Những điều không thể thiếu trong lễ hội mùa thu Nhật Bản
(Dân trí) - Các lễ hội mùa thu Nhật Bản thường có sự xuất hiện của những chiếc kiệu mikoshi, chiếc áo happi hay lễ diễu hành với những cỗ xe dashi, hoko.
Từ xa xưa, lễ hội mùa thu Nhật Bản là dịp để người dân cầu nguyện cho mùa màng bội thu. Trong những năm gần đây, với sự phát triển của nền nông nghiệp ngày càng được hiện đại hóa, vụ mùa thường được thu hoạch sớm hơn trong năm.
Do đó, các lễ hội mùa thu Nhật Bản hiện nay thường tổ chức sau mùa thu hoạch. Tuy nhiên, có những điều không bao giờ thay đổi và gắn liền với các lễ hội mùa thu tại xứ sở hoa anh đào, bao gồm kiệu mikoshi, áo happi và những cỗ xe dashi.
Kiệu mikoshi
Hoạt động phổ biến trong các lễ hội mùa hè tại Nhật Bản là lễ rước kiệu mikoshi. Những chiếc kiệu này thường được đám đông phu khuân kiệu rước trên vai đi qua các con phố tại nơi tổ chức lễ hội.
Theo quan niệm truyền thống Nhật Bản, các vị thần được thờ phụng tại các ngôi đền. Vào những dịp lễ hội, linh hồn các vị thần được rước ra khỏi đền, ngự trên những cỗ kiệu mikoshi và được dân chúng rước đi khắp phố phường. Người Nhật tin rằng lễ rước kiệu cùng khẩu hiệu được hô vang đồng thanh "wasshoi wasshoi" sẽ tiếp thêm sức mạnh cho vị thần đền để người tiếp tục phù hộ cho người dân có mùa màng bội thu, đánh bắt được nhiều tôm cá.
Trong một số lễ hội, trẻ nhỏ cũng được rước trên kiệu mikoshi. Khi đó, chiếc kiệu có tên là kodomo-mikoshi. Tại một số vùng, trẻ em cũng có thể tham gia đoàn rước những chiếc kiệu kodomo-mikoshi của riêng mình.
Áo happi
Happi là chiếc áo được đông đảo người dân tại các ngôi làng Nhật Bản mặc trong các dịp lễ hội. Màu sắc phổ biến nhất của áo happi là màu xanh. Phần lưng áo thường in ký tự kanji với nội dung matsuri nghĩa là lễ hội. Chính vì vậy, áo happi được coi là chiếc áo khoác mỏng nhẹ gắn liền với lễ hội Nhật Bản. Các đoàn đội, tập thể, công ty, trường học thường mặc chiếc áo happi đại diện cho tổ chức của mình khi tham gia lễ hội.
Nghi thức ném bánh mochi
Bánh mochi là món ăn xuất hiện trong nhiều dịp lễ hội khác nhau của Nhật Bản. Nghi thức ném bánh gạo mochi (còn được gọi là mochi maki) cho dân chúng được thực hiện tại lễ hội mùa thu ở một số làng quê Nhật Bản.
Những chiếc bánh mochi được dâng lên các vị thần, sau đó được ném cho đám phu khuân kiệu để thưởng công khuân kiệu mikoshi cho họ. Người dân tham gia lễ hội cũng được phát bánh mochi để cầu may.
Cỗ xe dashi, hoko
Trong lễ diễu hành trên đường phố của một số lễ hội mùa thu Nhật Bản có sự xuất hiện của những cỗ xe dashi, hoko. Những cỗ xe dashi, hoko thường có trọng lượng rất lớn và kích thước khổng lồ. Mỗi cỗ xe được trang trí bắt mắt theo những chủ đề riêng biệt, như các điển tích, điển cố Nhật Bản.
Lễ hội Gion tại Kyoto vô cùng nổi tiếng với lễ rước những cỗ xe hoko khổng lồ. Cỗ xe hoko hai tầng, chiều cao lên tới 25m, trọng lượng 7-9 tấn, có khi lên tới 12 tấn. Để kéo những cỗ xe khổng lồ này, người ta cần tới đội ngũ 40-50 người di chuyển nhịp nhàng theo tiếng hô của người điều khiến.
Các làng quê Nhật Bản cũng có lễ rước xe dashi trong lễ hội mùa thu. Những cỗ xe này thường được bảo quản cẩn thận chờ tới mùa lễ hội kế tiếp.