Thảo luận về kịch bản cho thị trường bất động sản nửa cuối năm 2022
(Dân trí) - Các chuyên gia đánh giá, khan hiếm nguồn cung và "siết" van tín dụng là 2 yếu tố tác động nhiều đến cục diện thị trường bất động sản nửa đầu 2022. Đây cũng là "nút thắt" cần tháo gỡ để thị trường phục hồi và phát triển trong nửa năm còn lại.
Bức tranh đa màu
Trong nửa đầu năm 2022, nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng chịu tác động tiêu cực từ nhiều cú sốc trên thế giới và trong nước. Cuộc xung đột Nga - Ukraine từ khi bùng nổ đã tác động đến nền kinh tế toàn cầu khiến giá cả leo thang, lạm phát gia tăng.
Tại Việt Nam, thị trường chứng khoán trải qua đợt "khủng hoảng" sau vụ bê bối của Tân Hoàng Minh, FLC khiến nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, quan chức dính lao lý.
Thị trường bất động sản trong nửa đầu năm 2022 cũng diễn biến khác nhau trên toàn quốc. Tại các thành phố lớn, điệp khúc nguồn cung nhỏ giọt và giá bán tăng vọt tiếp tục dẫn dắt thị trường. Trong khi đó, thông tin về các dự án hạ tầng giao thông như cao tốc, sân bay, siêu đô thị được đề xuất đầu tư đã khiến cơn "sốt đất ảo" diễn ra ở nhiều địa phương như Bình Phước, Đắk Nông, Quảng Trị, Đắk Lắk, Cam Lâm…
Việc ngân hàng bắt đầu siết van tín dụng và ngành thuế ban hành các văn bản tăng cường giám sát chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản cũng tác động lớn đến thị trường.
Nhu cầu khơi thông dòng tiền
Trong số những "lực cản" khiến thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chậm lại thì việc khơi thông dòng tiền được doanh nghiệp và người dân quan tâm hơn cả. Mặc dù, Ngân hàng Nhà nước khẳng định không có chủ trương siết van tín dụng bất động sản, nhưng nhiều doanh nghiệp và người dân lại cho biết đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay thời gian gần đây. Theo các chuyên gia bất động sản, việc "siết" hay không dòng vốn vào bất động sản là yếu tố "sống còn" của thị trường trong thời gian tới.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM, cho biết nguồn vốn tín dụng đối với nền kinh tế và thị trường bất động sản là "mạch máu lưu thông, là bình oxy, dưỡng khí". Nếu không tiếp cận được nguồn vốn doanh nghiệp có nguy cơ ngộp thở.
Thị trường bất động sản đang thiếu thanh khoản do nhiều dự án không thể triển khai, dẫn đến thiếu sản phẩm, trong khi nhu cầu của nhà đầu tư và người mua nhà rất lớn. Doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng.
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, bất động sản được xem là đầu tàu của cả nền kinh tế, đóng góp thông qua khả năng lan tỏa đến trên 40 ngành kinh tế quan trọng khác của nền kinh tế, nhất là những ngành liên quan trực tiếp như xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, lưu trú, ăn uống và tài chính, ngân hàng… Nếu thị trường này chững lại sẽ kéo theo hệ lụy tới nhiều ngành nghề khác.
Nhận định về thị trường nửa cuối năm 2022, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương - Giám đốc Cấp cao Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam - cho rằng, có 3 vấn đề thị trường sẽ phải đối mặt là nguồn cung ít, giá bán vẫn cao và tính thanh khoản chậm. Theo ông Khương, nguyên nhân khiến thị trường kém thanh khoản là bởi quỹ đất hiện không phát triển được các dự án mới, gặp khó khăn và ách tắc về vấn đề pháp lý, cũng như nhà đầu tư đẩy lợi nhuận kỳ vọng lên quá cao.
Để làm rõ chuyển động của dòng tiền và xu hướng của thị trường bất động sản nửa cuối năm 2022, chuyên trang bất động sản CafeLand sẽ tổ chức buổi hội thảo "Dòng tiền và xu thế bất động sản cuối năm 2022?". Buổi hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về kinh tế, đầu tư và bất động sản. Các chuyên gia sẽ đưa ra những phân tích, đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc về bối cảnh kinh tế và chính sách, các cơ hội đầu tư hiện nay. Qua đó, doanh nghiệp nhà đầu tư có được các thông tin hữu ích phục vụ các chiến lược kinh doanh, đầu tư của mình.
Vào sáng ngày 28/6 sắp tới, CafeLand sẽ tổ chức buổi hội thảo với chủ đề "Dòng tiền và xu thế bất động sản cuối năm 2022" tại khách sạn Rex Sài Gòn, 141 Nguyễn Huệ, Bến Nghé, quận 1, TPHCM.
Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia:
- PGS.TS Trần Đình Thiên - Chuyên gia kinh tế, Thành viên Tổ tư vấn Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
- TS. Đinh Thế Hiển - Chuyên gia tài chính.
- Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA).
- TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam.
- TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia tài chính - ngân hàng.
- Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc bộ phận Nhà ở CBRE Việt Nam.
- ThS. Hồ Bá Tình - Trưởng ban biên tập CafeLand.
Đăng kí tham gia sự kiện và đặt câu hỏi cho các chuyên gia cùng CafeLand tại: https://hoithaot12.cafeland.vn/hoithao/2022/thang-06/