Nhiều người dân TP.HCM "thậm chí đi thuê nhà cũng khó", vì sao?

Phần lớn người lao động nhập cư ở TP.HCM không có khả năng sở hữu nhà, thậm chí đi thuê với mức giá phù hợp cũng khó khăn.

Nhiều người dân TP.HCM thậm chí đi thuê nhà cũng khó, vì sao? - 1

Phải xây dựng cơ chế phát triển nhà ở xã hội, nhà cho thuê giá rẻ cho người thu nhập thấp và người nhập cư là yêu cầu lớn với lãnh đạo thành phố

Tại hội thảo "Giải pháp phát triển nhà ở đáp ứng gia tăng dân số 1 triệu nguời sau mỗi 5 năm ở TP HCM giai đoạn 2021-2025" hôm qua (17/9), ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: Thống kê mới nhất, dân số TP.HCM chỉ khoảng 9 triệu người nhưng thực tế con số lên tới hơn 13 triệu người đang sinh sống, làm việc, học tập, du lịch tại TP. Vì thế cần phải xây dựng cơ chế phát triển nhà ở xã hội, nhà cho thuê giá rẻ cho người thu nhập thấp và người nhập cư là yêu cầu lớn với lãnh đạo thành phố. Diện tích nhà ở bình quân đầu người tăng nhanh, năm 2010 đạt 14,3 m2 và đến cuối tháng 6/2019 đã xấp xỉ 20 m2.

"Tuy nhiên, hầu hết người lao động, đặc biệt là người dân nhập cư vẫn sống trong điều kiện chật chội, cũ kĩ và chưa đảm bảo vệ sinh. Phần lớn họ không có khả năng sở hữu nhà, thậm chí thuê với mức giá phù hợp cũng là điều hết sức khó khăn", ông Phong nói.

Cũng theo ông Phong, hiện nay TP.HCM có khoảng 1,6 triệu căn nhà, trong đó, gần 630.000 nhà kiên cố, khoảng 1.000 căn nhà bán kiên cố, còn lại là nhà thiếu kiên cố và nhà đơn sơ. Do đó, nhiệm vụ của thành phố vừa phải xây nhà ở mới kiên cố, vừa cải thiện chất lượng nhà ở bán kiên cố thông qua chỉnh trang đô thị, đặc biệt chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho rằng, tại TP.HCM, số lượng hộ gia đình chưa sở hữu nhà hoặc sống ở nơi thiếu kiên cố, có diện tích dưới mức tối thiểu còn cao. Bên cạnh đó, nhiều dự án phát triển nhà ở vẫn vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nên chậm tiến độ. Vì thế, đề nghị TP.HCM sớm rà soát, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất, huy động nguồn vốn trung và dài hạn, kết hợp với các cơ quan ban ngành để phát triển phân khúc nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp.

Nói về thực trạng này, ông David Koh - Chủ tịch Hội đồng trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng Việt Nam cho rằng giấc mơ Việt Nam hiện nay không phải là các tòa nhà chọc trời mà là xây dựng được những nhà ở có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội mà người dân có khả năng mua và ở được.

Được biết, trong định hướng chung, thành phố sẽ tăng tỷ lệ chung cư trong các dự án xây dựng nhà ở mới hơn 90%. Đồng thời, tăng tỷ trọng nhà cho thuê và chuyển đổi mô hình nhà ở từ thấp tầng sang cao tầng nhằm tối ưu quỹ đất để phát triển giao thông, công viên, bãi đậu xe.

Theo: YT

Báo Giao Thông 

Nhiều người dân TP.HCM thậm chí đi thuê nhà cũng khó, vì sao? - 2