Kiên Giang xây dựng Hà Tiên thành thành phố cửa khẩu, trung tâm kinh tế du lịch của miền Tây

Trường Thịnh

(Dân trí) - Cùng với Phú Quốc, Hà Tiên - thành phố biển trực thuộc tỉnh Kiên Giang đang được hưởng nhiều chính sách ưu tiên đầu tư để xứng tầm tầm vóc của một đô thị cửa khẩu, và trung tâm kinh tế - du lịch của toàn Tây Nam Bộ.

Cửa ngõ giao thương quốc tế, trung tâm kinh tế - du lịch toàn vùng

Hà Tiên là đầu mối của cao tốc trục ngang của miền Tây là Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 225km. Quốc lộ 80 có điểm đầu tại cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên đi qua Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long. Hiện nay, QL80 đoạn Cần Thơ - Rạch Giá đã được thay thế bằng một phần cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi rút ngắn đường từ Cần Thơ đến Hà Tiên chỉ còn 2 giờ thay vì 3 giờ như trước đây. Đặc biệt, tuyến hành lang ven biển phía Nam kết nối 7 tỉnh miền Tây có điểm xuất phát từ Hà Tiên, vốn đầu tư 1 tỷ USD đang được triển khai nhiều giai đoạn sẽ mở ra cơ hội lớn khai thác tài nguyên du lịch biển, giúp nơi đây trở thành điểm nghỉ dưỡng, đầu tư và du lịch hàng đầu của miền Tây.

Kiên Giang xây dựng Hà Tiên thành thành phố cửa khẩu, trung tâm kinh tế du lịch của miền Tây - 1
Vị trí cửa ngõ chiến lược của Hà Tiên trong khu vực và Quốc tế

Sở hữu cửa khẩu quốc tế thông thương với Campuchia, Hà Tiên được chọn là cửa ngõ của tuyến hành lang ven biển Việt - Cam - Thái. Tuyến có tổng chiều dài 1.000 km bắt đầu từ Bangkok (Thái Lan) chạy dọc bờ biển Campuchia đến cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên và kéo dài tới Cà Mau. Tuyến hành lang này không chỉ hình thành nên tour du lịch Quốc tế, mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho ngành du lịch Hà Tiên mà còn có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong giao thương hàng hóa giữa miền Tây với các nước tiểu vùng Sông Mekong.

Bởi lẽ thông qua cửa khẩu quốc tế và hành lang Việt - Cam - Thái, lượng hàng hóa của miền Tây sẽ xuất nhập khẩu bằng đường bộ qua cửa ngõ này để đến Campuchia và Thái Lan. Ngược lại, hàng hóa của hai nước này cũng thông qua cửa khẩu để vào Việt Nam. Tiếp lực cho cửa khẩu đường bộ, Hà Tiên cũng đang xây dựng cảng Bãi Nò (78ha) thành cảng hàng hóa- du lịch để khai thác thế mạnh vận tải biển, chia lửa cùng Phú Quốc.

Với vị trí chiến lược và tầm vóc lớn, tại hội nghị thẩm định quy hoạch chung diễn ra trong cuối năm 2020, bộ xây dựng xác định xây dựng Hà Tiên là thành phố du lịch cửa khẩu quốc gia và quốc tế, là một cực tăng trưởng trọng điểm của khu vực ĐBSCL. Đồng thời Hà Tiên trở thành trung tâm kinh tế - xã hội, thương mại, du lịch, văn hóa - di sản vùng Tây Nam Bộ. Khu kinh tế cửa khẩu sẽ được quy hoạch toàn diện với nhiều chính sách ưu đãi, thúc đẩy thương mại. Dự kiến trước năm 2025, Hà Tiên sẽ đạt đô thị loại 2.

Kiên Giang xây dựng Hà Tiên thành thành phố cửa khẩu, trung tâm kinh tế du lịch của miền Tây - 2
Vẻ đẹp của biển Mũi Nai

Theo cục hải quan Kiên Giang, tỷ lệ xuất khẩu của Kiên Giang đã tăng mạnh trong đầu năm nay. Thống kê cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 2 đạt 13,2 triệu USD, tăng mạnh ở mức 19,56% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do lượng hàng hóa xuất khẩu sang Campuchia của các hộ kinh doanh mới thành lập mở tờ khai xuất khẩu qua cửa khẩu Hà Tiên tăng mạnh. Điều này chứng minh vai trò quan trọng của Hà Tiên trong chuỗi cung ứng Quốc tế và bước đầu cho thấy hiệu quả của việc xây dựng khu kinh tế cửa khẩu đối với sự phát triển của ngành vận tải, du lịch trong khu vực.

Nhiều giải pháp "thay áo mới" cho du lịch và hạ tầng

Hội tụ đầy đủ các loại hình du lịch đặc trưng bao gồm: du lịch biển, sinh thái, tâm linh, văn hóa và lễ hội, tại miền Tây, Hà Tiên là địa danh du lịch nổi tiếng và thu hút du khách nhiều nhất, chỉ đứng sau Phú Quốc. Do đó, nơi đây được đánh giá là khu vực có tiềm năng phát triển mạnh loại hình bất động sản du lịch biển, nghỉ dưỡng, resort cao cấp. Chính quyền Hà Tiên cũng cho biết thời gian tới phát triển du lịch là ưu tiên hàng đầu của TP này với mục tiêu đưa nơi đây thành điểm đến hàng đầu của người dân Tây Nam Bộ và đón đầu du khách từ các nước láng giềng.

Để "thay áo mới" cho ngành du lịch, trong giai đoạn 2020 - 2021, TP. Hà Tiên đã và đang chi hàng trăm tỷ đồng cải tạo lại các điểm du lịch thương hiệu như xây dựng nhà tưởng niệm tao đàn chiêu anh các, núi đá dựng, thạch động, cầu ao sen . Hạ tầng du lịch trong thành phố cũng được trung ương quan tâm đầu tư như xây dựng đường Hoành Tấu Bãi Nò, đường quanh núi Pháo Đài, đường trục chính trung tâm quảng trường, di dời chợ đêm vào khu đô thị mới, nâng cấp các tuyến đường nội ô, hoàn thành cấp điện lưới ra quần đảo Hải Tặc, xây dựng cảng du lịch quốc tế Tà Lu, trung tâm thông tin du lịch Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, khu phức hợp du lịch Đá Dựng,…

Đáng chú ý, Hà Tiên là thành phố biển đầu tiên chi hàng trăm tỷ đồng cải tạo bãi tắm cát trắng cho Mũi Nai, Bãi Nò, Bãi Bàng, Hải Tặc giúp nơi đây sở hữu bãi tắm đẹp không thua kém biển miền Trung, tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn cho du lịch. Cùng với chiến lược này, hiện nay du khách muốn tận hưởng du lịch nghỉ dưỡng biển tại miền Tây có thể chọn ra Phú Quốc thông qua tàu cao tốc hoặc di chuyển đường bộ khoảng 2-3 giờ để đến Hà Tiên.

Xây dựng chuỗi đảo tiến gần tới quần đảo Hải Tặc

Làn sóng ngầm đầu tư vào thị trường BĐS Hà Tiên đang âm thầm diễn ra trong thời gian gần đây, chủ yếu là các dự án du lịch, nghỉ dưỡng, resort với quy mô từ vài chục đến hàng trăm ha. Ông Mai Đức Toàn, giám đốc CNT Group cho rằng, đây là xu thế tất yếu bởi lẽ quỹ đất tại các TP biển, phát triển du lịch luôn là "vàng" và được săn đón ráo riết. Trong khi đó, miền Tây chỉ có Phú Quốc và Hà Tiên phát triển mạnh về du lịch biển. Giá BĐS Hà Tiên hiện đang nằm trong vùng trũng, dễ đầu tư và có dư địa tăng giá cao. Chưa kể ngoài du lịch Hà Tiên còn có kinh tế cửa khẩu, một yếu tố quan trọng giúp thành phố này trở thành trọng điểm du lịch, kinh tế trong tương lai.

Kiên Giang xây dựng Hà Tiên thành thành phố cửa khẩu, trung tâm kinh tế du lịch của miền Tây - 3
Khu đô thị mới Hà Tiên tiên phong phát triển BĐS lấn biển

Hiện nay, chính sách phát triển BĐS tại TP. Hà Tiên đi theo hướng lấn biển, hình thành chuỗi đảo ven biển kết nối trung tâm thành phố với đảo Hải Tặc. Cụ thể, chính quyền Hà Tiên cho biết, hiện thành phố đang chờ các cấp có thẩm quyền phê duyệt việc lấn biển với diện tích khoảng năm nghìn héc-ta. Trong đó, Hà Tiên sẽ đầu tư xây dựng một cây cầu nối thành phố với quần đảo Hải Tặc để tận dụng triệt để tài nguyên du lịch của quần đảo này cùng với Mũi Nai. Đồng thời, từ Hải Tặc, Hà Tiên có thể tận dụng nền tảng hạ tầng sân bay sẵn có của Phú Quốc.

Khởi đầu cho chuỗi dự án lấn biển phải kể đến khu đô thị mới Hà Tiên, dự án biệt thự biển Ha Tien Venice Villas và tổ hợp thương mại Ha Tien Centroria. Đây là những dự án đầu tiên bắt kịp xu thế phát triển của TP biển, tiên phong khai phá thị trường BĐS cao cấp. Hiện nay, các dự án này đã thu hút lượng lớn khu dân cư đến sinh sống, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ phát triển sầm uất. Kết hợp với tiện ích vui chơi, nghỉ dưỡng cao cấp, khu vực này đang là trung tâm du lịch, dịch vụ mới của thành phố trẻ.

Ngoài ra, sắp tới, Hà Tiên còn đón hơn hơn 20 dự án quy mô lớn từ các chủ đầu tư tầm cỡ như Vingroup, Hà Đô, Trần Thái, City Land. Đây là một trong những bệ phóng giúp Hà Tiên trở thành trung tâm du lịch, kinh tế, văn hóa hàng đầu Tây Nam Bộ.