Năm món ăn nhất định phải thử trong dịp năm mới ở Nhật Bản
(Dân trí) - Người Nhật Bản thường chế biến những món ăn rất đặc biệt để ăn mừng năm mới, cầu mong sức khỏe và hạnh phúc cho gia đình mình.
Nếu bạn đang ở Nhật Bản vào thời khắc chuyển giao năm mới, tại sao không thử những "gyoji-shoku" (bữa ăn lễ) đặc biệt này?
1. Toshikoshi Soba
"Toshikoshi soba (món ăn khép lại năm cũ) là một món ăn được người dân Nhật Bản chế biến từ mì kiều mạch để ăn vào thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới. Người ta kể nhiều truyền thuyết về nguồn gốc của món ăn này, trong đó có giả thuyết cho rằng vì hình dạng của sợi mì dài và gầy nên người ta ăn mì này để cầu mong "sức khỏe dài lâu và may mắn cho gia đình". Cũng có một giả thuyết khác cho rằng chúng được dùng để "gạt đi những khó khăn của năm " vì chúng dễ gãy hơn các loại mì khác.
2. Osechi
Khi thời khắc năm mới đến, người Nhật thưởng thức các món ăn có tên là "osechi". Thông thường, osechi được chế biến rất đa dạng màu sắc nhằm tượng trưng cho những điều ước khác nhau về mùa màng và hạnh phúc trong năm. Người ta thường phục vụ Osechi trong những hộp jyubako xếp chồng lên nhau bởi quan niệm làm như vậy sẽ góp phần "tăng thêm hạnh phúc".
Món này được chế biến khác nhau tùy theo từng vùng miền. Nhưng ở hầu hết các nơi, osechi đều có thành phần chính là kazunoko (trứng cá trích muối), tượng trưng cho mong ước thịnh vượng lâu dài trong gia đình và kohaku-namasu - món dưa góp được muối từ cà rốt và củ cải trắng bào sợi dài, mỏng rồi ngâm trong nước trái cây như cam, quýt và giấm ngọt.
Kohaku-namasu là một món ăn có màu sắc may mắn đỏ và trắng. Bạn có thể dễ dàng mua osechi đóng gói sẵn tại các cửa hàng bách hóa và siêu thị.
3. Ozoni
Ở Nhật Bản, người ta thường ăn món súp Ozoni vào ba ngày đầu năm để cầu mong một năm an khang thịnh vượng. Món ăn có rất nhiều kiểu chế biến khác nhau trên khắp các vùng miền đất nước, nhưng thành phần chính phổ biến nhất là mochi (bánh gạo nếp).
Mochi được cắt và nấu khác nhau tùy vào địa phương. Ở một số nơi, người ta sử dụng mochi tròn, trong khi những vùng khác dùng mochi vuông. Một số nơi thì nướng chúng lên và một số nơi khác lại luộc kiểu đun nhỏ lửa.
Các thành phần được thêm vào súp cũng rất khác nhau, bao gồm các món như củ cải daikon, cà rốt, thịt gà và trứng cá hồi. Các loại súp phổ biến nhất là miso hoặc sumashi (dashi nêm muối và/hoặc nước tương). Món ăn này đôi khi được phục vụ tại các địa điểm hatumode, khi mọi người đến đền thờ vào dịp đầu năm mới, hay tại các nhà hàng xung quanh các khu đền tự.
4. Nanakusa Gayu
Món tiếp theo là món cháo "nanakusa gayu", được người dân Nhật Bản ăn vào ngày 7 tháng Giêng hàng năm, vào cuối lễ nghỉ năm mới. Người ta sẽ ninh cơm với bảy loại thảo mộc thành cháo rồi nêm gia vị với muối và các loại gia vị khác.
Mặc dù người dân từng vùng miền sử dụng cháo "haru no nanakusa" (bảy loại thảo mộc mùa xuân) theo các cách rất khác nhau, nhưng các loại thảo mộc được sử dụng phổ biến nhất là seri (rau mùi tây Nhật Bản), nazuna (cần nước, như cần ta), gogyo (một loại như cải cúc), hakobera (cây thảo anh), hotokenoza (một loại hoa như hoa cải cúc ), suzuna (củ cải tròn).
Vì những loại thảo mộc này là loại phát triển vào đầu mùa xuân nên người dân Nhật Bản tin rằng chúng có thể giúp họ xua đuổi ma quỷ. Do đó, người ta dùng chúng làm thức ăn để cầu mong một năm mới sức khỏe dồi dào. Hương vị tinh tế và giàu dinh dưỡng của nanakusa gayu cũng có tác dụng làm dịu dạ dày, giảm đầy bụng do ăn qua nhiều loại đồ ăn trong dịp Tết.
Món cháo này cũng như món Ozoni, thường các đầu bếp phục vụ phổ biến tại các điểm hatumode (các điểm phục vụ ăn uống trong/xung quanh các khu vực đền chùa), và cũng dễ dàng tìm thấy ở thực đơn ăn nhanh tại các nhà hàng Nhật Bản. Đặc biệt, món ăn này rất giàu dinh dưỡng vì chứa nhiều vitamin.
5. Oshiruko
"Oshiruko" là món chè được nấu từ bánh nếp mochi với nhân đậu đỏ. Nhân bánh được làm bằng cách ninh đậu azuki với đường. Món chè này cũng rất đa dạng giữa các vùng miền. Người dân các nơi thường có thói quen khác nhau khi chế lượng nước đường trong món chè này. Có nơi giữ nguyên vỏ đậu, nơi thì chỉ dùng đậu đã được làm sạch vỏ.
Ở Nhật Bản, loại bánh nếp mochi được các gia đình dâng cúng các vị thần trong dịp năm mới sẽ được gọi là "kagamimochi" (bánh mochi gương). Bánh mochi được dâng cúng riêng (kagamimochi) này sẽ chỉ được ăn khi kết thúc dịp năm mới nhằm cầu mong sức khỏe dồi dào trong năm (kagamibiraki thường diễn ra vào ngày 11 hoặc 15 tháng Giêng, tùy thuộc vào từng địa phương). Ở xứ Phù Tang, người ta có truyền thống rất đặc biệt gắn liền với món ăn này là sự kiện mở gương (kagamibiraki).
Thường thì sau khi cúng xong, kagamimochi (bánh mochi gương) đã bị khô và có phần cứng, cho nên người dân Nhật thường thả vào trong bát oshiruko để ninh lên rồi ăn (chè ninh từ đậu đỏ).
Ngoài ra, các món ăn trên thường rất phổ biến được phục vụ trong các nhà trọ ryokan truyền thống trong dịp năm mới, vì vậy bạn hãy nhớ hỏi khách sạn nơi bạn định ở để nếm thử nhé!