Pháp lý cho condotel: "Không ông nào chịu ra văn bản, đùn đẩy nhau"
(Dân trí) - "Đã 2 năm nay, dù nhiều lần kiến nghị về pháp lý cho condotel, các bộ ngành đều đồng ý, nhưng không ông nào chịu ra văn bản, ông này đùn đẩy cho ông khác. Năm 2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng có chỉ đạo các Bộ, ngành giải quyết vấn đề này, nhưng khi được chúng tôi hỏi lại thì đều trả lời: "Đang xem xét".
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA) tại Diễn đàn “Bất động sản du lịch Việt Nam 2019 - Triển vọng thị trường và Thách thức nguồn nhân lực”, diễn ra sáng 6/4.
Tại diễn đàn này, các chuyên gia đều chung nhận định, ngành du lịch đang phát triển rất nhanh và lĩnh vực bất động sản du lịch cũng đầy tiềm năng.
Theo dự báo của ngành du lịch, đến năm 2020 cả nước sẽ có 650.000 đến 700.000 buồng lưu trú du lịch; năm 2025 cần có 950.000 đến 1.050.000 buồng và đến năm 2030 cần có 1.300.000 đến 1.450.000 buồng; tốc độ tăng trưởng bình quân 8,2 - 8,5% đến 2020; 7,8 - 8,0% giai đoạn 2020-2025 và 7 - 7,5% giai đoạn 2025-2030.
Dự báo đến năm 2020, Việt Nam đón 21 triệu lượt khách quốc tế, đến 2025 đón 32 triệu lượt và đến 2030 sẽ đón 47 triệu lượt, tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 9-11%/năm.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch (Bộ Văn hoá Thể thao & Du lịch) cho biết, thời gian tới, với xu hướng dòng khách tiếp tục hướng về khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, Việt Nam như ngôi sao đang lên trong ASEAN, nên chúng ta luôn lạc quan dự báo về viễn cảnh tăng trưởng du lịch 10 năm tới.
Cũng theo ông Siêu, trước đà tăng trưởng của ngành du lịch, nhu cầu đầu tư vào cơ sở lưu trú du lịch cũng tăng lên. “Bất động sản du lịch sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn hứa hẹn hiệu quả cao nếu lựa chọn đúng địa bàn, đúng loại hình phù hợp với xu hướng nhu cầu của thế hệ khách du lịch mới, thời kỳ gắn với cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Siêu khẳng định.
Đồng tình với nhận định trên, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho rằng, bất động sản du lịch nếu làm tốt sẽ là động lực để "hút" và "níu" chân du khách.
Các loại hình bất động sản như condotel, officetel… ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của ngành kinh tế không khói
Thế nhưng, cho đến thời điểm này, vấn đề pháp lý cho "đứa con lai" condotel vẫn chưa được giải quyết. Đây chính là rào cản rất lớn đang ảnh hưởng đến lĩnh vực du lịch và phát triển bất động sản du lịch.
Nhiều hội thảo bàn về tính pháp lý cho condotel được diễn ra. Nhiều kiến nghị đã được đặt lên bàn của lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan. Ông Nam cho biết, điều trớ trêu là các Bộ, ngành đều đồng ý nhưng không ông nào chịu ra văn bản, ông này đùn đẩy cho ông khác.
"Đến thời điểm năm 2018 vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng có chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch… giải quyết vấn đề này, nhưng khi được chúng tôi hỏi lại thì đều trả lời: đang xem xét", ông Nam nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho hay, ngày 1/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký văn bản giao các bộ ngành, địa phương tháo gỡ cơ chế chính sách để phát triển kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Thủ tướng giao Bộ Xây dựng giải quyết thủ tục pháp lý cho các loại hình condotel, officetel… Các báo cũng đăng thông tin này. Tuy nhiên, cách đây vài ngày, khi ông Nam gọi điện cho Bộ Xây dựng thì Bộ nói chưa nhận được.
Công Quang