Nút thắt khiến doanh nghiệp “ngó lơ” nhà giá rẻ
(Dân trí) - Theo các chuyên gia BĐS, để tăng nguồn cung nhà ở thương mại giá thấp, Chính phủ, Bộ Xây dựng cần giải quyết một số nút thắt về chính sách ưu đãi, giảm thuế cho chủ đầu tư phát triển dự án.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã đề xuất gửi lên Chính phủ xét duyệt về việc áp dụng giá trần dưới 20 triệu đồng/m2 cho các căn hộ thương mại nhỏ hơn 70 m2.
Theo các chuyên gia, với đề xuất mới của Bộ Xây dựng, trong tương lai gần, thị trường BĐS trong nước sẽ đón nhận nguồn cung căn hộ giá rẻ mới, giúp người lao động thu nhập thấp có cơ hội sở hữu nhà ở tại Hà Nội, Đà Nẵng hoặc TP.HCM,....
Tuy nhiên, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, để tạo ra nguồn cung mới với số lượng đủ để đáp ứng nhu cầu, Chính phủ và Bộ Xây dựng cần giải quyết triệt để một số nút thắt đang tồn tại.
Theo ông Khương, nút thắt đầu tiên và khó khăn nhất chính là vấn đề về quỹ đất đẹp tại các đô thị lớn đang khan hiếm và đắt đỏ. Ở thời điểm hiện tại, muốn phát triển dự án nhà ở giá rẻ, chủ đầu tư buộc phải tìm kiếm quỹ đất ở ven đô, ngoại thành.
Một nút thắt khác khiến chủ đầu tư “nản lòng” khi xây dựng nhà ở thương mại giá thấp, đó là một số rắc rối liên quan tới pháp lý và thiếu sự thống nhất giữa các bộ, ban, ngành có liên quan.
Vì vậy, ông Khương kiến nghị, kể từ thời điểm được chấp nhận chủ trương phát triển dự án, cho tới khi có được giấy phép xây dựng và quyết định khởi công dự án, Bộ Xây dựng cần đảm bảo sự thống nhất giữa các bộ, ban, ngành để chủ đầu tư có thể đẩy mạnh tiến độ xây dựng, cũng như an tâm hơn trong vấn đề pháp lý.
Bên cạnh đó, ông Khương đề xuất Bộ Xây dựng nên xem xét biên độ lợi nhuận của các doanh nghiệp thực hiện dự án.
"Hiện nay, phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ có nhu cầu và sức mua tuy lớn, nhưng biên độ lợi nhuận lại rất mỏng, bị giới hạn 10% tổng giá trị vốn ban đầu.
Điều đó giải thích cho việc trong thời gian vừa qua, rổ hàng của phân khúc này không nhiều do các nhà đầu tư không mặn mà với thị trường này.
Ngoài ra, phân khúc căn hộ thương mại giá thấp phải đảm bảo các yếu tố dân sinh, đảm bảo được những tiêu chuẩn cơ bản trong hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam, về chất lượng an toàn xây dựng, cơ sở hạ tầng đi kèm như điện - đường - trường - trạm, hệ thống cảnh quan, hệ thống hạ tầng giao thông. Việc đầu tư xây dựng lớn, lợi nhuận thấp khiến nhiều CĐT không mấy mặn mà phát triển phân khúc này dù nhu cầu thị trường rất lớn", ông Khương nói.
Chuyên gia này nhìn nhận, nếu Bộ Xây dựng có thể tháo gỡ các nút thắt trên một cách triệt để, thì nhiều khả năng sẽ mang lại động lực cho chủ đầu tư yên tâm phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp.
Trước đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cũng đã đưa ra một số giải pháp nhằm lôi kéo chủ đầu tư tham gia vào phân khúc nhà ở giá thấp.
Cụ thể, ông Châu đồng ý với đề xuất của Bộ Xây dựng về mức giá trần của nhà ở giá thấp là 20 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đối với các đô thị loại đặc biệt, hoặc đô thị loại 1 như Hà Nội hoặc TP.HCM, mức giá trần có thể nằm trong khoảng 20 - 25 triệu đồng/m2.
Ngoài ra, Chủ tịch HoREA đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án nhà ở thương mại giá thấp.
“Chính phủ cũng nên cân nhắc việc giảm 50% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất trong phạm vi dự án. Đối với trường hợp chủ đầu tư dự án đã nộp tiền sử dụng đất, thì được hoàn trả 50% tiền sử dụng đất.
Đồng thời, doanh nghiệp phát triển nhà ở giá thấp có thể chậm nộp tiền sử dụng đất trong thời hạn tối đa 24 tháng kể từ ngày được giao thuê đất”, ông Châu cho biết.
Việt Vũ