Phó Thủ tướng: Bộ trưởng chịu trách nhiệm trực tiếp với các nhiệm vụ

(Dân trí) - Khái quát về dự thảo Nghị quyết 01 năm 2018 về việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chính phủ. Theo đó, các Bộ trưởng, Tư lệnh ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, thành trực tiếp chịu trách nhiệm về các nhiệm vụ được giao.


Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giới thiệu dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2018. (Ảnh VGP)

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giới thiệu dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2018. (Ảnh VGP)

Xử lý nghiêm nhiều cán bộ vi phạm kỷ luật

Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương khai mạc sáng 28/12, báo cáo khái quát về tình hình kinh tế xã hội năm 2017, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình nêu rõ, về kinh tế, Chính phủ đã chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.

Giá tiêu dùng bình quân tăng 3,53%, lạm phát cơ bản tăng 1,41%. Tăng trưởng GDP đạt 6,81%; các ngành, lĩnh vực chủ yếu đều chuyển biến tích cực. Khu vực nông nghiệp ước tăng 2,9%, trong đó ngành thủy sản tăng 5,54%. Khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 8%, riêng ngành chế biến, chế tạo tăng 14,4%. Khu vực dịch vụ tăng 7,44%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,9%; khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,9 triệu lượt, tăng 29,1%.

Những con số mới nhất cũng được cập nhật như việc thoái vốn nhà nước tại Sabeco, Vinamilk, bảo đảm công khai minh bạch, chống thất thoát, lợi ích nhóm, thu về gần 120 nghìn tỷ đồng. Quyết liệt xử lý 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ, thất thoát và đạt được kết quả bước đầu.

Về văn hoá, xã hội, Chính phủ chú trọng nhiệm vụ tạo việc làm, có thêm 1,63 triệu người được tạo việc làm mới. An sinh xã hội được bảo đảm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn khoảng 6,9%. Số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 13,5 triệu, bảo hiểm thất nghiệp đạt 11,4 triệu.

Về tài nguyên, môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, Chính phủ thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Tập trung xử lý việc khai thác đá, cát sỏi trái phép. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được tăng cường. Kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường, dừng chủ trương đầu tư đối với nhiều dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao, kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc vi phạm…

Về cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, bộ máy hành chính đã cắt giảm, đơn giản hoá được hơn 5.000 thủ tục hành chính, chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; khắc phục một bước tình trạng thiếu kỷ luật kỷ cương, nói không đi đôi với làm.

Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, đẩy mạnh tinh giản biên chế; giảm 3% biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước. Xử lý nhiều sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức trên tinh thần kiên quyết, khách quan, công khai minh bạch. Thực hiện nghiêm kỷ luật hành chính, cấm uống bia, rượu trong giờ làm việc, buổi trưa; cấm biếu quà lãnh đạo trong dịp Lễ, Tết; cấm sử dụng xe công vào việc riêng, đi lễ hội; chấn chỉnh việc cấp biển số xanh cho ô tô doanh nghiệp và nhận ô tô do doanh nghiệp biếu tặng.

Công tác kiểm tra, kỷ luật của các cấp ủy đảng, chính quyền được triển khai quyết liệt, xử lý nghiêm nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm, góp phần chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương. Đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc tham nhũng, đưa ra xét xử công khai các vụ án lớn, dư luận quan tâm. Công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được các cấp, các ngành chú trọng; đã giải quyết khoảng 84% số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.

Đề cập về những hạn chế, yếu kém cần khắc phục, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ dành phần dung lượng đáng kể phân tích tình trạng kỷ luật, kỷ cương nhiều nơi chưa nghiêm; tổ chức bộ máy còn cồng kềnh.

“Còn những yếu kém trong công tác cán bộ; phát hiện nhiều vi phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm. Tinh thần, thái độ phục vụ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế. Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn xảy ra ở nhiều nơi” – Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Chấn chỉnh bất cập trong dự án BOT

Trình bày dự thảo Nghị quyết 01 năm 2018 của chính phủ sau đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhắc lại phương châm hành động thể hiện trong 10 chữ mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập trong phần phát biểu khai mạc hội nghị. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, trọng tâm chỉ đạo điều hành là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Chú trọng các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội; thực hành dân chủ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

Theo đó, dự thảo Nghị quyết 01 đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với 59 giải pháp cụ thể như tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Siết chặt kỷ luật tài chính - NSNN ở tất cả các ngành, các cấp. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả tài sản công, nợ công. Đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm; chấn chỉnh những bất cập trong các dự án BOT. Tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng yếu (cao tốc Bắc - Nam, Cảng hàng không Long Thành…).

Giải pháp cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Giải pháp để bảo đảm an sinh xã hội, phát triển văn hoá xã hội, ngăn chặn suy thoái đạo đức, lối sống; phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, phụ nữ. Thực hiện hiệu quả các Nghị quyết Trung ương về công tác y tế, dân số trong tình hình mới; đổi mới hoạt động y tế cơ sở; chấn chỉnh công tác quản lý dược; chống lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm.

Rà soát quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Tăng cường xã hội hóa giáo dục, khuyến khích thành lập mới các trường tư thục chất lượng cao. Giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính, siết chặt lỷ luật, kỷ cương hành chính, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, tăng cường thanh kiểm tra công vụ; yêu cầu các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống tham nhũng, lãng phí; kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm, công khai các vi phạm…

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh thông điệp với các Bộ trưởng, Tư lệnh ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, thành trực tiếp chịu trách nhiệm chỉ đạo quán triệt, nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn được giao.

P.Thảo