Tranh luận về “Xin Chào”

Theo bạn, nên dùng “Xin chào” hay “Hêlô” khi gặp du khách nước ngoài? Bài viết dưới đây hoàn toàn chỉ là ý kiến, cách quan sát riêng của Joe về việc này, xin giới thiệu cùng bạn đọc thứ 6 tuần này.

Cách đây mấy tháng tôi có viết bài về từ “Xin Chào”. Theo tôi, người bán hàng ở Việt Nam không nên chào khách Tây bằng từ “Hello”, từ Xin Chào hay hơn nhiều. Tôi gửi bài tới tạp chí, tự post một số nơi. Nhiều người nhảy vào nhận xét. Vì là một đề tài hấp dẫn nên tôi muốn mở rộng cuộc tranh luận, nhờ các bạn góp ý, xem quan điểm của số đông ra sao.

 

Trước hết, tôi trích đăng lại bài Xin Chào của tôi.

 
Tôi có cơ hội đi nhiều nước ở Châu Á. Ở Nhật, khi tôi bước vào cửa hàng thì người ta cúi đầu và nói “Konichiwa”, nghe rất hay, cách lịch sự chỉ có ở Nhật. Ở Lào, người ta chào khách bằng “Sabai-dee”, dù khách là người Lào 90 tuổi hay người Tây vừa sang hôm qua. Ở Thái, nơi trình độ tiếng Anh rất cao, người ta chắp hai tay và nói “Sawatdee-Kaa” (hoặc Sawatdee-Krap nếu người nói là người nam). Ở Hàn Quốc là “Ahn-Nyeong Hah-Seh-Yo”, ở Campuchia là “Choum-reap-sua”, ở Mông Cổ là “Sain-baina-uu”.
 
Vậy tại sao ở Việt Nam cứ gặp khách Tây là “Hêlô! Hêlô!”, như các anh chị bán hàng đang tham gia chương trình trao giải đặc biệt của Đại sứ quán Anh tài trợ?
 
Xin chào là một từ đẹp, nghe thanh lịch và tình cảm - kể cả không hiểu nghe vẫn thấy hay.
 
Tôi hỏi nhiều người phục vụ, bán hàng tại sao không chào khách nước ngoài bằng từ “Xin chào”. Họ trả lời rằng họ muốn làm hài lòng khách tối đa; chào bằng tiếng Tây sẽ khiến cho người Tây thấy vui. Rất tiếc không phải vậy.
 
Khách nước ngoài nghe từ “Xin chào” sẽ thấy sướng tai (nó lạ, nó hay). Khách nước ngoài nghe từ Hêlô có lẽ không sướng tai bằng. Theo tôi, một người bán hàng chào khách Tây bằng “Hêlô” là chấp nhận theo văn hóa của khách (mà có theo được đâu), còn chào bằng “Xin chào” là lịch sự mời khách theo văn hóa của nơi mà khách đang đến thăm.
 
Thử tưởng tượng nhé, một anh Việt Nam mua sắm ở nước ngoài. Anh đi đâu cũng được chào bằng “Xin Cháo, Xin Cháo” (phát âm Tây hóa cũng như cách phát âm từ Helô ở Việt Nam có sự độc đáo của nó). Lúc đầu anh ấy cảm thấy vui, nhưng nghe 10.000 lần “xin cháo” niềm vui ấy biến mất; “Hello”, nói với giọng uyển chuyển và nhẹ nhàng của người Anh, nghe hay hơn nhiều!
 
Đi nơi mới thích tiếp cận cái mới, vậy tại sao các anh chị bán hàng vẫn cứ nghĩ khách nước ngoài sẽ thích nghe từ “Hêlô”?
 
Thêm vào đó, “Hello” là tiếng Anh. Người Pháp sẽ không thích “bị chào” bằng tiếng Anh đâu. Tất cả người Pháp đều biết từ Hello, nhưng sang Paris ăn sáng không người làm bánh nào sẽ chào tôi bằng “Hello” cả, đó là cái chắc. Người Đức, Người Nga, Người Tây Ban Nha - số lượng người “dị ứng” tiếng Anh vẫn còn cao; họ công nhận tiếng Anh là tiếng quốc tế nhưng sự công nhận ấy mang tính miễn cưỡng. Vậy nói Hello với khách Tây biết đâu cửa chưa kịp đóng là đã mất tình cảm.
 
Tiếng Việt là sự lựa chọn an toàn nhất.
 
Tranh luận về “Xin Chào” - 1


 
Là chuyện nhỏ nhưng không nhỏ. Tôi đã dẫn nhiều người Canada du lịch ở Hà Nội và Sài Gòn; ai cũng nhắc chuyện này. “Tại sao người Việt không có cách chào truyền thống”, họ hỏi. “Nhật có, Hàn quốc có…”
 
“Họ có cách chào rất hay”, tôi trả lời. “Chỉ có điều là họ hơi ngại nói.”
 
Người Việt Nam nói chung khá khiêm tốn, quý khách, dễ hòa nhập, nhưng hòa nhập đến mức thay cách chào của Ta bằng cách của Tây ,“hé lộ” một điều…khó nói! Cách chào là một trong những điều thiêng liêng nhất của một ngôn ngữ, là điểm khởi đầu và khép lại một cuộc trò chuyện. Nói cách khác, “Xin chào” là một món quà rất có giá trị, không tặng người ta thì …phí quá!

 

Viết xong tôi tự tin rằng quan điểm của tôi là đúng. Tôi là người Tây mà, tôi quá hiểu cảm giác của người Tây sống ở Việt Nam! Nhưng có một điều tôi chưa tính đến.

 

“Người Việt Nam thường không hay nói 'xin chào' theo nghĩa của ngôn ngữ khác như 'Hello', 'Koinchiwa'”, một bạn tên Kim Chi nhận xét trên mạng. “Người Việt sẽ chào cụ thể hơn 'Chào Anh, Chị, v.v…Nếu nói 'xin chào' không trong tiếng Việt, phải là ngang hàng, nếu không sẽ là thất lễ”.

 

“Jo nhầm rồi”, một bạn tên Trà My nói thẳng hơn. “Thực tế người Việt Nam thường ‘không chào’ nhau. Nếu bạn bè gặp nhau: mỉm cười là đủ hoặc là ‘khỏe không?”

 

Dương Xuân Nghị, một tay Piano kiêm blogger hiện đang ở thành phố quê tôi, nói rõ hơn về sự “ác cảm” do từ Xin chào mang lại trong mắt (và tai) của người trẻ.

 

“’Xin chào’ có trong từ điển tiếng Việt hẳn hoi, có trong hầu hết tất cả phần dịch của các sách ngoại ngữ giao tiếp, nhưng đây lại là một từ gần như tuyệt chủng trong giao tiếp hằng ngày. Chỗ duy nhất mà tôi biết nơi “Xin chào” được chính thức hóa là nhà hàng gà rán Kentucky (KFC). Và thú thật, tôi có ác cảm với nó ngay từ lần đầu nó được áp dụng hồi tôi còn học cấp Hai.

 

Như thường lệ, ta bắt đầu bằng tiếng Anh. Trong Anh ngữ, từ chào thông dụng nhất mà tầng lớp nào cũng có thể dùng là “Hi.” “Hi” vừa ngắn gọn, vừa vui tươi, và đặc biệt là ta có thể nói “Hi” kèm theo một nụ cười khoe răng.

 

Còn trong tiếng Việt: “Xin chàooo!” Thú thật tôi không hiểu vì sao KFC lại đề ra quy định này cho nhân viên. Từ “Xin chào” nghe rất buồn và rất thiếu tự nhiên. Buồn là vì nó là từ cấu tạo bởi thanh ngang nối tiếp bằng một thanh huyền. Thiếu tự nhiên là vì ngoài đời không ai dùng từ này để chào hỏi cả. Từ “Xin chào” gần như là từ lý thuyết/từ dịch, chỉ xuất hiện trong sách vở. Thay vì “Xin chào”, tại sao KFC không hân viên nói “Chào anh”, “Chào chị”, “Chào em”? Hoặc đơn giản hơn, với phong cách hiện đại, chủ đề thức ăn nhanh và trẻ trung của KFC, nói “Hi” là gọn lẹ và hợp nhất với tiêu chí của nhà hàng.”

 

Chuyện bạn Nghị là người Việt Nam viết bài ở Vancouver để bảo vệ từ “Hi”, còn tôi là người Vancouver viết bài ở Việt Nam để bảo vệ từ “Xin chào” chứng tỏ rằng Thái Bình Dương ngày càng nhỏ đi. Nhưng đó là chủ đề khác - quay lại vấn đề chính.

 

Người Việt Nam nên chào khách Tây bằng cách nào? Tôi nghĩ “Hello” không được vì những lý do nêu trên. Giờ tôi nghĩ “Xin chào” cũng không được vì cách chào khách Tây phải giống cách chào khách Việt mới ổn, mới hết sự phân biệt ngầm (dù thân thiện hay không) hiện dang xảy ra. Nếu phải lựa chọn giữa “Hello” và “Xin chào” đương nhiên “Xin chào” là lựa chọn tốt hơn, nhưng cả hai từ đều…thiếu thiếu.

 

Người Việt Nam chào khách Tây bằng “Chào Anh, Chào Chị….” có phải đòi nhiều quá không? Ở Thái Lan cách chào truyền thống phụ thuộc giới tính (của người nói) nhưng người Thái vẫn sử dụng thoải mái với khách Tây, không lộ quốc tịch của khách hàng qua nội dung của lời chào. ‘Không chào’ là lựa chọn buồn nhất (ít nhất phải có hành động!). Hay sau này người Việt Nam sẽ chào nhau bằng “Hi” hết, người bán hàng dùng “Hi” với khách Tây là phải rồi, hết cuộc tranh luận.

 

Các bạn nghĩ sao?

 

Joe