Nhà ở riêng lẻ "đội lốt" chung cư mini, nhiều người mua sập bẫy

Công trình được cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ nhưng các chủ đầu tư đã “hô biến” thành dự án chung cư mini rồi rao bán với giá rẻ. Nhiều người mua phải những dự án này, tiền thì mất mà nhà chẳng thấy đâu.

Căn hộ diện tích nhỏ, giá rẻ trở thành "mồi ngon"

Bán căn hộ chung cư diện tích từ 21m2 – 26m2 tại phường Linh Đông, quận Thủ Đức, TP.HCM với giá từ 310 triệu đồng/căn. Phương thức thanh toán linh hoạt, chia làm 5 đợt. Pháp lý rõ ràng, minh bạch”, đây là mẫu tin quảng cáo về dự án chung cư Việt Nam House Tower trên mạng Internet. 

Công trình này toạ lạc trên đường 36, phường Linh Trung, quận Thủ Đức với quy mô 190 căn hộ và được giới thiệu do Công ty CP Dịch vụ thương mại – xây dựng địa ốc Việt Nam House làm chủ đầu tư. Từ năm 2017, gần 200 khách hàng đã mua căn hộ tại đây. 

Nằm ở khu vực sầm uất của quận Thủ Đức nhưng giá bán khá rẻ là yếu tố khiến nhiều người chọn mua. Thế nhưng gần 3 năm nay, “dự án” này vẫn chưa xây dựng hoàn thiện và thậm chí còn bị cưỡng chế vì vi phạm xây dựng.

Nhà ở riêng lẻ đội lốt chung cư mini, nhiều người mua sập bẫy - 1

Công trình nhà ở riêng lẻ của hai cá nhân được hợp khối rồi đặt tên căn hộ chung cư Việt Nam House Tower tại phường Linh Đông, quận Thủ Đức.

Tìm hiểu của PV VietNamNet, dự án chung cư Việt Nam House Tower thực chất là hai công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ của ông Lưu Nguyên Quảng (ngụ quận Bình Thạnh) và ông Lê Thành Trí (ngụ quận Thủ Đức) được hợp khối. 

Sau khi được cấp phép xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ với tối đa 3 tầng nổi, 1 tầng lửng và mái che cầu thang, hai cá nhân này đã hợp khối, xây dựng công trình cao 5 tầng và đặt tên dự án căn hộ chung cư Việt Nam House Tower rồi bán cho khách hàng.

Qua kiểm tra, chính quyền địa phương phát hiện hai chủ công trình nói trên xây dựng sai nội dung được cấp phép. Sở Xây dựng TP.HCM cũng đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế công trình sai phép vào năm 2018. 

Theo ông Trần Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức cho biết, đối với công trình nói trên, hiện UBND quận đã tổ chức cưỡng chế tháo dỡ xong phần diện tích vi phạm theo nội dung các quyết định cơ quan chức năng đã ban hành. Trong khi đó, nhiều người bỏ tiền mua căn hộ tại công trình này đến nay vẫn chưa được nhận nhà. 

Nhà ở riêng lẻ đội lốt chung cư mini, nhiều người mua sập bẫy - 2

Chủ công trình chung cư mini ở đường 32, phường Linh Đông, quận Thủ Đức xin tự nguyện tháo dỡ các hạng mục vi phạm xây dựng. 

Cũng tại phường Linh Đông, quận Thủ Đức, một công trình căn hộ mini khác cũng khiến nhiều người mua rơi vào cảnh tiền mất tật mang là chung cư mini Sài Gòn Hoàng Anh nằm trên đường 32. Theo ông N.H, ông mua 2 căn hộ tại đây vào năm 2017 và được hứa hẹn đến năm 2018 sẽ bàn giao nhà. 

Dự án có khoảng 300 căn hộ, diện tích 24m2, giá bán chỉ từ 270 triệu đồng/căn. Thấy giá bán khá rẻ nên tôi mua 2 căn và dù đã thanh toán hết tiền nhưng 3 năm nay tôi chưa nhận được nhà”, ông N.H chia sẻ. 

Theo ông N.H, công trình bị ngưng xây dựng thời gian dài nên nhiều khách hàng kéo tìm chủ đầu tư đòi lại tiền, thậm chí có người còn kiện ra toà. Để xoa dịu tình hình, chủ đầu tư đồng ý trả lại tiền cho người mua, tuy nhiên việc trả lại tiền này được chia làm nhiều lần, khiến khách hàng rất bức xúc. 

Lỗ hổng pháp lý 

Về những trường hợp mua căn hộ tại chung cư mini Sài Gòn Hoàng Anh, đại diện UBND quận Thủ Đức cho biết đây là công trình của ông Đỗ Trưởng Quyền và bà Đỗ Huệ Trinh làm chủ đầu tư. Đầu năm 2018, UBND quận đã đề nghị cơ quan chức năng hỗ trợ xử lý việc chuyển nhượng căn hộ mini và xây dựng sai phép tại công trình này.

Từ tháng 4/2018 đến tháng 4/2019, Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM đã ban hành 13 quyết định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế xử phạt đối với ông Quyền và bà Trinh liên quan đến những vi phạm xây dựng tại công trình.

Đến tháng 4/2020, UBND quận Thủ Đức đã hoàn thiện phương án tháo dỡ phần công trình vi phạm xây dựng nhưng sau đó chủ đầu tư xin tự nguyện khắc phục. Hiện việc tháo dỡ đang được chủ đầu tư thực hiện.

Nhà ở riêng lẻ đội lốt chung cư mini, nhiều người mua sập bẫy - 3

Trong vòng 1 năm, Thanh tra Sở Xây dựng đã ra 13 quyết định xử phạt, cưỡng chế hạng mục vi phạm tại chung cư mini Sài Gòn Hoàng Anh. 

Không chỉ quận Thủ Đức, hiện các khu vực ngoại thành TP.HCM như quận 12, quận Bình Tân cũng xuất hiện nhiều dự án căn hộ chung cư mini đội lốt công trình nhà ở riêng lẻ. Diện tích căn hộ nhỏ và giá bán rẻ là hai yếu tố thu hút những người thu nhập thấp có nhu cầu về nhà ở.

Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), khoảng 10 năm trở lại đây, tình trạng xây dựng “chung cư mini”, “chung cư hộp diêm” nở rộ tại các đô thị. Nhiều công trình xây dựng sai phép, làm phá vỡ quy hoạch, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và người mua không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. 

Để tình trạng chung cư mini phát triển tự phát, theo Chủ tịch HoREA, nguyên nhân đầu tiên bắt nguồn từ những bất cập về quy định pháp luật về “phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân”. Hiệp hội đã có nhiều ý kiến góp ý nhưng không được lắng nghe. 

Như trước đây, Luật Nhà ở 2005 và Nghị định 90/2006/NĐ-CP không có bất kỳ quy phạm pháp luật nào cho phép phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân, được thiết kế kiểu “chung cư mini”, có nhiều tầng, nhiều căn hộ tại đô thị. Đến năm 2010, Nghị định 71/2010/NĐ-CP mới cho phép nhưng lại trái với Luật Nhà ở 2005. 

Tại TP.HCM, trong năm 2010 cơ quan chức năng đã không chấp thuận một công trình nhà ở riêng lẻ kiểu “chung cư mini” trên đường Cộng Hoà, quận Tân Bình theo đề xuất của doanh nghiệp BĐS hợp tác với một hộ gia đình. 

Tuy nhiên, Luật Nhà ở 2014 đã cho phép hộ gia đình, cá nhân khu vực đô thị được phép xây dựng nhà ở có từ 2 tầng trở lên mà mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ 2 căn hộ trở lên theo kiểu khép kín, có đủ tiêu chuẩn diện tích sàn xây dựng tối thiểu mỗi căn hộ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn… thì được công nhận quyền sở hữu từng căn hộ trong nhà đó.

Quy định này đã tạo cơ sở pháp lý dẫn đến tình trạng phát triển loại nhà chung cư mini, chung cư hộp diêm, làm tăng áp lực hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội, làm phá vỡ quy hoạch, gây trở ngại cho công tác chỉnh trang đô thị. Để chấn chỉnh nên sửa, bổ sung khoản 2 Điều 46 Luật Nhà ở 2014 theo hướng muốn xây nhà ở riêng lẻ theo kiểu chung cư mini nhằm mục đích kinh doanh như bán, cho thuê thì phải lập dự án đầu tư", ông Châu nêu ý kiến.

Theo luật sư Trần Mai Hạnh (Đoàn luật sư TP.HCM), hầu hết các trường hợp mua chung cư mini tại TP.HCM, chủ đầu tư ký hợp đồng cho thuê dài hạn (thường là 20 năm) chứ không lập hợp đồng mua bán với khách hàng. Luật Nhà ở 2014 quy định, người mua những căn hộ mini diện tích từ 30m2 trở lên vẫn được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu từng căn nhưng chủ đầu tư phải đáp ứng từ thủ tục pháp lý đến quy chuẩn căn hộ. 

Như công trình được phép xây dựng nhà ở có từ 2 tầng trở lên mà tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ hai căn hộ trở lên theo kiểu khép kín, có đủ tiêu chuẩn diện tích sàn xây dựng tối thiểu mỗi căn hộ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và có phần diện tích thuộc sở hữu riêng, phần diện tích thuộc sở chung của nhà chung cư theo quy định. 

Tuy nhiên, vì lợi nhuận, các chủ đầu tư thường chia diện tích căn hộ nhỏ hơn 30m2 và bán quyền sử dụng trong 20 năm với giá chỉ vài trăm triệu đồng. Với cách làm này, sau thời hạn cho thuê chủ đầu tư thu hồi được tài sản và đất nhưng người mua thì… trắng tay. 

Theo Phương Anh Linh
VietnamNet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm