Shophouse ế ẩm, để trống 2 năm không ai thuê
(Dân trí) - Phân khúc shophouse bị người thuê trả lại mặt bằng vì kinh doanh thua lỗ, không "gồng" nổi với giá thuê. Thậm chí, có những toà shophouse để trống cả 2 năm vẫn không có ai thuê.
Thất sủng
Có một thời các shophouse được xem là “gà đẻ trứng vàng” cho các chủ đầu tư. Tuy nhiên, dịch bệnh đã khiến phân khúc này đối diện với sự “ế ẩm” vì không có người thuê.
Shophouse có nhiều ưu điểm là vừa để ở, vừa có thể kinh doanh hoặc cho thuê mặt bằng. Chính vì vậy, nhiều chủ đầu tư dự án chú trọng vào việc xây dựng các shophouse ở vị trí đẹp để thu hút nhà đầu tư, khách thuê.
Thế nhưng, trái ngược với kỳ vọng là hàng hiếm của thị trường bất động sản, hiện nay shophouse đang bị ế ẩm, “thất sủng”.
Qua ghi nhận ở một số căn hộ tại khu vực quận 7, Bình Thạnh, quận 2, quận 9… dễ dàng nhận thấy nhiều shophouse đang trong tình trạng ế ẩm vì không có người thuê hoặc mới vừa bị trả lại mặt bằng vì kinh doanh không hiệu quả.
Dọc theo đường Bến Vân Đồn (quận 4), tại các dự án như The Gold View, Saigon Royal Residence… có nhiều shophouse bỏ trống, treo bảng cho thuê. Qua trao đổi với những người quản lý, các shophouse này đều đang ở tình trạng rao bán hoặc cho thuê với giá tốt, không cần lãi.
Tại một số shophouse ở trên đường Mai Chí Thọ (quận 2), người đi đường dễ dàng nhận thấy bảng treo cho thuê mặt bằng. Anh Nguyễn Hùng, một cư dân sống tại khu vực này cho hay, hàng quán xung quanh liên tục đóng cửa, trả mặt bằng vì lỗ, nhất là từ sau đại dịch. Ngoài ra, khi dịch bắt đầu lắng xuống, người thuê và cho thuê vẫn không đồng nhất về giá nên nhiều căn shophouse vẫn bị bỏ trống.
Tại một số dự án cao cấp nằm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) cũng đang có tình trạng tương tự. Nhiều căn shophouse để trống gần 1 năm chưa có khách thuê. Một chủ bán quần áo của một thương hiệu nổi tiếng vừa đến thuê shophouse giá trên 3.000 USD/tháng, mở được vài tháng phải đóng cửa do không có khách mua.
Thậm chí, tại khu căn hộ Orchard Park View (đường Hồng Hà, P.9, Phú Nhuận), nguyên toà nhà thương mại to đùng nhưng suốt 2 năm qua vẫn để trống gây thất vọng cho cư dân.
Nguyên nhân nằm ở đâu
Theo giám đốc của một công ty môi giới bất động sản, trước đây khi phân phối độc quyền một số dự án căn hộ, công ty đã cam kết mua lại hết các shophouse, nếu chủ đầu tư bán chưa được. Giá trị shophouse tại đây đa số trên 10 tỷ đồng/căn.
Khi mở bán dự án, thị trường đang trong giai đoạn ổn định nên lượng khách quan tâm và mua shophouse rất khả quan. Nhiều nhà đầu tư sẵn sàng xuống tiền lấy ngay shophouse để cho thuê hoặc bán lại khi người về sống nhiều.
Tuy nhiên, từ khi bàn giao dự án, khách vào ở, dịch bệnh bùng phát, tình hình kinh tế khó khăn, các shophouse kinh doanh không hiệu quả, cứ liên tục mở ra rồi đóng cửa.
Một chuyên gia bất động sản nhìn nhận, shophouse ở các chung cư ế ẩm có nhiều lý do. Trong đó có liên quan đến việc thiết lập dự án ban đầu, quy định của cơ quan chức năng phải có shophouse dù dự án đó nằm ở đâu, số lượng shophouse không rõ ràng…
Còn theo số liệu của Savills Việt Nam, có khoảng 50% đơn vị bán lẻ có mức doanh thu sụt giảm trên 50% trong và sau giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát đợt 1. Bên cạnh đó, đại dịch cũng đã tác động đến thu nhập cũng như tâm lý tiêu dùng của khách hàng, nguồn cầu ở hầu hết các mặt hàng bán lẻ đều giảm, các công ty và đơn vị bán lẻ hiện không thể tiếp tục kế hoạch mở rộng quy mô.
Bà Trần Thị Thu Hà, Phụ trách bản lẻ Savills Việt Nam cho hay, dưới tác động của đại dịch, phân khúc nhà phố cho thuê đang chịu những ảnh hưởng tiêu cực, điển hình là trả mặt bằng hàng loạt tại các khu phố rất sầm uất và cao cấp của thành phố. Do vậy, việc giảm giá thuê từ phía chủ nhà là một trong những điều kiện tiên quyết để gỡ khó hiện tại. Dù vậy, giảm bao nhiêu, hình thức giảm và thời hạn giảm, vẫn là điều các chủ nhà còn dè dặt.
Theo bà Hà, nhiều chủ nhà có thể lựa chọn việc chủ động giảm giá cho khách thuê, tìm khách hàng mới lấp chỗ trống hoặc tìm đến một đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để được hỗ trợ và tư vấn việc tiếp cận các doanh nghiệp và ngành hàng tiềm năng cho việc hợp tác.
Còn đối với khách thuê, việc lựa chọn ngành nghề phù hợp để đầu tư cũng là một hướng đi quan trọng trong thời điểm này.
“Dù dịch bệnh đã, đang và sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến rất nhiều ngành hàng thì những phân khúc liên quan đến lợi ích sinh hoạt hoặc là nhu yếu phẩm, y tế sức khỏe, điện tử thì lại đang có nhiều dư địa và cơ hội trong việc mở rộng và phát triển trong tương lai”, bà Hà chia sẻ.