trong khi phía Nam đích cuối cùng của con đường thăng tiến là muốn trở thành chuyên gia cao cấp. Bởi họ hiểu chuyên gia cao cấp được đánh giá cao không kém gì lãnh đạo cao cấp”, ông Thông nói và khẳng định, người miền Bắc tham vọng trở thành lãnh đạo mang tính tức thời hơn, họ hy vọng được công nhận ngay từ đầu dựa vào bằng cấp và các chức danh.

Đồng tình với vấn đề này, nhưng ông Hoàng Trung Kiên, Phó TGĐ FPT Telecom - một doanh nhân gốc Bắc cho rằng nhân viên khi vào doanh nghiệp mình mà có sự ham muốn thăng tiến đến vị trí cao là đáng quý. “Mất nhiều công sức để nhân viên nói ra điều đó, sếp nên khuyến khích. Về lương thưởng cần suy nghĩ kỹ hơn. Nếu vị trí kinh doanh thì nhân viên phải ham muốn thăng tiến, kiếm tiền. Còn có nhân viên phải chứng minh họ trong thành quả thì cần tìm và bồi dưỡng cho vị trí lãnh đạo”, ông Kiên nói.

Trong khi đó, ông Huỳnh Dư An, Phó TGĐ Công ty Vinhomes (thuộc VinGroup), cho rằng khảo sát của Anphabe nên đi sâu hơn. Bởi lẽ, quan điểm việc thăng tiến của nhân viên hai miền khác nhau. Nam thăng tiến liên quan đến tiền và chức còn Bắc thì thăng tiến chức vụ cần bằng khen ghi nhận quan trọng hơn.

Người lao động ở Hà Nội muốn có nhiều quyền, tại TP.HCM muốn tìm cảm hứng
Đồng tình về sự khác biệt hai yếu tố trên nhưng theo ông Steve Monk, Giám đốc marketing Công ty Pernod Ricard Việt Nam đại diện đơn vị đồng hành Royal Salute, thì trong bối cảnh hiện nay, nhân viên cần ở những lãnh đạo có khả năng truyền cảm hứng, khiến cho mọi người muốn đi theo họ. “Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá rất cao những nhà lãnh đạo luôn có tinh thần vươn lên khẳng định vị thế cá nhân và doanh nghiệp trong bối cảnh này. Do đó, việc các nhân viên cần dung hòa hai sự kỳ vọng này sao cho phù hợp và thích ứng từng bối cảnh phát triển kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng.” - ông Steve Monk chia sẻ.
 
PV