Quảng Ngãi:

Con trai Thủ tướng Phạm Văn Đồng xúc động trong ngày sinh của cha

(Dân trí) - Thiếu tướng Phạm Sơn Dương - con trai Thủ tướng Phạm Văn Đồng chia sẻ: “Đức tính chân thực, tận tụy, bình dị và hết mực yêu thương nhân dân của cha tôi đã luôn thôi thúc và ảnh hưởng lớn đến nhân cách của tôi. Dù thực hiện bất cứ nhiệm vụ nào tôi cũng nỗ lực hoàn thành tốt”.

Sáng ngày 1/3, tại Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng (xã Đức Tân, huyện Mộ Đức), UBND tỉnh Quảng Ngãi long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1/3/1906 - 1/3/2016).

Tham dự buổi lễ kỷ niệm có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; các đồng chí lãnh đạo các Bộ, Ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cùng các địa phương trên cả nước; 2 Mẹ Việt Nam anh hùng (Nguyễn Thị Cảnh và Nguyễn Thị Bính); đại diện nước bạn Lào; nhân dân địa phương, khách mời trong và ngoài nước.


Thủ tướng Phạm Văn Đồng (trái) cùng đại tướng Võ Nguyên Giáp (phải) - hai học trò xuất sắc và gần gũi của Bác Hồ. (Ảnh tư liệu).

Thủ tướng Phạm Văn Đồng (trái) cùng đại tướng Võ Nguyên Giáp (phải) - hai học trò xuất sắc và gần gũi của Bác Hồ. (Ảnh tư liệu).

Sinh ra tại vùng quê nghèo thuộc xã Đức Tân (huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi), Phạm Văn Đồng (1/3/1906) sớm giác ngộ cách mạng. Trong thời gian học ở Trường Quốc học Huế, Phạm Văn Đồng có dịp tiếp xúc với báo chí cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chuyển về và truyền bá ở Việt Nam. Những năm 1925- 1926, khi đang học tại Trường Bưởi (Hà Nội), ông tham gia phong trào học sinh đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Chu Trinh... nên bị thực dân Pháp đuổi học. Sau đó, ông đi Quảng Châu (Trung Quốc) dự lớp huấn luyện do Nguyễn Ái Quốc tổ chức và được kết nạp vào Việt Nam Thanh Niên cách mạng đồng chí hội.

Cuối năm 1927, Phạm Văn Đồng về nước, tham gia hoạt động cách mạng ở Nam Kỳ, có những đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng và tổ chức cách mạng ở Sài Gòn- Chợ Lớn. Đến tháng 7/1929, Phạm Văn Đồng bị thực dân Pháp bắt, kết án 10 năm tù, đày đi Côn Đảo. Sau khi được trả tự do, năm 1936, Phạm Văn Đồng ra Hà Nội tham gia hoạt động công khai.

Tháng 5/1940, Phạm Văn Đồng được Trung ương Đảng cử sang hoạt động ở Côn Minh (Trung Quốc) và liên lạc được với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tại đây, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi tham gia hoạt động cách mạng ở Liễu Châu, Tĩnh Tây (Trung Quốc). Năm 1942, khi trở về Cao Bằng hoạt động, ông có nhiều đóng góp cho quá trình vận động, tổ chức Mặt trận Việt Minh; phụ trách Báo Việt Nam độc lập, tham gia xây dựng căn cứ địa Việt Bắc, chuẩn bị lực lượng và các điều kiện tiến tới Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi vẻ vang trong Cách mạng Tháng Tám- 1945. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông trở thành Bộ trưởng Bộ Tài chính trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Trước ngày kháng chiến toàn quốc (1946) đến tháng 1/1949, Phạm Văn Đồng là đặc phái viên của Trung ương Đảng và Chính phủ tại miền Nam Trung Bộ; được bầu bổ sung Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng (1947); đã có những sáng tạo và cống hiến trong việc tổ chức, xây dựng vùng tự do Quảng Nam - Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên; củng cố căn cứ địa phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Đầu năm 1949, ông được điều về chiến khu Việt Bắc; được bầu bổ sung làm Ủy viên chính thức BCH Trung ương Đảng; sau đó làm Phó Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ II (2/1951) của Đảng, ông được bầu vào BCH Trung ương Đảng và được BCH Trung ương Đảng bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị và đảm nhận trọng trách này liên tục từ năm 1951-1986. Liên tục 32 năm (1955-1987) đảm nhận trọng trách Thủ tướng Chính phủ. Ông còn kiêm nhiệm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Đảng trong các năm 1954-1955.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng còn là Trưởng đoàn Việt Nam tham dự nhiều hội nghị quốc tế quan trọng gồm: Hội nghị Phong-ten-nơ-blô (1946); Giơ-ne-vơ (1954), Băng- Đung (1955),... Từ năm 1986 - 1997, ông được cử làm Cố vấn BCH Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội liên tục từ khoá I (1946- 1960) đến khoá VII (1981- 1987).

Thủ tướng Phạm Văn Đồng qua đời tại Hà Nội ngày 29/4/2000.

Xúc động tại lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ: “Tấm gương nhân cách của đồng chí Phạm Văn Đồng, hết lòng tận tụy vì dân và vì nước. Nhân kỷ niệm ngày hôm nay, toàn Đảng và toàn dân nguyện đoàn kết một lòng phấn đấu, xây dựng, phát triển, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Phạm Văn Đồng hằng mong muốn. Tôi chúc Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi nói chung, huyện Mộ Đức nói riêng từng bước phát triển kinh tế, xã hội để xứng danh là quê hương Thủ tướng Phạm Văn Đồng đáng kính”.

Đại diện gia đình, Thiếu tướng Phạm Sơn Dương - con trai của Thủ tướng Phạm Văn Đồng chia sẻ: “Đức tính chân thực, tận tụy, bình dị và hết mực yêu thương nhân dân của cha tôi đã luôn thôi thúc và ảnh hưởng lớn đến nhân cách của tôi. Dù thực hiện bất cứ nhiệm vụ nào tôi cũng nỗ lực hoàn thành tốt. Trở về quê hương hôm nay, tôi vô cùng xúc động khi được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm, tổ chức buổi lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ba tôi rất trang nghiêm”.

Các tổ chức và cá nhân tặng kỷ vật liên quan đến Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Các tổ chức và cá nhân tặng kỷ vật liên quan đến Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Nhân dịp lễ kỷ niệm, nhiều tổ chức và cá nhân dâng tặng các hiện vật từng gắn liền với Thủ tướng Phạm Văn Đồng như hũ gạo ông dùng đựng gạo năm 1946 khi đi công tác; chiếc đài Thủ tướng tặng Anh hùng Lao động Hồ Giáo; chiếc đồng hồ do Liên Xô tặng; mô hình tháp của nước bạn Lào tặng;...

Con trai Thủ tướng Phạm Văn Đồng xúc động trong ngày sinh của cha - 3


Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trồng cây lưu niệm tại Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trồng cây lưu niệm tại Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Ngay sau khi kết thúc lễ kỷ niệm, lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng tham gia trồng cây lưu niệm trong khuôn viên Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở xã Đức Tân (huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi). Bên cạnh đó, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam trao tặng 25 xe đạp và 100 suất quà đến học sinh nghèo xã Đức Tân (huyện Mộ Đức).

Hồng Long