Phân khúc nhà ở bình dân sắp "tuyệt chủng" tại Hà Nội?

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Nhiều vấn đề liên quan đã dẫn đến các căn hộ dưới 25 triệu đồng/m2 dần biến mất, từ cơ chế, chính sách pháp lý đến sự quan tâm và lợi ích của các chủ đầu tư.

Căn hộ bình dân nhưng sẽ ở xa trung tâm

Tại TP.HCM, các dữ liệu báo cáo của nhiều tổ chức nghiên cứu bất động sản cho thấy, không thể nào tìm được một căn hộ có giá dưới 25 triệu đồng/m2. Vậy tại thị trường Hà Nội thì sao?

Theo dữ liệu của Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội, các bất động sản nhà ở có mức giá khoảng 1,4 đến 1,6 tỷ đồng/ căn 2 phòng ngủ vẫn có thể có tại thị trường Hà Nội và nằm tại các khu vực ngoài vành đai 3 hoặc có vị trí xa so với trung tâm.

Phân khúc nhà ở bình dân sắp tuyệt chủng tại Hà Nội? - 1

Nguồn cung nhà ở bình dân ngày càng khan hiếm.

Trong quý 3/2020, nguồn cung sơ cấp với giá trung bình dưới 1.000 USD/m2 có khoảng 3.200 căn hộ tương đương 12% thị phần.

"Dòng sản phẩm này không có nhiều nếu mua trực tiếp từ chủ đầu tư nhưng nếu mua lại và là căn hộ đã sử dụng thì vẫn còn tiềm năng" - bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và tư vấn, Savills Hà Nội - cho biết.

Trong khi đó, ở bình diện thị trường nhà ở bình dân, ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội - cho rằng căn hộ bình dân đang có cơ hội phát triển nhất định trong xu hướng giá tăng của thị trường.

"Đang có hiện tượng giá tăng, tuy nhiên thị trường xuất hiện thêm các khu vực đầu tư mới do ảnh hưởng của nhân tố cơ sở hạ tầng: hạ tầng đường bộ, đường sắt, cũng như các khu vực phát triển quy mô lớn như Long Biên, Gia Lâm hoặc một số khu vực xa trung tâm.

Vị trí và khoảng cách là các nguyên nhân chính ảnh hưởng đến giá nhà, bản thân giá đất cũng tăng. Các yếu tố này thúc đẩy chủ đầu tư trong lĩnh vực nhà ở đẩy mạnh hoạt động bán căn hộ, họ đã và đang cung cấp một lượng nhà ở bình dân phù hợp ra thị trường" - ông Matthew Powel cho biết.

Đáng chú ý theo vị này, các chính sách dành cho thị trường bình dân cần được xem xét ở khía cạnh định giá thương mại khi các chủ đầu tư đang cạnh tranh về đất và điều này tác động thực sự tới hiện tượng tăng giá nhà ở.

"Chính sách của Chính phủ cần đóng vai trò tạo ra các điều chỉnh phù hợp để thị trường dành cho nhà ở bình dân hoạt động chuyên nghiệp và phù hợp hơn" - ông Matthew Powell chia sẻ.

 Cơ hội tăng trưởng nhà ở bình dân sẽ ra sao?

Đánh giá về cơ hội tăng trưởng của thị trường nhà ở bình dân, ông Matthew Powell đưa ra 3 quan điểm chính.

Thứ nhất, các chủ đầu tư lớn hiện nay đang tập trung vào phân khúc nhà ở vừa túi tiền, cung cấp nhà ở chất lượng tốt với giá tốt và ở vị trí thích hợp. Điều này vừa đảm bảo cho cho họ khả năng phát triển bất động sản với mức giá xác định, vừa có thể mang lại cho khách hàng và cư dân các điều kiện sống, lối sống, sự thuận tiện nhất định khi di chuyển vào trung tâm.

Các chủ đầu tư và Chính phủ đang nhận thức rất rõ vấn đề này, do đó đang có nhiều cơ hội cho các chủ đầu tư tập trung vào phân khúc nhà bình dân, thay vì chỉ tập trung vào phân khúc hạng sang.

Thứ hai, có một sự tin tưởng nhất định về sự phục hồi của thị trường nhà ở trong năm 2021. Trước Covid-19, trong các lĩnh vực của ngành bất động sản, sự phục hồi được thúc đẩy bởi các yếu tố như nhân khẩu học và nền kinh tế vĩ mô.

Khi Covid-19 xuất hiện, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc hoạt động kiểm soát dịch Covid-19, vì vậy nền kinh tế và thị trường bất động sản trong nước ít chịu tác động lớn từ thị trường quốc tế tính cho tới thời điểm hiện tại. Kỳ vọng của thị trường do đó sẽ nằm ở nguồn cung nhà ở được cải thiện vào tháng 3 hoặc 4 năm 2021 và các hoạt động phát triển bất động sản chất lượng cao tiếp tục tích cực hơn tại Hà Nội và Hồ Chí Minh.

Thứ ba, cơ hội tăng trưởng của phân khúc nhà ở bình dân liên quan nhiều tới các hoạt động thương mại và cơ sở hạ tầng giao thông tại các thị trường, nhất là khi cả Hà Nội và TP.HCM đang có các vấn đề liên quan đến giao thông và có sự xuất hiện của các tuyến tàu điện ngầm mới, một số quận dân cư mới và điểm đến đầu tư tại cả hai thành phố.

Trước đó tại TP.HCM, các chuyên gia cho biết, tình trạng căn hộ hạng bình dân ngày càng nhỏ giọt và khan hiếm trên thị trường đã xuất hiện từ khoảng năm 2019, nhưng đến năm nay lại kéo dài và thể hiện rõ.

Việc phân khúc hạng C bị "tuyệt chủng", chuyên gia cho rằng do bản chất của thị trường. Nhiều vấn đề liên quan đã dẫn đến các căn hộ dưới 25 triệu đồng/m2 dần biến mất, từ cơ chế, chính sách pháp lý đến sự quan tâm và lợi ích của các chủ đầu tư.