Không thể để tiền cứu trợ “lạc lối, lầm đường”

(Dân trí) - Việc triển khai số kinh phí lớn, đối tượng nhiều và đa dạng, quá trình triển khai khó tránh được sai sót dù nhỏ nhất.

Không thể để tiền cứu trợ “lạc lối, lầm đường” - 1

“Nhưng không vì thế mà để những đồng tiền của người dân đi "lạc đường" như câu chuyện những đàn gà, con dê giống, căn nhà tình nghĩa đã xảy ra ở một số nơi, dù rằng đó là rất cá biệt. Đừng để những con Covid xấu ăn chặn của người dân…”.

Đây là phát biểu rất đáng chú ý của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trong vấn đề triển khai hỗ trợ những đối tượng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19.

Trước đó, hôm 9/4, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết về các biện pháp và gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Gói hỗ trợ với hơn 62.000 tỷ đồng, khoảng 20 triệu đối tượng thuộc 7 nhóm đối tượng thụ hưởng.

Việc hỗ trợ bộ phận người yếu thế, dễ tổn thương trong xã hội giữa bão dịch Covid-19 là một chính sách cần thiết và giàu tính nhân văn. Chính sách này đảm bảo được sự ổn định về mặt xã hội, cũng là tạo điều kiện để Việt Nam có thể chống chọi được trong kịch bản dịch bệnh kéo dài.

Có thể nói, đại dịch lớn nhất 100 năm này đang đặt thế giới trước một tình trạng chưa từng có tiền lệ. Không chỉ Việt Nam mà các nền kinh tế lớn, các đối tác lớn cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Sự đình trệ đang hiện diện khắp nơi. Kéo theo đó là tình hình thất nghiệp, giảm lương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều ngày 31/3 vừa qua đã không khỏi nóng lòng cho biết, trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, vấn đề an sinh xã hội vô cùng cấp thiết, nhất là đối với người dân nghèo, người thất nghiệp, nếu không chủ động giải quyết vấn đề này thì khó khăn cho đất nước.

Nhấn mạnh về sự “cấp bách” ở đây, Thủ tướng nói: “Qua mấy tháng vừa rồi, nhiều người khổ lắm, nhất là thất nghiệp, không có việc làm, nhiều gia đình rất khó khăn. Chúng ta thấu hiểu được vấn đề này của người dân, của người công nhân, viên chức…”.

Có thể nói, việc đưa ra chính sách hỗ trợ nhằm mục tiêu an sinh xã hội là vô cùng cần thiết. Song song với đó, như Bộ trưởng Đào Ngọc Dung có nói, không được để dòng tiền lạc đường hay xảy ra tình trạng “ăn chặn”.

Với một suất ăn với ít cơm, ít thịt mà đã có những người khá giả vẫn “mặt trơ” đến nhận thì những suất hỗ trợ quy mô hàng tỷ, hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng… cũng khó mà tránh khỏi có tình trạng bị lăm le, nhòm ngó.

Bên cạnh gói an sinh xã hội, để vực dậy nền kinh tế, các gói hỗ trợ về tài khoá, về tiền tệ cũng đã được đưa ra. Hàng loạt hiệp hội ngành nghề, các “ông lớn” cũng lần lượt “kêu cứu”, thậm chí ngay cả doanh nghiệp bất động sản cũng xin được “giải cứu” (?!).

Việc giải cứu kinh tế, hỗ trợ người dân là việc cần làm, cấp thiết như “cứu hoả”. Song, để dòng tiền không đi lạc thì phải “nắn” dòng chảy của tiền. Việc xác định những ai “thực sự khó khăn” là rất cần thiết vì không phải đối tượng nào kêu cứu cũng trong diện bắt buộc cần giải cứu.

Để đảm bảo tiền cứu trợ không “lầm đường, lạc lối” thì chắc chắn, cần phải có cơ chế minh bạch, xử nghiêm chứ không thể chỉ kêu gọi lòng tự trọng ở những người quen “ăn tạp”, “mặt trơ”.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng đã truyền đạt quan điểm của Thủ tướng Chính phủ, rằng: gói hỗ trợ phải rõ ràng, minh bạch, công khai. “Gói hỗ trợ đến tận tay người dân, không để xảy ra việc lợi dụng, trục lợi chính sách, không để xảy ra tình trạng tham nhũng hay thất thoát”.

Có như vậy, những chủ trương, chính sách tốt đẹp mới phát huy hết giá trị, kinh tế mới phát triển lành mạnh.

Bích Diệp