“Thời bình mà hoạt động như Vũ “nhôm” là làm tình báo hay làm gì?”

(Dân trí) - “Những người lãnh đạo trực tiếp của Vũ “nhôm”, Út “trọc” là ai mà để xảy ra sai phạm như vậy? Thời bình mà không biết họ làm vậy để hoạt động tình báo hay làm gì? Cơ chế để chống những bình phong cho các hành vi lợi dụng thế này cần đánh giá sao?” – đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa băn khoăn.

Tham gia ý kiến thảo luận tại phiên họp toàn thể của UB Tư pháp để thẩm tra báo cáo công tác của các cơ quan tư pháp Trung ương trong năm 2018, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) trích lại nội dung báo cáo của Chính phủ về vấn đề sai phạm phát hiện trong một số cơ quan phòng chống tội phạm như vụ đường dây đánh bạc có liên quan đến các lãnh đạo tại Tổng Cục cảnh sát - Bộ Công an, sai phạm tại các cơ quan quản lý nhà nước trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua…

Theo ông Chiến, tội phạm xảy ra là khách quan và việc xác định các loại tội phạm vừa qua được làm rất tốt nhưng trong các vụ án này rõ ràng có trách nhiệm của các cơ quan hữu quan. Việc xử lý các tội phạm này cần đánh giá được nguyên nhân để có biện pháp khắc phục, chỉ ra được gốc rễ từ đâu để phòng ngừa, xử lý.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga ghi nhận, việc phá nhiều vụ án lớn vừa qua, tiêu biểu như vụ đường dây đánh bạc có liên quan đến các quan chức tại C50 – Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) cho thấy sự đấu tranh kiên quyết để đưa các hành vi phạm pháp ra ánh sáng, cho thấy rõ cuộc đấu tranh chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Tuy nhiên, bà Nga cũng yêu cầu có đánh giá, định lượng cụ thể hơn về vấn đề ngay trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng và tội phạm cũng xảy ra ngay trong nội bộ các cơ quan có chức năng phòng chống tội phạm vì vấn đề này có tác động tới niềm tin của người dân.

Vũ “nhôm” bao thầu Đà Nẵng từ… chục năm trước!

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa phân tích những đặc điểm của tội phạm bộc lộ thời gian qua
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa phân tích những đặc điểm của tội phạm bộc lộ thời gian qua

Cùng quan điểm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nhận xét, hiện các cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực này có hiện tượng đi chậm, đi sau tội phạm. Nhiều hành vi phạm tội công khai, kéo dài, quy mô lớn, như hiện tượng cát tặc hoành hành, không phải là ăn cắp trong một đêm là xong mà kéo dài ròng rã hàng chục năm, những vụ án liên ngân hàng cũng diễn ra liên tục 5 -7 năm, những dự án có vấn đề đắp chiếu, trùm mền cũng tồn tại cả chục năm có lẻ… Trong khi, chức năng của nhà nước “không phải là chờ án giết người xảy ra rồi đi bắt tội phạm” mà mục tiêu cao nhất phải là phòng ngừa để hành vi phạm tội không xảy ra.

“Những nhân vật như Vũ “nhôm” hay Út “trọc” hoạt động lũng đoạn đã hàng chục năm, dư luận đã đồn đại rất nhiều rồi. Nhiều nhà đầu tư thậm chí còn phản ánh, đến Đà Nẵng không làm gì được vì có “ông đó” bao thầu, chi phối hết rồi mà các cơ quan kiểm soát của nhà nước không làm gì được” – ông Nghĩa dẫn chứng cụ thể.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề, việc kiểm soát những hoạt động khi lực lượng vũ trang tham gia làm kinh tế như trong vụ Vũ “nhôm”, Út “trọc”… là thế nào đây? Ông Nghĩa phân tích, Vũ “nhôm”, Út “trọc” là những Thượng tá, Đại tá, nếu chưa bị phát giác, không chừng ít năm sau tiếp tục lên tá, lên tướng, thăng tiến khó hãm.

“Vậy những người lãnh đạo trực tiếp của những người này là ai mà để xảy ra như vậy. Cơ chế để chống những bình phong cho các hành vi lợi dụng thế này cần đánh giá sao? Việc làm kinh tế của lực lượng vũ trang như vậy thì mục đích chính là để làm giàu hay là để phục vụ người dân? Thời bình rồi mà không biết họ làm như thế là để làm tình báo hay làm gì vậy? Những câu hỏi này khiến người dân không lý giải được, hết sức băn khoăn” – ông Nghĩa nêu một loạt câu hỏi.

Thêm một lần lên tiếng, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga bình luận: “Cán bộ lấy vỏ bọc kinh tế để hoạt động nghiệp vụ hay ngược lại, lấy hoạt động nghiệp vụ làm vỏ bọc để hoạt động kinh tế - phiên trả lời chất vấn vừa qua, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã nêu rõ, đây là những bài học rất đau xót của ngành”.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đề cập hạn chế khác trong công tác tư pháp là khả năng hội nhập, hợp tác quốc tế. Ông phân tích, có nhiều trường hợp người phạm tội vừa thực hiện hành vi vừa chuẩn bị cho đường lui từ nhiều năm trước, từ việc mua nhà cửa ở nước ngoài, tích luỹ tài sản, đưa con cái đi thoát ly, lo giấy tờ để thoát ra ngoài, hưởng cuộc sống nhởn nhơ. Điều này gây nên những bất công rất lớn trong khi các cơ quan bảo vệ pháp luật lại rất vướng về quyền hạn, hoạt động khi truy tìm tội phạm, dấu vết của hoạt động tội phạm ở nước ngoài.

Ông Nghĩa cảnh báo: “Tại sao những khoản tiền, tài sản lớn như vậy lại chuyển đi được. Không cẩn thận thì hiện tượng di tản hợp pháp sẽ còn rộ lên, người ta cứ âm thầm chuẩn bị cho con cái, gia đình thoát đi, ảnh hưởng lớn đến đầu tư nước ngoài cũng như niềm tin của người dân trong nước”.

P.Thảo