Hàng loạt doanh nghiệp "chết lâm sàng", giới bất động sản đang "lâm nguy"?

(Dân trí) - Thị trường gần như “đóng băng", 800 sàn giao dịch bất động sản đóng cửa; Thạch Thất báo cáo Hà Nội 2 dự án đô thị 500ha, nơi vừa xảy ra "sốt" đất... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.

Hàng loạt doanh nghiệp chết lâm sàng, giới bất động sản đang lâm nguy? - 1

Tỷ lệ tiêu thụ bất động sản quý 1/2020 chỉ đạt khoảng 14%, thấp nhất trong vòng 4 năm qua.

Thị trường gần như “đóng băng", 800 sàn giao dịch bất động sản đóng cửa

Đó là những số liệu đáng chú ý về thị trường bất động sản thời đại dịch Covid-19 được ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết.

Cụ thể, đã có đến 800 sàn giao dịch bất động sản trong tổng số khoảng 1.000 sàn giao dịch trong cả nước phải ngừng hoạt động. 

Nếu tình hình thị trường bất động sản quý 1/2020, ông Lê Hoàng Châu cho biết: Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cả nước có khoảng 53.000 sản phẩm bất động sản được chào bán ra thị trường (bao gồm sản phẩm mới và hàng tồn kho), nhưng tỷ lệ tiêu thụ được chỉ đạt khoảng 14%, thấp nhất trong vòng 4 năm qua.

Đối với phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng (condotel), chỉ có hơn 41.000 sản phẩm đưa vào sử dụng, chỉ chiếm khoảng 30% trong tổng số 139.281 sản phẩm được đầu tư xây dựng.

Thạch Thất báo cáo Hà Nội 2 dự án đô thị 500ha, nơi vừa xảy ra "sốt" đất

UBND huyện Thạch Thất đã có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội về việc đầu tư xây dựng khu đô thị trên địa bàn huyện này.

Theo huyện này, vào ngày 18/3/2020, một tập đoàn bất động sản lớn đã có văn bản đề xuất UBND huyện được đầu tư xây dựng 2 dự án khu đô thị có quy mô 200ha và 300ha thuộc địa phận huyện Thạch Thất.

Hàng loạt doanh nghiệp chết lâm sàng, giới bất động sản đang lâm nguy? - 2

Hàng trăm nhà đầu tư đổ xô đến Thạch Thất, Hà Nội lướt sóng đất.

Lãnh đạo huyện Thạch Thất khẳng định, nếu dự án được cấp có thẩm quyền chấp thuận, UBND huyện sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư thực hiện các bước tiếp theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, tại xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, Hà Nội vừa qua xôn xao, tấp nập cảnh mua bán đất giữa những ngày đại dịch. Sau khi chính quyền vào cuộc, cảnh báo, đám đông mới giải tán.

Thời “đại dịch", đừng vội vàng xuống tiền mua nhà chỉ vì lời rao cắt lỗ

Đại dịch Covid-19 đang tác động lớn tới thị trường bất động sản. Doanh nghiệp buộc phải tạm hoãn lại các hoạt động mở bán dự án để tránh tụ tập đông người.

Nhiều nơi xuất hiện thông tin rao bán cắt lỗ . Có nên mua nhà thời điểm này là câu hỏi của rất nhiều người. Trả lời câu hỏi này, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn Savills Hà Nội cho rằng, thời điểm này nếu nhà đầu tư đã đủ tự tin với dự án mình tìm hiểu và đánh giá có triển vọng về dài hạn thì có thể đưa ra quyết định đầu tư vì giá bán có thể hợp lý hơn trước đây do có các khuyến mãi, ưu đãi thúc đẩy bán hàng giai đoạn này.

Hàng loạt doanh nghiệp chết lâm sàng, giới bất động sản đang lâm nguy? - 3
Lời rao bán giảm giá chung cư lên tới hàng trăm triệu/căn vì đại dịch.

"Còn nếu chưa dành đủ thời gian cần thiết mà chỉ thấy giá hợp lý thì chưa nên quyết định bởi còn cần khảo sát đánh giá dự án. Trong khi đó đây là những việc không an toàn và hợp lý để làm trong thời gian Covid-19 diễn biến phức tạp", bà Hằng nói.

Thị trường bất động sản: Lắm cảnh éo le, bao giờ mới bớt u ám?

Đối với phân khúc căn hộ, đại diện DKRA cho rằng, sức cầu chung của thị trường có thể tiếp tục duy trì xu hướng giảm. Ở phân khúc khác như nhà đất, condotel cũng tương tự.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, nếu tháng 5, tháng 6, Việt Nam ngăn chặn thành công sự lây lan của dịch bệnh thì thị trường sẽ có những động thái thức tỉnh và có sự khởi động.

Một số ý kiến lại cho rằng, phải mất từ 1 đến 2 quý để thị trường phục hồi sau dịch. Ngay cả khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, thị trường vẫn cần rất nhiều yếu tố hỗ trợ để có thể tăng trưởng mạnh mẽ trở lại. Dịch Covid-19 đã gây tác động tiêu cực lên kinh tế, tài chính của rất nhiều đối tượng, từ người mua nhà đến dân đầu tư.

Thiệt hại từ tài chính sẽ khiến nhà đầu tư chưa thể quay trở lại ngay với thị trường. Chính vì vậy, ít nhiều cũng phải mất một khoảng thời gian để nhà đầu tư bất động sản phục hồi.

Điều chỉnh cục bộ quy hoạch Thủ đô Hà Nội vì mục đích quốc phòng

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ 1/25.000

Đây là phần Quy hoạch sử dụng đất tại dự án đầu tư xây dựng vị trí đóng quân mới và Thao trường huấn luyện cho Trung đoàn Bộ binh 692 thuộc Sư đoàn Bộ binh 301 - Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.

Mục tiêu điều chỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng đất quốc phòng an ninh trên địa bàn Thành phố Hà Nội để làm cơ sở triển khai dự án đầu tư xây dựng vị trí đóng quân mới và thao trường huấn luyện cho Trung đoàn Bộ binh 692 thuộc Sư đoàn Bộ binh 301 - Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực hiện nhiệm vụ an ninh, quốc phòng của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.

Nguyễn Khánh (Tổng hợp)