Lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá nói gì về tuyến đường 455m hết 128 tỷ đồng?
Những ngày vừa qua dư luận xôn xao việc UBND tỉnh Thanh Hoá chấp thuận đổi trên 19ha đất "vàng" chỉ để lấy 455m đường đô thị.
Những ngày vừa qua dư luận xôn xao việc UBND tỉnh Thanh Hoá chấp thuận đổi trên 19ha đất "vàng" chỉ để lấy 455m đường đô thị.
Dư luận xôn xao
Ngày 3/12/2018, UBND tỉnh Thanh Hoá có tờ trình số 153/TTr-UBND gửi HĐND tỉnh đề nghị quyết định chủ trương đầu tư tuyến đại lộ Đông Tây, đoạn từ sông Nhà Lê đến QL 47, TP. Thanh Hoá theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT).
Theo đó, đơn vị được đề xuất thi công là Cty CP Sông Mã; dự án thi công là đầu tư xây dựng hoàn chỉnh tuyến đường 455m đảm bảo theo quy chuẩn đường chính đô thị, kết cấu bê tông nhựa và hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng, cây xanh đi cùng.
Tổng vốn đầu tư 128 tỉ 187 triệu đồng. Nhà thầu tự huy động 100% vốn, trong đó vốn chủ sở hữu tối thiểu 20%, vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác tối đa 80%.
Loại hợp đồng được xác định là hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT). Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hoá sẽ thanh toán cho nhà đầu tư là Cty CP Sông Mã bằng quỹ đất để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các khu dân cư, tái định cư tại 3 khu đất trên địa bàn TP. Thanh Hoá với tổng diện tích 19,3 ha (193.000 m2).
Các khu đất được giao bao gồm: Khu số 1 phía bắc đường Nguyễn Công Trứ thuộc KĐT Đông Sơn có diện tích 7,7ha; khu số 2 tại khu tái định cư Quảng Thành, diện tích 11,54ha và khu số 3 thuộc khu vực hai bên đường vành đai Đông Tây, diện tích 0,12ha.
Dự án trên đã được Thường trực Tỉnh uỷ Thanh Hoá thông qua.
Những khu đất được xác định đổi cho nhà đầu tư nói trên đều là những khu vực có giá trị cao. Giá thị trường hiện nay khoảng từ 8 – 20 triệu đồng/m2.
Những thông tin trên đã gây hoang mang dư luận vì chẳng có công trình đường đô thị cấp III nào mà với 455m phải tiêu tốn tới trên 128 tỉ đồng. Tính ra mỗi mét đường hơn 281 triệu đồng. Đó là con số kỷ lục thế giới.
Thông tin có thật nhưng chưa đủ, chưa đúng
Việc UBND tỉnh Thanh Hoá đề xuất đổi 19,36ha đất có giá trị cao nói trên cũng gây bức xúc dư luận vì theo cách tính thông thường, với giá thị trường khoảng 10 triệu đồng/m2 thì tổng số tiền nhà đầu tư thu được sẽ tới trên 1.930 tỉ đồng.
Ông Hoàng Văn Hùng - Giám đốc Sở KHĐT Thanh Hoá. Ảnh: Ngọc Huấn
Theo đó, tại báo cáo kết quả thẩm định (lần 2) do Sở KHĐT tổng hợp ý kiến các sở, ngành liên quan thì số tiền trên 128 tỉ đồng không phải chỉ để thi công đoạn đường dài 455m mà bao gồm cả chi phí xây dựng công trình và chi phí giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, chi phí xây dựng là 31,9 tỉ đồng (tương đương với suất đầu tư khoảng 70 tỉ đồng/km theo quy định của Bộ Xây dựng. Còn lại 72,3 tỉ đồng là chi phí GPMB được xác định trên cơ sở kiểm đếm 1,77ha, trong đó 0,78ha đất ở với 80 hộ dân cần tái định cư. Giá đất đền bù GPMB được xác định khoảng 12 triệu đồng/m2.
“Như vậy, không có chuyện đơn giản làm 455m đường mà tiêu tốn tới 128 tỉ đồng” – ông Hùng nói.
Về thông tin giá trị quỹ đất trên 19ha, ông Hùng cho hay, các ngành cũng đã xác định giá đất tiệm cận giá thị trường. Theo đó, khu vực 1 và 2 được xác định giá từ 4,8 – 12triệu đồng/m2; khu vực 3 có giá 13 triệu đồng/m2. “Mức giá đó là hợp lý, tiệm cận giá thị trường và đảm bảo tính khả thi của dự án” – ông Hùng cho hay.
Theo Xuân Hùng
Lao động