“Thiên đường sinh thái” của Trung Quốc hóa thành phố ma, vì sao?
(Dân trí) - Sau nhiều thập kỷ đô thị hóa không kiểm soát khiến nhà cao tầng bê tông mọc lên nhanh chóng, Trung Quốc đang tìm đến hướng đi bền vững hơn, “xanh” hơn để phát triển.
Phía tây nam ngoại ô Thành Đô, Trung Quốc đang xây dựng một thiên đường đô thị xanh rộng lớn có tên Tianfu Park City. Đặt chân đến đây, du khách sẽ được chào đón bởi biển cỏ xanh rì, bao quanh một hồ nước nhân tạo có diện tích gần bằng Công viên Trung tâm New York.
Dự án này được kỳ vọng sẽ trở thành “một mô hình thành công và nổi tiếng toàn cầu” về đô thị hóa.
Đây là một trong hàng trăm dự án phát triển thành phố sinh thái thay thế các trang trại và đất nông thôn ở Trung Quốc.
Theo kế hoạch của chính quyền Bắc Kinh, trong năm 2020, nước này sẽ hoàn thành kế hoạch đưa 100 triệu người dân ở các vùng làng mạc đến sinh sống ở những khu vực thành thị.
Chỉ trong nửa đầu năm 2019, dự án đã nhận hơn 300 tỷ NDT (44 tỷ USD) tiền đầu tư. Khi công trình hoàn thành, gần 60% diện tích sẽ được dành cho 6 hồ nước nhân tạo, 30 công viên và các không gian xanh khác.
Dân số sẽ giới hạn ở mức 6,3 triệu người vào năm 2030, bằng 1/4 quy mô dân số tại những thành phố lớn nhất Trung Quốc như Thượng Hải hay Bắc Kinh.
Tuy nhiên, theo bà Zheng Siqi, Giám đốc Đô thị hóa bền vững của Viện Công nghệ Massachusetts, còn quá sớm để kết luận dự án Tianfu có thu hút đủ cư dân hay không.
“Tình trạng cung vượt cầu có thể xảy ra nếu người dân thấy không cần thiết phải di chuyển đến một thành phố mới, đặc biệt khi quỹ đất nội thành Thành Đô vẫn còn dư dả”.
Kịch bản này đã từng xảy ra ở Trung Quốc. Hơn 10 năm trước, cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo từng khởi động dự án thành phố mới Binhai tại Thiên Tân dọc theo bờ biển phía Đông nhằm thành lập trung tâm tài chính mới.
Tuy nhiên, đến năm 2019, chỉ có 100.000 người sống và làm việc tại đây, so với mục tiêu của chính phủ là 350.000 cư dân thường trú vào năm 2020.
Một dự án khác cũng tại Thành Đô là Qiyi City Forest Garden, được xây dựng từ năm 2018. Dự án này hứa hẹn mang đến “một khu rừng thẳng đứng” ngay tại siêu đô thị này, với ban công được thiết kế tạo không gian cho cây xanh phát triển.
Tất cả 826 căn hộ trong khu chung cư đã được bán hết vào tháng 4/2019. Mặc dù vậy, đến nay, số lượng gia đình chuyển đến ở chỉ đếm trên đầu ngón tay vì lo ngại tình trạng muỗi và côn trùng xâm nhập do không có người chăm sóc và cắt tỉa cây thường xuyên.
Trung Quốc tìm đến cách tiếp cận xanh để giải quyết hai vấn đề môi trường cấp bách. Việc xây dựng trên quy mô lớn các cơ sở hạ tầng đô thị và nhà ở dân cư là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất nước này. Hầu hết các thành phố lớn đều phải hứng chịu tình trạng không khí bẩn và nước sinh hoạt kém chất lượng.
Năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh việc xây dựng một “nền văn minh sinh thái”, trong đó phát triển đô thị phải tính đến chi phí môi trường.
Tuy nhiên, không phải lúc nào tham vọng cũng được thực hiện bằng các chính sách cụ thể. Các chỉ tiêu thông dụng trong việc xây dựng thành phố mới như “khí thải thấp” và “bảo vệ môi trường” được chính phủ đưa ra, nhưng lại có ít yêu cầu về hiệu quả sử dụng năng lượng và vật liệu xây dựng trong những thành phố này.
Deng Wu, phó giáo sư tại Khoa Kiến trúc và Môi trường Đại học Nottingham Ninh Ba cho biết, trong số hàng trăm dự án được phân loại là phát triển “thành phố sinh thái”, nhiều dự án không áp dụng các chiến lược bền vững như tòa nhà tiết kiệm năng lượng, giao thông thông minh và năng lượng tái tạo.
Các chủ đầu tư thường quảng cáo các tòa nhà của họ “thân thiện với môi trường” vì chúng duy trì nhiệt độ, độ ẩm và mức oxy ổn định, nhưng để đạt được tiêu chí đó thực sự đòi hỏi lượng tiêu thụ điện năng rất lớn.
“Họ đánh đồng thân thiện môi trường là sự thoải mái, nhưng những dự án này không liên quan gì đến điều đó, và thậm chí có thể gây tác dụng ngược”, ông nói.
Cách Tianfu 15 phút lái xe là làng Hongxiang. Nhiều người dân nơi đây đang băn khoăn liệu khi nào ngôi làng sẽ bị phá bỏ để nhường chỗ cho Tianfu và số tiền bồi thường cho việc rời bỏ nơi họ đã sinh sống qua nhiều thế hệ.
Bà Zhou, một nông dân 67 tuổi, bày tỏ sự lo lắng sẽ không đủ điều kiện nhận lương hưu hoặc dịch vụ chăm sóc sức khỏe nếu chuyển sang sống trong thành phố.
Wang Xuelian, một cư dân khác tại làng Hongxiang, tỏ ra mơ hồ trước khái niệm về “thành phố sinh thái”. “Mỗi ngày chỉ cần mở cửa sổ, tôi có thể nhìn thấy thiên nhiên. Tôi không hiểu tại sao họ muốn phá bỏ thiên nhiên thật sự để xây dựng cuộc sống màu xanh giả”, cô nói.
Còn đối với nhiều cư dân, các tòa nhà hiện đại và cảnh quan đẹp ở Tianfu Park City là đặc tính của một “thành phố sinh thái”. Theo họ, không khí trong lành, hệ thống nước và đường phố sạch sẽ là những thước đo quan trọng của “nền văn minh sinh thái” hơn là những tòa nhà tiết kiệm năng lượng.