Những chuyển biến tích cực ở phía Đông Hà Nội

Trường Thịnh

(Dân trí) - Phía Đông Hà Nội với lực hút từ những đại đô thị tầm cỡ đang thay đổi từng ngày. Cùng với các dự án hạ tầng giao thông huyết mạch đang triển khai, trung tâm mới của thủ đô chứng kiến sự dịch chuyển dân cư về khu vực này.

"Lột xác" từ dòng chảy hạ tầng

"Phía Đông Hà Nội từng giống như một hồ nước lớn với ít cửa để lưu thông dòng chảy. Dù có địa thế, tiềm năng tốt nhưng thực tế phát triển thì chưa xứng tầm", chuyên gia quy hoạch đô thị Bùi Đình Trường (Giám đốc Công ty Tư vấn Kiến trúc Việt Nam) phác họa hình ảnh khu vực phía Đông thủ đô cách đây gần chục năm.

Tuy nhiên, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, "hồ nước lớn" như lời ông Bùi Đình Trường nói đã có sự thay đổi đáng. Khởi đầu là một loạt công trình nghìn tỉ, như cầu Vĩnh Tuy, cầu Đông Trù, quốc lộ 5 kéo dài... khơi thông những dòng chảy đầu tiên tới trung tâm và các tỉnh lân cận.

Song hành cùng tuyến hạ tầng huyết mạch là các công trình mang ý nghĩa gỡ nút thắt. Nút giao đường Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (nút giao Cổ Linh) vừa hoàn thành mới đây. Một nút giao hiện đại, quy mô lớn, với 6 đường dẫn xuất hiện tại phía Đông Hà Nội đã "đấu nối" các tuyến lưu thông lớn như Vành đai 3, Cổ Linh, cầu Thanh Trì, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Theo chuyên gia quy hoạch Bùi Đình Trường, công trình này khớp nối với cầu Vĩnh Tuy 2 đang được triển khai. Khi cây cầu huyết mạch có thêm 4 làn đường, kết hợp với nút giao Cổ Linh, trục đường nối thẳng từ trung tâm Hà Nội ra phía Đông Hà Nội, kết nối tới Hải Phòng, Quảng Ninh sẽ rộng mở hơn bao giờ hết.

Bức tranh lớn hơn được ông nhắc tới với những dự án nghìn tỷ khác đã lên kế hoạch như cầu Trần Hưng Đạo, Mễ Sở, Ngọc Hồi, tuyến Vành đai 4 và tuyến metro số 8.

Những chuyển biến tích cực ở phía Đông Hà Nội - 1
Nút giao Cổ Linh 6 đường đấu nối trung tâm phía Đông tới các trục giao thông huyết mạch (Ảnh: Vinhomes).

Vị chuyên gia cũng cho rằng, diện mạo của Gia Lâm còn được thay đổi với dày đặc những tuyến đường mới. Đơn cử như tuyến đường Lý Thánh Tông, dài gần 3,5 km giúp kết nối các xã, sang Hưng Yên hay Quốc lộ 5. Ngoài ra còn là một loạt dự án tổng chiều dài gần 40 km đang được triển khai như tuyến đường đô thị song hành với đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tuyến đường đê Hữu Đuống,... Tất cả đã tạo nên dòng chảy sôi động chưa từng thấy tại khu vực này.

Nơi đáng sống phía Đông Hà Nội

Đi cùng với hệ thống hạ tầng đổi khác, theo giới chuyên gia, điều dễ nhận thấy ở phía Đông Hà Nội chính là diện mạo đô thị. Trước kia, dân cư nơi này thưa thớt, thiếu hội tụ khiến rất nhiều doanh nghiệp, thậm chí hộ kinh doanh không mặn mà đầu tư. Nhìn khắp cả khu vực chỉ một vài điểm vui chơi giải trí, mua sắm cỡ vừa. Phần đông mọi người khi có nhu cầu vẫn phải di chuyển quãng đường xa vào trung tâm.

Tất cả đã thay đổi phần nào khi đại đô thị mang tên Vinhomes Ocean Park vận hành vào năm 2020. Đây được coi là bước ngoặt lớn tạo nên bộ mặt mới cho khu vực, với biển hồ nước mặn nhân tạo lớn thứ 6 thế giới có diện tích 6,1 ha; hồ nước ngọt nhân tạo trải cát trắng với độ phủ 24,5 ha và nhiều hồ khác bao quanh đại đô thị như: hồ Đảo Cọ, hồ VinUni, hồ San Hô trải cát trắng. Ngoài ra còn là 117 hecta cây xanh, mặt nước, 60 sân thể thao, sân vui chơi cho trẻ em,...

Những chuyển biến tích cực ở phía Đông Hà Nội - 2

Dự án Vinhomes Ocean Park góp phần thay đổi diện mạo khu Đông Hà Nội.

Lấy đại đô thị này làm trung tâm, nhìn rộng ra 4 phía sẽ thấy sự thay đổi từ hệ thống đường xá tới cảnh quan, dịch vụ... Những con phố khang trang, mua bán nhộn nhịp là khung cảnh trái ngược hoàn toàn so với cách đây 4-5 năm khi chưa có "thành phố biển hồ" này.

Thay đổi ấy theo chuyên gia quy hoạch Bùi Đình Trường là bước phát triển tự nhiên của đô thị khi có sự xuất hiện của những "khu đô thị hạt nhân" như Vinhomes Ocean Park. Có 3 điều kiện quan trọng để hình thành nên những đô thị đặc biệt này: thứ nhất là cơ sở hạ tầng đồng bộ, hoàn chỉnh; thứ 2 là quy mô, mật độ dân số. Thứ 3, đó là sự hội tụ các trung tâm giáo dục, kinh tế, dịch vụ,...

Nhìn vào phía Đông Hà Nội hiện tại, một chuyên gia lâu năm trong ngành phát triển đô thị cho rằng, dư địa để các khu vực như Gia Lâm tiếp tục "lột xác" là rất lớn, đặc biệt khi làn sóng chuyển dịch về khu vực này đang ngày một tăng. Hiện tại, riêng tại Vinhomes Ocean Park đã thu hút khoảng 28.000 cư dân. Ngoài ra còn nhiều cư dân tại những khu vực lân cận có xu hướng di cư về gần đại đô thị lớn này để có cơ hội tiếp cận dịch vụ của Vincom, Vinschool, VinUni và sắp tới là hệ thống bệnh viện chuẩn quốc tế Vinmec.

"Khi Gia Lâm được lên quận, như kế hoạch là năm 2023, dòng di chuyển của cư dân về phía Đông Hà Nội chắc chắn còn tăng tốc mạnh. Đặc biệt là khi nhiều người đang muốn tìm một ngôi nhà có không gian, dịch vụ đầy đủ để nghỉ dưỡng thay vì nơi ở cũ chật chội, thiếu thốn. Hà Nội sẽ rất nhanh có thêm một trung tâm mới sầm uất, đáng sống ngay tại khu vực này", vị này nói.