Kịch bản nào cho bất động sản cao cấp hậu Covid-19?
(Dân trí) - Đợt dịch Covid-19 lần thứ nhất đã chứng minh sức “đề kháng” cùng khả năng phục hồi hiếm thấy của thị trường bất động sản (BĐS), đặc biệt là phân khúc cao cấp.
Trong bối cảnh cầu nhiều cung ít, dòng sản phẩm này được dự báo sẽ thiết lập mặt bằng giá mới trong thời gian tới.
Phân khúc cao cấp liên tục gây ấn tượng
Đúng như dự báo của nhiều chuyên gia BĐS trong đợt dịch Covid-19 lần thứ nhất, thị trường hoàn toàn không đổ vỡ hay đóng băng bởi khủng hoảng này chỉ mang tính ngắn hạn, giống như một đợt “hắt hơi, sổ mũi”. Thực tế, ngay sau khi đợt dịch lần thứ nhất được kiểm soát vào đầu tháng 4, các hoạt động mở bán được nối lại, thị trường BĐS đã lập tức bừng tỉnh. Không những thế, nhiều dự án còn liên tiếp lập các kỷ lục bán hàng, đặc biệt là ở phân khúc cao cấp.
Đơn cử, trung tuần tháng 5, một tòa căn hộ cao cấp thuộc dự án Vinhomes Ocean Park (Gia Lâm, Hà Nội) đã xác lập kỷ lục hơn 50% số căn giao dịch thành công chỉ trong 60 phút mở bán. Một tháng sau đó cũng tại dự án này, ngay trong sự kiện mở bán, một tòa căn hộ khác lại tạo dấu ấn với gần 300 căn giao dịch thành công.
Thậm chí, ngay cả khi “làn sóng Covid thứ 2” bùng phát vào cuối tháng 7, sức nóng của phân khúc BĐS cao cấp vẫn không giảm. Dự án The Origami (Quận 9, TP.HCM) chỉ trong 3 ngày mở bán đã tạo dấu ấn với số lượng đăng ký đặt mua lên tới 2.400 căn!
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM Nguyễn Hoàng Châu cho rằng BĐS vẫn hút khách nhờ sự an toàn của thị trường này. Các dự án nhà ở từ cao cấp đến bình dân khi đưa ra thị trường đều đạt tỷ lệ hấp thụ rất cao, trong đó nhà ở cao cấp đạt 70 - 80%, thậm chí, có những dự án tiêu thụ tới 100%.
“Ngay trong tháng 5, tỷ lệ tiêu thụ của các dự án đã tăng đến 15 lần so với tháng 4. Điều đó cho thấy khả năng phục hồi của thị trường BĐS là rất cao. Khó khăn lớn nhất và duy nhất chỉ là khan hiếm dự án và sản phẩm”, ông Châu khẳng định.
Trong khi đó, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, cho rằng mặc dù tác động của Covid-19 được dự báo sẽ còn kéo dài đến cuối năm 2020, nhưng thị trường BĐS sẽ sớm phục hồi và phát triển mạnh trong giai đoạn 2021 - 2022, sau một thời gian dài các giao dịch bị kìm nén vì dịch bệnh. Theo ông Khương, hiện tại đang là thời điểm khó khăn với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, tuy nhiên, đối với một bộ phận những cá nhân và doanh nghiệp có khả năng tài chính tốt, có nhiều kinh nghiệm - nhóm khách hàng mục tiêu của phân khúc cao cấp - thì đây lại là cơ hội lớn.
Giá bán rục rịch thiết lập mặt bằng mới
Cũng nằm trong dự báo trước đó của các chuyên gia, Covid-19 hầu như không làm thay đổi giá BĐS. Thị trường không phá đáy như một số nhà đầu tư kỳ vọng bởi thực tế trong quý I và nửa đầu quý II, các chiến dịch kích cầu mùa thấp điểm đầu năm và các gói ưu đãi mùa dịch đã đưa thị trường BĐS về mức giá được cho là “tốt chưa từng thấy”. Bên cạnh đó, doanh nghiệp BĐS còn được hưởng gói “giải cứu” của Chính phủ nên không chịu áp lực buộc phải xả hàng để thu hồi vốn, vì thế, không có đơn vị nào công bố giảm giá bán.
Ngược lại, tình trạng cầu vượt cung do những vướng mắc trong thủ tục cấp phép các dự án mới còn khiến mặt bằng giá BĐS tại cả Hà Nội và TP.HCM đều có xu hướng tăng, đặc biệt ở phân khúc cao cấp. Nguyên nhân được cho là bởi nhu cầu thị trường đang có khuynh hướng chuyển dịch mạnh sang dự án cao cấp, tiện ích đồng bộ, pháp lý đầy đủ và sắp bàn giao.
Lý giải về sự lên ngôi của phân khúc BĐS cao cấp sau dịch bệnh, chuyên gia quy hoạch Trần Ngọc Chính cho rằng, mấu chốt nằm ở môi trường sống an toàn cùng những tiện ích đa dạng.
“Dịch bệnh khiến con người quan tâm hơn đến hệ thống y tế và cung cấp nhu yếu phẩm. Về cư trú, mọi người sẽ nhận ra tầm quan trọng của một không gian sống được quy hoạch bài bản, mật độ xây dựng thấp, an toàn và đầy đủ tiện ích”, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, phân tích.
Tại Hà Nội, theo số liệu từ Savills Việt Nam, bất chấp Covid-19, giá bán chung cư trên thị trường sơ cấp đã tăng 7%. Tại phân khúc biệt thự liền kề, giá sơ cấp trong quý II/2020 cũng tăng mạnh do nguồn cung mới có giá cao. Giá sơ cấp trung bình của biệt thự là 4.764 USD/m2, tăng 19% theo quý. Trong khi đó, giá trung bình liền kề đạt 4.458 USD/m2, tăng 9% theo quý. Giá nhà phố khoảng 7.306 USD/m2, tăng 18% theo quý.
Giá trung bình thứ cấp toàn thị trường tăng nhẹ 1,1% theo quý với biệt thự, tăng 0,5% theo quý với liền kề và 0,1% theo quý với nhà phố.
Còn tại TP.HCM, theo báo cáo thị trường nhà chung cư của Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam, trong quý II/2020, với sự xuất hiện của dự án hạng sang tại Thủ Thiêm (Quận 2), việc tăng giá tại những dự án đến giai đoạn bàn giao và đặc biệt là thông tin sắp thành lập Thành phố phía Đông đã kéo giá bán trung bình toàn thị trường lên ngưỡng 2.582 USD/m2, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết giá bất động sản TP.HCM hiện tăng cao chưa từng có. 6 tháng đầu năm 2020, thị trường căn hộ thành phố đã thiết lập mặt bằng giá mới, giá căn hộ trung tâm Quận 1 lên đến 500 triệu/m2, khu vực trung tâm Quận 2 lên đến 200 triệu/m2, các quận/huyện vùng ven cũng tăng kỷ lục. Khu vực Quận 9, Thủ Đức vốn nổi tiếng là “thánh địa” của các căn hộ giá rẻ, nay cũng vọt lên mức 38 - 40 triệu/m2.
Bàn về xu hướng phát triển của thị trường trong những tháng cuối năm, nhiều chuyên gia cho rằng, khi giá vàng thế giới và trong nước đều liên tục nhảy múa, lãi suất tiết kiệm đồng loạt giảm mạnh thì đầu tư BĐS vẫn là kênh an toàn khi mà hạ tầng ngày một hoàn thiện, đặc biệt là do nhu cầu nhà ở còn rất dồi dào. Trong đó, phân khúc cao cấp vẫn được xem là giàu tiềm năng bởi nguồn cung hạn chế cùng khả năng giữ giá lâu dài.