Vì sao Hà Nội khó quản lý nhà chung cư?
Kỳ họp thứ 18 HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2016 - 2021 diễn ra từ ngày 7- 9/12, một trong những vấn đề thu hút sự chú ý của cử tri và nhân dân Thủ đô thời gian qua là vấn đề quản lý, sử dụng chung cư.
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, trên địa bàn thành phố còn nhiều tòa nhà chung cư chậm thành lập ban quản trị, chậm bàn giao hồ sơ, chậm bàn giao quỹ bảo trì 2%, đặc biệt là tại các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân.
Sở Xây dựng Hà Nội báo cáo, trên địa bàn thành phố có 845 nhà chung cư thương mại đã đưa vào sử dụng, đến nay đã thành lập được 632 ban quản trị nhà chung cư; bàn giao hồ sơ 560 cho ban quản trị; bàn giao kinh phí bảo trì 2% cho 399/526 ban quản trị. Sở cũng kiểm tra 79 nhà chung cư, lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính 13 trường hợp với số tiền 860 triệu đồng.
Theo UBND quận Bắc Từ Liêm, trên địa bàn có 143 tòa nhà chung cư đã đưa vào sử dụng. Đến nay, có 82/116 tòa chung cư cần thành lập ban quản trị; 23/82 tòa nhà chủ đầu tư chưa bàn giao quỹ bảo trì.
Nguyên nhân chậm bàn giao quỹ bảo trì, theo UBND quận là do không có cơ chế kiểm tra, giám sát nên hầu hết chủ đầu tư đều nhập vào tài khoản của chủ đầu tư, chiếm dụng tiền bảo trì để kinh doanh. Khi trường hợp chủ đầu tư cố tình không bàn giao với lý do chưa quyết toán được, cơ chế xử lý các trường hợp này còn nhiều vướng mắc.
Trong khi đó, UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, nguyên nhân chưa thành lập được ban quản trị một số tòa nhà chung cư được xác định là khó khăn chung, một số tòa nhà chung cư còn nhiều căn hộ trống, chưa bán được hoặc chưa có người đến ở dẫn đến chưa đủ điều kiện để tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu để thành lập ban quản trị.
Để quản lý, sử dụng nhà chung cư, tránh bất cập trong việc giao cho chủ đầu tư hay ban quản trị, mới đây, Hà Nội đã ban hành quy định chi tiết về một số nội dung thuộc thẩm quyền của UBND TP. Quy định này sẽ được áp dụng với nhà chung cư có mục đích để ở, nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và sử dụng vào các mục đích khác trên địa bàn thành phố Hà Nội. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2020.
Văn bản cũng nêu rõ, với các quy định về nguyên tắc bảo trì nhà chung cư; kế hoạch bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư; các hạng mục của nhà chung cư được sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung để thực hiện việc bảo trì; ký kết hợp đồng bảo trì và thực hiện bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư được thực hiện theo quy định tại Điều 107 của Luật Nhà ở năm 2014; các Điều 32, 33, 34 và Điều 35 của Thông tư số 02/2016/TT-BXD.
Bên cạnh đó, đối với nhà chung cư đã được đưa vào sử dụng nhưng chưa có quy trình bảo trì nhà chung cư và các thiết bị thuộc phần sở hữu chung của nhà chung cư, việc lập và phê duyệt quy trình bảo trì được thực hiện theo quy định tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 38 của Nghị định số 46/2015/NĐ-CP, ngày 12/5/2015, của Chính phủ.
Quy định trên cũng nêu rõ trách nhiệm quyền và trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản trị chung cư; Quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng nhà chung cư; việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư; Trách nhiệm của các Sở, ngành trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư.