Hàng trăm gia đình tan nát vì có người thân đầu tư theo Alibaba
Gần 3 tháng trôi qua kể từ khi những mánh khóe lừa đảo của địa ốc Alibaba bị phanh phui, nhiều gia đình vẫn chưa thể quay trở lại cuộc sống bình thường.
Tháng 9/2019, Công ty Alibaba bị phanh phui về tội lừa đảo hàng nghìn nhà đầu tư bất động sản bằng việc vẽ ra hàng loạt dự án “ma” ở các tỉnh lân cận TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu… rồi hứa sẽ mua lại sản phẩm và đưa ra mức cam kết lợi nhuận hấp dẫn lên tới 28%. Vài ngày sau đó, hàng nghìn khách hàng đã đến trụ sở công an TP.HCM trình báo về khoản tiền có nguy cơ mất trắng. Trong đó, người bị mất nhiều nhất khoảng 3 tỷ, người ít thì từ 300 triệu - 1 tỷ. Khoảng 7.000 người đã rơi vào bẫy của Alibaba với tổng số tiền bị lừa lên đến 2.500 tỷ đồng.
Đến nay đã 3 tháng trôi qua nhưng hàng nghìn khách hàng mua các dự án của công ty này vẫn chờ đợi trong vô vọng. Họ đã làm hồ sơ trình báo công an nhưng nguy cơ “tiền mất tật mang” đã thấy trước mắt. Mất cả gia tài, nhiều người chán nản, bỏ nghề đầu tư bất động sản chuyển qua đi buôn bán tạm kiếm sống qua ngày. Nhiều gia đình khổ sở, vợ chồng lục đục đòi bỏ nhau vì nợ nần chồng chất. Thậm chí có những người rơi vào trầm cảm, không còn tha thiết với cuộc sống vì áp lực tài chính nặng nề.
Trao đổi với VietNamNet, anh Lê Văn V., một khách hàng từng mua dự án của Alibaba ở Đồng Nai cho biết, 2 vợ chồng anh mới cưới được 1 năm và có 1 bé gái 3 tuổi. Hai vợ chồng được bố mẹ mua cho căn nhà nhỏ ở cạnh một khu công nghiệp để sinh sống, tiện cho việc đi lại làm nghề công nhân.
Vào tháng 5/2018, anh V. nghe bạn bè xôn xao về việc có một công ty bất động sản chào bán các dự án, hứa hẹn về mức lợi nhuận hấp dẫn. Anh V. lên mạng tìm Facebook công ty này thì thấy nhiều clip livestream phát tiền lợi nhuận lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi quý. Ham làm giàu, anh V. đi theo bạn bè tham gia các buổi diễn thuyết của công ty và bị lôi vào “ma hồn trận” của những chiêu cam kết sinh lời.
Về nhà, anh V. bàn vợ mang sổ đỏ căn nhà đang ở đi thế chấp ngân hàng để vay tiền đi kinh doanh bất động sản. Ba tháng sau đó, anh V. được phía công ty Alibaba trả cam kết lợi nhuận 1 lần nên tiếp tục đầu tư thêm một mảnh khác kế bên. Khi chưa kịp nhận tiền lời lần 2 thì công ty này bị phanh phui về tội lừa đảo. Tổng số tiền mà anh V. đóng cho Alibaba vào khoảng 1,2 tỷ đồng.
Đến nay sau 3 tháng, vợ anh V. vẫn chưa vượt qua được cú sốc bị lừa mất tiền. Cuộc sống làm công nhân vốn đã khó khăn nay lại phải cõng thêm gánh nợ ngân hàng, nguy cơ cả nhà phải ra ngoài đường khiến anh V. khổ sở vì phải cậy nhờ họ hàng, gia đình giúp đỡ.
Tương tự như trường hợp của anh V., hàng trăm gia đình khác cũng rơi vào cảnh tương tự vì có chồng, con, vợ… đi theo Alibaba. Điều đáng nói là hầu hết khách hàng của Alibaba đều không phải là dân kinh doanh lâu năm mà chủ yếu là dân lao động nghèo. Tin tưởng Alibaba có thể mang lại mức lợi nhuận khủng nên nhiều người sẵn sàng bán nhà, vay mượn khắp nơi… để đổ vào các dự án không có thật.
Thậm chí, nhiều người dù biết rõ Alibaba không phải là nơi uy tín để đầu tư nhưng vẫn đánh liều vay mượn để mua. Họ định bụng sau vài ba lần lấy được tiền lời thì sẽ rút vốn. Do không có kinh nghiệm trong ngành, lại không lường trước rủi ro khi xảy ra chuyện nhiều khách hàng chới với, không tìm được cách để giải quyết nợ nần.
Đau lòng nhất là vụ việc mới đây, khi một bệnh nhân đã nổ súng tự sát ở bệnh viện Trưng Vương, TP.HCM cũng là một khách hàng của Alibaba ở Vũng Tàu. Người thân của nạn nhân cho biết, trước đây nạn nhân có kinh doanh bất động sản, từng mua đất của tập đoàn lừa đảo Alibaba và bị lừa mất 3 tỷ. Gần đây, người đàn ông có biểu hiện trầm cảm.
Ngày 21/12, ông này đã uống khoảng 100 viên thuốc ngủ, được người nhà phát hiện đưa vào Bệnh viện Trưng Vương cấp cứu kịp thời. Tuy nhiên, sau đó ông này lại tìm đến phương án khác để tự tử.
Luật sư Trần Minh Cường (Đoàn Luật sư TP.HCM), người theo sát vụ án của Alibaba cho biết ông từng nhiều lần chứng kiến hàng trăm khách hàng khóc không thành lời sau khi mất trắng cả gia tài vào những dự án “ma” do công ty này tự vẽ lên.
Theo luật sư Cường, thường những vụ án trên có hồ sơ phức tạp nên sẽ mất thời gian 1-3 năm để các cơ quan tố tụng tiến hành điều tra, truy tố, đưa ra xét xử vụ án. Trong khi đó, những khách hàng đã mất tiền thì khả năng lấy lại khoản tiền đã đầu tư là rất khó do tội phạm "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thường có chủ ý tẩu tán tài sản trước khi bị bắt. Trong khi đó, sau khi công ty này bị phanh phui thì thị trường vẫn chưa ổn định. Ở các vùng ven vẫn tồn tại các dự án "ma" đang được rao bán ngầm qua hình thức “gọi điện thoại” cho khách hàng nên vẫn không ít người vẫn sập bẫy.
“Thông tin khuyến cáo thì rất nhiều nhưng khổ nỗi nhà đầu tư có mấy ai đọc đâu. Đến khi xảy ra chuyện thì mới biết là có tới hàng trăm nhà đầu tư vẫn còn mơ hồ, nghĩ rằng mua đất là có thể giàu nhanh nhưng không biết đằng sau đó là rất nhiều rủi ro chực chờ. Trên thực tế, có những người vẫn có thể giàu lên từ đất nhưng số người sạt nghiệp vì đất cũng không ít. Do đó, khi đã đi đầu tư đất thì không cách nào khác là nhà đầu tư phải tự bảo vệ mình trước”, luật sư Cường nói.
Theo Khánh Hoà
VietnamNet