TPHCM:
Số vụ phạm pháp hình sự hàng năm được kéo giảm
(Dân trí) - Ngày 14/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban phòng, chống tội phạm của Chính phủ đã đến tham dự lễ tổng kết 10 năm “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” (19/8/2005 – 19/8/2015) do UBND TPHCM tổ chức.
Trong công tác bảo vệ an ninh trật tự, đảm bảo an toàn xã hội, người dân đã cung cấp hơn 600.000 nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng công an xác minh làm rõ gần 65.000 vụ việc; bắt giữ và xử lý hơn 100.000 đối tượng; thu hồi tài sản có giá trị hơn 220 tỷ đồng. Qua vận động, tuyên truyền, nhân dân đã giao nộp 2.675 súng các loại; 19.500 dao lê, mã tấu, hung khí tự chế; đồng thời vận động 2.724 đối tượng có lệnh truy nã ra đầu thú.
Trong 10 năm qua, số vụ phạm pháp hình sự được kéo giảm, tỷ lệ phá án được nâng lên. Cụ thể, từ năm 2005 – 2009, trên địa bàn thành phố xảy ra 33.892 vụ phạm pháp hình sự (giảm 10,7% so với 5 năm trước đó), tỷ lệ phá án đạt gần 58%. Trong giai đoạn từ 2010 – 2014, xảy ra 29.239 vụ phạm pháp hình sự (giảm gần 14% so với 5 năm trước đó), trong khi đó lực lượng công an đã điều tra, khám phá 19.178 vụ, đạt 65,6%...
Nhiều mô hình bảo vệ an ninh trật tự trong nhân dân đã mang lại hiệu quả tích cực như: “Nhà trọ tự quản”. “Tổ xe ôm tự quản”, “5+1”, “Dân phòng tự quản”, “Nhóm hộ tự quản”, “Tổ thanh niên xung kích phòng chống tội phạm”,… Đặc biệt là mô hình “Camera quan sát an ninh trật tự” xuất phát từ quận Gò Vấp được triển khai, nhân rộng ra nhiều quận, huyện và các khu dân cư đạt hiệu quả cao.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn thành phố được triển khai đồng bộ, toàn diện với nhiều nội dung, biện pháp đấu tranh, phòng chống tội phạm và thu được nhiều kết quả khả quan. Qua đó, đóng góp một phần không nhỏ vào điều tra, khám phá, kéo giảm số vụ phạm pháp hình sự, chuyển hóa địa bàn phức tạp trên địa bàn thành phố.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TPHCM, trên cơ sở những kinh nghiệm trong tổ chức xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, cần tiếp tục đổi mới về hình thức, biện pháp, nội dung xây dựng phong trào trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu, hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của từng địa bàn cơ sở.
Theo đó, việc tổ chức phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cần tiến hành theo hướng xã hội hóa; chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng các hình thức tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải từ gia đình đến cộng đồng dân cư, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà trường.
Đồng thời, cần xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, có hiệu quả. “Bài học kinh nghiệm trong nhân rộng điển hình tiên tiến là con đường ngắn nhất để thúc đẩy phong trào lên tầm cao mới, là nguồn để phát triển lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở” – Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị TPHCM lồng ghép phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với các cuộc vận động: xóa đói giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn hóa mới và cần coi biện pháp vận động quần chúng là một biện pháp cơ bản, chiến lược làm nền tảng giữ vững ổn định an ninh trật tự tại địa phương.
Quốc Anh